Những dấu ấn nổi bật trong công tác giải quyết án hình sự của VKSND từ năm 1987 - 1990
Ngày đăng : 10:05, 02/05/2020
Bối cảnh lịch sử
Những năm đầu của thời kỳ đổi mới đặt ra yêu cầu tăng cường pháp chế XHCN. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa VI đã tập trung bàn và quyết định những chủ trương, bước đi quan trọng của sự nghiệp đổi mới như: Hội nghị lần thứ Hai Ban chấp hành Trung ương (tháng 4/1987) bàn về chuyển hoạt động của các đơn vị quốc doanh sang kinh doanh XHCN, đổi mới quản lý Nhà nước về kinh tế; Bộ Chính trị đã có nhiều Nghị quyết quan trọng cụ thể hóa và phát triển những quan điểm lớn của Đảng trong công cuộc đổi mới như Nghị quyết số 10 NQ/TW (tháng 4/1988) về đổi mới quản lý nông nghiệp; Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương (tháng 3/1989) đã quyết định 12 chủ trương, chính sách lớn đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nhấn mạnh những vấn đề hàng đầu là điều chỉnh cơ chế kinh tế trong thực hiện các mục tiêu của 3 Chương trình kinh tế, thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, giải phóng mọi năng lực sản xuất kinh doanh, đổi mới cơ chế quản lý…Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, công cuộc đổi mới trên đất nước ta được triển khai mạnh mẽ.
Quốc hội khóa VIII (tháng 4/1987) đã tập trung xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý kinh tế và xã hội có hiệu quả hơn. Sự ra đời của Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các luật về thuế, đất đai, các pháp lệnh về kế toán và thống kê, hợp đồng kinh tế, luật sư… được ban hành đánh dấu mốc quan trọng trong xây dựng pháp luật về hình sự. Bên cạnh đó các văn bản pháp luật phục vụ đấu tranh chống và phòng ngừa vi phạm và tội phạm được quan tâm bổ sung hoàn thiện.
Ngày 13/6/1987, Hội đồng Nhà nước ban hành Công văn số 108/HĐNN gửi đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao giải thích 3 vấn đề trong Bộ luật Hình sự (án treo, miễn tố và nghĩa vụ cải tạo không giam giữ). Trong đó nêu rõ: Không dùng khái niệm miễn tố mà chỉ dùng khái niệm miễn trách nhiệm hình sự.
Ngày 14/11/1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 217-HĐBT về các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hoạch toán kinh doanh XHCN đối với xí nghiệp quốc doanh, là cơ sở cho công tác thực hành quyền công tố kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh tế. Các nghị định của Hội đồng Bộ trưởng về hướng dẫn thi hành Luật đầu tư, quản lý ngoại hối, … là căn cứ để giải quyết các vụ án kinh tế.
Thời kỳ này, các cơ quan tư pháp được củng cố và kiện toàn phù hợp với tình hình mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống và phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Công tác kiểm sát giải quyết án hình sự phục vụ nhiệm vụ chính trị
Quán triệt và vận dụng đường lối đổi mới do Đại hội lần thứ VI của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đề ra, ngày 1/2/1987, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 18 về nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 1987 nhằm: Hướng toàn bộ hoạt động của ngành vào phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm do đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra; trước mắt là đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực phục vụ yêu cầu từng bước ổn định tình hình kinh tế, xã hội; thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn. Trong đấu tranh chống vi phạm và tội phạm phải coi trọng đến kết quả sau cùng về kinh tế, xã hội. Từng bước nâng cao vai trò của công tác kiểm sát, góp phần đưa trật tự pháp luật đi vào nề nếp, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất của pháp chế...
Ngày 18/5/1987, Viện trưởng VKSND tối cao có Báo cáo số 16 trước Hội đồng Nhà nước về tình hình thi hành Luật tổ chức VKSND từ năm 1981 - 1987. Trong đó làm rõ các mặt công tác, chỉ đạo cụ thể các khâu nghiệp vụ, xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ và quản lý điều hành. Kiên trì quan điểm pháp chế thống nhất và tinh thần tích cực chủ động trong công tác kiểm sát, hướng trọng tâm phục vụ vào lĩnh vực kinh tế, khẩn trương thu thập chứng cứ để đưa ra truy tố, xét xử những vụ án trọng điểm.
Để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, tháng 8/1987, Viện trưởng VKSND tối cao có Báo cáo số 22 với Hội đồng Nhà nước về giải quyết án trọng điểm kinh tế: Năm 1986, 6 tháng đầu năm 1987 VKSND tối cao đã cùng Bộ Nội vụ, TAND tối cao chọn và khởi tố 31 vụ án trọng điểm với 265 bị can, đã truy tố 23 vụ, xét xử 18 vụ. Viện kiểm sát địa phương đã xác định 1.323 vụ án trọng điểm, truy tố 1.051 vụ, xét xử 725 vụ; phục vụ 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng, trong các ngành kinh tế trọng điểm, công trình trọng điểm, một số vụ án phát sinh từ lĩnh vực này được truy tố, xét xử khẩn trương, xử lý kiên quyết, triệt để, có sự phối hợp chặt chẽ, được dư luận hoan nghênh.
Trước tình hình tội phạm kinh tế gia tăng và diễn biến phức tạp, Viện kiểm sát các cấp đã tăng cường công tác đấu tranh chống tội phạm kinh tế. Năm 1987, Viện kiểm sát các cấp đã khởi tố điều tra 6.102 vụ, truy tố 4.231 (75,4%) vụ án kinh tế, góp phần giữ vững kỷ cương quản lý kinh tế.
Với ý chí tấn công tội phạm đến cùng, dù kẻ phạm tội ở cương vị nào, ngày 5/3/1988, đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng VKSND tối cao đã có văn bản báo cáo Ban Bí thư xin chủ trương giải quyết vụ án ở Xí nghiệp 87 (vụ án này, lúc đó bị án Nguyễn Văn Côn, Giám đốc Xí nghiệp 87, Ban Chấp hành Quân sự TP. Hồ Chí Minh đang tạm giam thì được tha). Báo cáo nêu rõ: hoạt động của Xí nghiệp 87 là đầu cơ, buôn bán kiếm chênh lệch số lượng hàng hóa rất lớn, bọn con buôn, bọn đầu cơ lợi dụng sơ hở chui vào Xí nghiệp 87 làm lũng đoạn thị trường. Đây là một vụ án kinh tế lớn, phạm pháp nghiêm trọng cần xử lý nghiêm minh, đề nghị Ban Bí thư giao cho Viện kiểm sát Quân sự Trung ương khởi tố vụ án, bắt giam những người phạm pháp để điều tra làm rõ, xét xử trước Tòa án Quân sự Trung ương.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tích cực phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, truy tố, xét xử những vụ án trọng điểm về xâm phạm an ninh quốc gia, điển hình là vụ án phản động của tổ chức “Cách mạng quốc gia Việt Nam” do Lường Quang Hoà cùng đồng bọn phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Hoà đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xử phạt tù chung thân, đồng bọn của Hoà bị xử mức án nghiêm khắc.
Để kịp thời thi hành Bộ luật tố tụng hình sự 1988 trong toàn ngành, ngày 16/3/1989, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 03 về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự. Thực hiện chủ trương của Đảng trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành các chỉ thị như: Chỉ thị số 54/V3 ngày 23/5/1990 về xử lý tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 64/VP-VTC ngày 21/6/1990 hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 60/TW của Bộ Chính trị về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình hiện nay. Chỉ thị số 05/VP ngày 15/8/1990 về công tác kiểm sát phục vụ cuộc đấu tranh chống tham nhũng theo Quyết định 240/CT ngày 26/6/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Không bỏ lọt tội phạm
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kịp thời chỉ đạo các VKSND địa phương thực hiện tốt chức năng kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót của cơ quan chức năng, bảo đảm xử lý chính xác, khách quan không để lọt tội phạm và người phạm tội. Điển hình là vụ án Trần Tỷ ở TP. Hồ Chí Minh. Tóm tắt nội dung vụ án như sau:
Trước ngày miền Nam giải phóng, Trần Tỷ tham gia cung cấp tin tức cho Công an Bạc Liêu. Tháng 7/1976, Tỷ tham gia tổ chức phản cách mạng “Mặt trận dân tộc tự quyết”, bị bắt và đưa đi tập trung cải tạo 3 năm. Sau khi về Tỷ vào làm tại Công ty xuất nhập khẩu Hậu Giang và Công ty IMEX Sài Gòn, Tỷ đã tập hợp những phần tử xấu vào tổ chức kinh doanh của mình, chỉ đạo đồng bọn tranh bán, tranh mua lũng đoạn thị trường, đầu cơ, trốn thuế, chiếm dụng vốn của các công ty, buôn bán tàng trữ đôla với số lượng lớn... Nguyễn Đắc Phú là người sử dụng Tỷ, giúp Tỷ lấy danh nghĩa công ty đi mua hàng. Khi Tỷ bị bắt, Phú bênh vực cho Tỷ, báo cáo sai sự thật là Tỷ làm lợi cho công ty 2 triệu đôla, trên 50 triệu đồng và Công ty Nông sản còn nợ Trần Tỷ 26.600.513 đ.
Ngày 10/4/1987, Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã xử sơ thẩm tuyên phạt: Trần Tỷ 14 năm tù về 2 tội “Đầu cơ “ và “Tàng trữ hàng cấm”, Lý Lập Thành 7 năm tù, Trương Văn Tài 6 năm tù, Dư Thiện 4 năm tù, kết quả xét xử không được nhân dân đồng tình. Đồng chí Trần Quyết, Viện trưởng VKSND tối cao đã yêu cầu nghiên cứu hồ sơ và thành lập đoàn kiểm tra. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và các tài liệu liên quan, ngày 26/6/1987 Vụ kiểm sát điều tra án kinh tế, VKSNDTC đã có Báo cáo số 109/KSĐT-KT về kết quả nghiên cứu vụ án gửi Ban Nội chính Trung ương nêu một số điểm chưa được làm rõ trong hồ sơ và đề xuất khởi tố bị can đối với: Hàng Dùng Siêu và Ngôn Văn Phương về tội “Tàng trữ hàng cấm”, Nguyễn Đắc Phú về tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm”, yêu cầu trưng cầu giám định kinh tế tài chính trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của Công ty nông sản thực phẩm xuất khẩu.
Ngày 4/9/1987, Toà phúc thẩm, TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã xử huỷ án sơ thẩm vì hình phạt đối với Trần Tỷ quá nhẹ và bỏ lọt đối với Nguyễn Đắc Phú. Ngày 15/1/1988, VKSND tối cao có Báo cáo số 45/KSĐT-KT gửi Ban Bí thư Trung ương xin ý kiến về vụ án nêu rõ: Tỷ và đồng bọn đã đầu cơ trị giá: 144.840.787đ; thu lời bất chính 28.968.157 đ; gây thiệt hại cho Công ty nông sản thực phẩm xuất khẩu trên 4 tỷ; chiếm dụng vốn của các công ty 31.586.962 đ; buôn bán, tàng trữ 56.700 đô la. Phú gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cùng với Tỷ, che giấu cho Tỷ. Do đó, VKSND tối cao đề nghị bắt giam và truy tố đối với Phú.
Ngày 10/6/1988, VKSND tối cao có Công văn số 839 hướng dẫn bổ sung việc giải quyết vụ án Trần Tỷ, đề nghị áp dụng Điều 139 Bộ luật hình sự đối với Nguyễn Đắc Phú, mời kế toán trưởng của Công ty làm nhân chứng khi xét xử phúc thẩm. Đồng chí Trần Luân, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm 3 giữ quyền công tố vụ án, Tòa án đã tuyên Trần Tỷ bị xử 20 năm tù, Nguyễn Đắc Phú 3 năm tù.
Minh oan cho người vô tội
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm sát giải quyết án hình sự cũng còn phải rút kinh nghiệm như vụ Nguyễn Sỹ Lý ở Hà Tĩnh. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Nghệ Tĩnh thì Nguyễn Sỹ Lý là người đã cầm dao đâm chết Bùi Văn Vinh đêm 10/2/1983 trong khi Nguyễn Sỹ Huỳnh (bố Lý) cùng 3 anh em Lý và 1 người hàng xóm đánh nhau với 2 anh em Bùi Văn Lai và Bùi Văn Vinh. Ngày 24/9/1983, TAND tỉnh Hà Tĩnh xử sơ thẩm phạt Nguyễn Sỹ Lý 17 năm tù về tội giết người, phải bồi thường 7.000 đ cho gia đình nạn nhân. Sau khi xử sơ thẩm gia đình bị hại kháng cáo yêu cầu xử tăng án, tăng bồi thường. Ông Huỳnh có đơn kêu oan cho Lý. Tại phiên Toà phúc thẩm Lý kêu oan không phải là thủ phạm giết người, nhưng Toà phúc thẩm vẫn xử y án. Trong quá trình chấp hành án, Cao Tiến Mùi cùng buồng giam với Lý hứa phải được tha tù sẽ giúp Lý làm rõ những uẩn khúc của vụ án này. Sau khi ra tù, Mùi nhiều lần đến gặp Lai để điều tra sự việc và thuyết phục, Lai đã nhận tội, viết bản thú tội và làm đơn xin tha cho Lý. Mùi lấy lời khai của Lai xin xác nhận của Uỷ ban Nhân dân nơi ở của Lai và đem các tài liệu này cùng ông Huỳnh đến VKSND tối cao khiếu nại. Sau khi rút hồ sơ về thẩm tra lại, VKSND tối cao đã ra Quyết định điều tra theo thủ tục tái thẩm. Theo yêu cầu của VKSND tối cao, ngày 21/12/1987, Chánh án TAND tối cao đã ra Quyết định trả tự do cho Nguyễn Sỹ Lý. Ngày 16/3/1988, Viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TAND tối cao xét xử lại tuyên Nguyễn Sỹ Lý không phạm tội giết người, khôi phục danh dự và quyền lợi hợp pháp cho đương sự. Ngày 25/4/1988, Uỷ ban Thẩm phán TAND tối cao xét xử chấp nhận kháng nghị của VKSND tối cao.
Ngày 25/5/1988, VKSND tối cao có Thông báo số 17/V3 rút kinh nghiệm về điều tra thu thập, đánh giá chứng cứ có nhiều vi phạm nghiêm trọng là nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm của vụ án, Cơ quan điều tra không đi sâu kiểm tra hiện trường, lấy bắt người thay cho điều tra. Thỏa mãn với lời nhận tội của bị can dẫn đến việc truy tố, xét xử oan người không phạm tội (đã thi hành hơn 4 năm tù)…