Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp

Ngày đăng : 16:53, 11/04/2020

(Kiemsat.vn) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp ngày 03/02/2020 đang được Quốc hội xem xét thông qua. Bài viết này, tác giả góp ý về một số nội dung như: Giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau; về Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; hồ sơ giám định tư pháp…

1. Về Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Khoản 8 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp ngày 03/02/2020 (gọi tắt là Dự thảo Luật) (Phương án 2) về phương án bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao vào điểm d khoản 4 Điều 12 của Luật giám định tư pháp hiện hành như sau:

…“4. Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm:

a) Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;

b) Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh;

c) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;

d) Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

Theo chúng tôi, việc bổ sung này là hợp lý, bởi lẽ, về mặt lý luận, ba cơ quan điều tra chuyên trách gồm Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và VKSND tối cao, mặc dù đều có nhiệm vụ giám định và trưng cầu giám định, nhưng thực tế hiện nay Cơ quan điều tra của VKSND tối cao lại không được giao nhiệm vụ giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự. Thực tiễn hiện nay, VKSND tối cao đang thực hiện điều tra 38 tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp, cần giám định về âm thanh, hình ảnh, nếu không có đơn vị giám định sẽ phát sinh những bất cập về thời hạn điều tra. Ngoài ra, việc bổ sung Phòng giám định kỹ thuật hình sự không làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế, không tăng chi phí hoạt động.

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng ở nước ta thời gian qua cho thấy, các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng thường từ công tác trưng cầu giám định. Từ năm 2013 đến năm 2018, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, VKSND tối cao có tổng số 46 vụ án trưng cầu giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, thì có 08 vụ án thời gian giám định bị kéo dài; trong thời gian chờ kết quả giám định, các cơ quan tiến hành tố tụng không đánh giá, kết luận được trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ án đề xử lý theo quy định của pháp luật. Các vụ án có thời gian giám định bị kéo dài đều phải gia hạn thời hạn điều tra hoặc tạm đình chỉ, dẫn đến việc giải quyết vụ án cũng bị kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật.

2. Về trưng cầu giám định tư pháp

Khoản 14 Điều 1 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 của Luật giám định tư pháp hiện hànhnhư sau:

Điều 25. Trưng cầu giám định tư pháp

…4. Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định.

Trường hợp các nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức mà việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định phải xác định tổ chức chủ trì tổ chức việc giám định và tổ chức phối hợp cùng thực hiện giám định.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, tổ chức được trưng cầu phải có văn bản cử người giám định gửi người trưng cầu giám định; đối với tổ chức phối hợp thực hiện giám định thì còn phải gửi văn bản cử người giám định cho tổ chức chủ trì việc thực hiện giám định.

Tổ chức chủ trì phải tổ chức ngay việc giám định sau khi nhận được văn bản cử người của tổ chức phối hợp thực hiện giám định. Việc giám định trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này. Kết luận giám định phải có xác nhận chữ ký của cơ quan, tổ chức cử người giám định.

Trường hợp phát sinh vướng mắc trong việc trưng cầu, phối hợp thực hiện giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ trì, phối hợp với tổ chức được trưng cầu để giải quyết”.

Chúng tôi đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 25 như sau:

…“4. Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầucơ quan, tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định.

Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức nhưng không thể tách riêng từng nội dung được hoặc việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định trưng cầu các cơ quan, tổ chức có chuyên môn phù hợp cùng thực hiện giám định. Quá trình thực hiện giám định, người trưng cầu giám định chủ trì, phối hợp với các cá nhân, tổ chức được trưng cầu để xác định rõ trách nhiệm thực hiện của từng cá nhân, tổ chức đối với từng nội dung giám định trong quyết định trưng cầu giám định”.

Bởi lẽ, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tuy chưa khởi tố vụ án hình sự nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền trưng cầu giám định. Tuy nhiên, có trường hợp cơ quan được trưng cầu giám định hiểu sai nên đã từ chối cử Giám định viên tiến hành giám định, Cơ quan Cảnh sát điều tra có văn bản giải thích rõ điều luật quy định (khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì cơ quan được trưng cầu giám định mới cử Giám định viên tiến hành giám định; có những vụ việc có nội dung cần trưng cầu giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức mà không thể tách riêng từng nội dung để trưng cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định hoặc khó khăn trong việc xác định nội dung cần trưng cầu giám định thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào dẫn đến trưng cầu sai cơ quan, tổ chức thực hiện giám định; có những vụ việc có nội dung cần trưng cầu giám định liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức như lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản thuộc trách nhiệm quản lý ngành của cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng. Thực tế, quá trình tiến hành giám định, Điều tra viên thường xuyên phối hợp với Giám định viên nghiên cứu, đánh giá hồ sơ, tài liệu giám định, các Giám định viên cũng thường xuyên trao đổi với nhau về nội dung giám định, kết luận nội dung giám định của lĩnh vực này là căn cứ để kết luận nội dung giám định của lĩnh vực khác, từ đó các Giám định viên ra kết luận giám định chính xác, khách quan.

Việc giám định chất lượng công trình xây dựng đang gặp nhiều khó khăn về phương pháp, cách thức giám định, cách tính hậu quả, thất thoát, thiệt hại. Đối với giám định các công trình xây dựng để xác định công trình có được xây dựng đầy đủ như phương án thiết kế được phê duyệt hay không, có bị cắt giảm nguyên liệu, vật liệu... hay không, có thất thoát, thiệt hại hay không? Chỉ có thể giám định được theo xác suất chứ không thể tháo rỡ cả công trình để tiến hành giám định nhưng việc xác định sai phạm, hậu quả, thiệt hại, thất thoát theo quy định của tố tụng hình sự phải xác định một cách chính xác. Vì vậy, rất khó để có thể xử lý hình sự các vụ án liên quan đến chất lượng công trình xây dựng. Tuy Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức để xây dựng quy chế phối hợp giữa người trưng cầu giám định với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp, Hội đồng định giá tài sản về công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, nhưng hiện nay, quan hệ phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định tư pháp chưa được thường xuyên, chặt chẽ, có những trường hợp cơ quan trưng cầu giám định ra quyết định trưng cầu giám định nhưng nhiều tháng sau Bộ, ngành chủ quản chưa cử được Giám định viên hoặc đưa ra các lý do không chính đáng, không có căn cứ để từ chối cử Giám định viên hoặc đùn đẩy trách nhiệm giám định, dẫn đến Cơ quan điều tra phải nhiều lần làm văn bản yêu cầu, đến lúc không thể từ chối thì Cơ quan chủ quản mới cử Giám định viên.

3. Về bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp

Khoản 18 Điều 1 của Dự thảo Luật sửa đổi, khoản 2 và khoản 3 Điều 33 của Luật giám định tư pháp hiện hành như sau:

“Điều 33. Hồ sơ giám định tư pháp

…2. Hồ sơ giám định tư pháp phải được lập theo mẫu thống nhất.

Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm quy định chi tiết về mẫu, thành phần hồ sơ từng loại việc giám định và chế độ lưu trữ hồ sơ giám định ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp chịu trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định do người giám định thuộc tổ chức mình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của bộ, ngành, cơ quan mình.

Người thực hiện giám định có trách nhiệm bàn giao hồ sơ giám định cho cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của bộ, ngành, cơ quan mình”.

Chúng tôi đề xuất bổ sung quy định cơ quan chủ quản, tổ chức được trưng cầu có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định theo quy định của pháp luật về lưu trữ theo hướng:

…“3. Cơ quan, tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp chịu trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định do người giám định thuộc cơ quan, tổ chức mình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức mình. Người thực hiện giám định có trách nhiệm bảo quản, bàn giao hồ sơ giám định cho cơ quan, tổ chức chủ quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức mình”. Bởi lẽ, Giám định viên không thể tự lưu trữ hồ sơ giám định mà việc lưu trữ hồ sơ giám định do cơ quan chủ quản của Giám định viên thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ quản trong việc cử Giám định viên tiến hành giám định theo trưng cầu của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để tránh chậm trễ trong việc cử Giám định viên, từ chối giám định không đúng quy định vì về cơ bản, các Giám định viên đều làm việc kiêm nhiệm, quá trình thực hiện giám định vẫn phải thực hiện công việc chuyên môn nên để không ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ quản phải cử Giám định viên tiến hành giám định./.

TS. Đỗ Đức Hồng Hà - Ths. Nguyễn Thị Hồng Loan