Xử lý hành vi phạm tội liên quan đến bệnh truyền nhiễm ở một số nước trên thế giới

Ngày đăng : 16:41, 08/04/2020

(Kiemsat.vn) - Thế giới đã và đang phải đối mặt với sự phát triển, lây lan vượt khỏi tầm kiểm soát của đại dịch COVID-19, rất nhiều nước quy định hình phạt nặng, gồm cả phạt tiền và hình phạt tù cho hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo một số từ điển y khoa cũng như trong quy định pháp luật của một số nước, khái niệm “bệnh truyền nhiễm” nói chung là loại bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan từ người hay động vật sang người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua môi trường trung gian (như thức ăn, đường hô hấp, dùng chung đồ dùng, máu, da, niêm mạc...) và có khả năng phát triển thành bệnh dịch. Sự lan truyền của các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là mối đe dọa của mỗi quốc gia trên thế giới, bởi không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, tình hình an ninh, trật tự mà còn hủy hoại cả môi trường sống của con người. Gần đây nhất, toàn thế giới đã và đang phải đối mặt với sự phát triển, lây lan vượt khỏi tầm kiểm soát của đại dịch COVID-19, theo đó cũng đặt ra các yêu cầu cấp thiết trong việc phát hiện, xử lý triệt để các hành vi làm lây lan dịch bệnh này. Bài viết tổng hợp, phân tích khái quát các quy định của pháp luật một số nước trên thế giới trong việc xử lý hình sự các tội phạm về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đồng thời đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam.

Quy định của một số nước trên thế giới về bệnh truyền nhiễm và xử lý vi phạm về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Nhật Bản:

Nhận thức được mức độ nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm đối với đời sống người dân, ngay từ năm 1998, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm và chăm sóc y tế cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm với 14 Chương tương đối đầy đủ và hệ thống, 81 điều luật cùng 01 điều khoản bổ sung, trong đó chương XIVtrực tiếp liên quan đếnviệc xử lý hình sự các tội phạm về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, cụ thể:

- Điều 67 đến Điều 72 Luật này quy định mức phạt tù và phạt tiền đối với các hành vi vi phạm của đối tượng bị nghi ngờ hoặc bị nhiễm bệnh truyền nhiễm, bao gồm: Hành vi làm lây lan bệnh truyền nhiễm, hành vi không thực hiện việc cách ly, giám sát y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm I, nhóm II  gây nguy hiểm cho cộng đồng. Mức phạt tù cao nhất trong các quy định này là tù chung thân và mức phạt tiền tối đa là 10 triệu Yên.

- Điều 73: Quy định chế tài đối với hành vi tiết lộ thông tin y tế của bệnh nhân bị nhiễm bệnh để lợi dụng trục lợi hoặc vì mục đích không tốt của đối tượng là người điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh truyền nhiễm, theo đó phạt tù tối đa là 01 năm và mức phạt tiền tối đa là 01 triệu Yên.

- Điều 74 đến 77: Quy định chế tài đối với hành vi của đối tượng biết về trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm nhưng che giấu, không khai báo thông tin hoặc khai báo sai thông tin cho cán bộ nhà nước có thẩm quyền, theo đó phạt tù tối đa là 01 năm và mức phạt tiền tối đa là 03 triệu Yên.

- Điều 79: Quy định thêm cho đối tượng là tổ chức có người đại diện, nhân viên hoặc người lao động của tổ chức đó thực hiện các hành vi phạm tội mà có liên quan đến tổ chức thì cả người thực hiện hành vi và cả tổ chức đó đều phải chịu hình phạt tiền, qua đó cho thấy quy phạm này đã tiên liệu được phạm vi chủ thể phạm tội rất rộng, hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm.

Hoa Kỳ:

Theo thông tin của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), pháp luật về việc xử lý vi phạm đối với việc cách ly ở mỗi bang là khác biệt và hầu hết được xem là phạm tội hình sự. Ví dụ, Luật sức khỏe và an toàn ban hành năm 2015 (sửa đổi, bổ sung mới nhất vào năm 2017) của bang California tại Điều 120.290 HS cũng quy định về trách nhiệm hình sự đối với người cố ý làm lây lan bệnh truyền nhiễm, theo đó vừa quy định về khái niệm “bệnh truyền nhiễm”, vừa đưa ra liệt kê các hành vi cấu thành tội cố ý làm lây lan bệnh truyền nhiễm cũng như chế tài đối với hành vi này. Phần a mục 1, mục 2 của Luật này quy định các hành vi cấu thành tội phạm như sau: Biết bản thân hoặc người thứ ba bị mắc bệnh truyền nhiễm nhưng vẫn cố ý thực hiện việc lây truyền bệnh truyền nhiễm cho người khác hoặc cố ý để người thứ ba bị mắc bệnh truyền nhiễm lây bệnh cho người khác; và cố ý không tuân thủ hướng dẫn cách ly, hạn chế lây lan bệnh truyền nhiễm của nhân viên y tế trong vòng 96 giờ kể từ khi được hướng dẫn. Chế tài hình sự đối với các hành vi nêu trên là phạt tù, tuy nhiên so với các bang khác, mức phạt tù theo Luật này của bang California là mức thấp nhất (tối đa 06 tháng, tương tự như bang Michigan).

Úc:

Tại Úc, tương tự như Hoa Kỳ, luật pháp ở từng bang có quy định khác nhau về việc xử lý vi phạm về việc cách ly. Ví dụ, tại bang New South Wales, mức phạt tối đa lên đến 11.000 Đô la hoặc 06 tháng tù giam, ít hơn so với bang South Australia, theo đó mức phạt tiền tối đa cho hành vi trốn cách ly là 25.000 Đô la và phạt tù tối đa là 12 tháng (đang dự kiến nâng lên 10 năm).

Trung Quốc:

Tại Trung Quốc, các hình thức trách nhiệm pháp lý được quy định theo ngành luật (luật hình sự, luật dân sự, luật hành chính). Bộ luật Hình sự năm 1997 của Trung Quốc quy định các tội phạm theo nhóm, trong đó có nhóm tội phạm xâm phạm đến sức khỏe công cộng bao gồm 8 tội liên quan đến phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm (Mục 5 Chương 6), theo đó, những người vi phạm thậm chí có thể phải đối mặt với án tử hình. Điều 330 Bộ luật này quy định người nào vi phạm các quy định của Luật phòng, chống và điều trị các bệnh truyền nhiễm và thực hiện 01 trong 05 hành vi liệt kê tại Điều này gây ra hậu quả làm lây lan hoặc tạo nguy cơ lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tù không quá 03 năm hoặc từ 03 năm đến 07 năm, nếu hậu quả nghiêm trọng. Các hành vi vi phạm được nêu cụ thể như từ chối xử lý khử trùng nước thải, chất ô nhiễm, phân và nước tiểu bị ô nhiễm bởi mầm bệnh của các bệnh truyền nhiễm theo các yêu cầu vệ sinh của các cơ quan kiểm soát dịch bệnh, từ chối thực hiện các biện pháp phòng, chống và kiểm soát do các cơ quan kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh đặt ra theo Luật phòng, chống và điều trị các bệnh truyền nhiễm…

Hàn Quốc:

Khác với các quốc gia khác, có nhiều đạo luật khác nhau liên quan đến các bệnh truyền nhiễm ở Hàn Quốc bao gồm: Luật phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm; Luật phối hợp để cách ly và giám sát; Luật y tế công cộng khu vực (trong đó điều chỉnh cụ thể việc phối hợp giữa các trung tâm y tế cộng đồng và chính quyền địa phương); Luật dược phẩm; Luật dịch vụ y tế hay Luật dịch vụ y tế khẩn cấp về các cơ sở kiểm dịch. Cũng chính vì sự đa dạng về số lượng của các đạo luật này mà đòi hỏi cần có một đạo luật tổng hợp, thống nhất để dễ dàng tuân thủ và đảm bảo ngăn ngừa, kiểm soát được các bệnh truyền nhiễm. Cuối tháng 3 năm 2020, các nhà lập pháp Hàn Quốc đã thông qua đạo luật phòng, chống lây lan dịch bệnh, trong đó mức phạt tối đa cho người vi phạm quy định về cách ly là 01 năm tù hoặc 10 triệu won (tương đương khoảng 8.200 USD).

Liên bang Nga:

Gần đây nhất vào ngày 01/4/2020, cơ quan lập pháp Liên bang Nga đã thông qua quy định mới tại Điều 207.2 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga về tội phát tán sai lệch thông tin xã hội (như thông tin về dịch bệnh COVID-19) gây hậu quả nghiêm trọng, theo đó có thể bị phạt tiền lên tới 700.000 RUB (tương đương khoảng 9.000 USD) đối với cá nhân hoặc 2 triệu RUB (tương đương khoảng 26.000 USD) đối với pháp nhân, đồng thời có thể bị phạt tù đến 05 năm. Một thanh niên 26 tuổi tại Nga đã bị phạt ở mức tương tự khi bình luận vào một báo cáo với thông tin 01 người đã chết do dịch bệnh COVID-19 tại một bệnh viện.

Như vây, nhìn chung, hầu hết các quốc gia nói trên (ngoại trừ Liên bang Nga và Trung Quốc) đều quy định chế tài hình sự xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong Luật chuyên ngành về y tế/sức khỏe công cộng hoặc về phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm thay vì chỉ quy định trong Bộ luật Hình sự. Xét về cấu trúc các quy phạm pháp luật cụ thể thì đều gồm hai thành phần là giả định và chế tài, theo đó mỗi hành vi vi phạm đều được quy định thành điều luật riêng với mức phạt tiền và phạt tù khác nhau tương ứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó gây ra. Pháp luật của một số nước (Nhật Bản, Liên bang Nga) cũng quy định chế tài hình sự khác nhau cho hai chủ thể là cá nhân và pháp nhân, trong đó pháp nhân phải chịu hình thức chế tài là phạt tiền (cao hơn so với cá nhân).

Hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm

Việc xử lý các hành vi vi phạm về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam được áp dụng theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể nội dung quy định này như sau:

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Hiện nay, việc hiểu như thế nào là “hành vi khác” theo điểm c khoản 1 điều luật nêu trên chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng bằng văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều luật gia, nhà nghiên cứu cho rằng “hành vi khác” nói trên có thể được dẫn chiếu giải thích là các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm năm 2007 hoặc là hành vi vi phạm trách nhiệm bắt buộc chữa bệnh của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A quy định tại điểm a khoản 1 Điều 66 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; tuy nhiên, cho đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Mới đây nhất, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng của dịch bệnh COVID-19, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh; theo đó, đã liệt kê cụ thể một số hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS năm 2015, như: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo giam dối…; đồng thời, tại Công văn này còn hướng dẫn cụ thể 09 nhóm hành vi vi phạm khác liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 có thể bị xử lý hình sự với mức phạt được quy định và được dẫn chiếu đến điều luật phù hợp để xử lý.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng các quy định pháp luật hiện hành (Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, Công văn số 45/TANDTC-PC) chưa quy định đầy đủ về phạm vi đối tượng cần xử lý. Hiện nay, Công văn này chỉ hướng đến các đối tượng bao gồm: “Người đã được thông báo mắc bệnh” và “người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly”. Như vậy, đối tượng là người nghi ngờ mắc bệnh nhưng chưa được thông báo cách ly (ví dụ như trường hợp bệnh nhân số 17 – khi mới trở về Việt Nam từ Anh hoặc bệnh nhân số 34, bệnh nhân số 100…) vô hình chung lại không thể xử lý hình sự mặc dù họ có thực hiện các hành vi vi phạm làm lây lan dịch bệnh COVID-19 như hướng dẫn tại Công văn này. Do đó, để bao quát đầy đủ phạm vi đối tượng cần xử lý hình sự, tác giả cho rằng, cần quy định cả đối tượng là “người thuộc diện phải cách ly theo thông báo chung của cơ quan y tế có thẩm quyền” mà chưa cần phải chỉ rõ danh tính cụ thể; đồng thời, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng cần tiếp tục gấp rút xây dựng, ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với từng hành vi phạm tội cụ thể liên quan đến việc làm lây lan các bệnh truyền nhiễm trên cơ sở tham khảo quy phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự hoặc Luật chuyên ngành của một số quốc gia khác, bởi Công văn số 45/TANDTC-PC không phải là văn bản quy phạm pháp luật và không có giá trị pháp lý để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Ngoài ra, tác giả cũng đề xuất sửa đổi điều khoản này theo hướng bỏ điểm a Điều 240 BLHS năm 2015; do: Dấu hiệu định khung tăng nặng quy định tại điểm a khoản 2 của điều luật này không phải dấu hiệu về hậu quả của hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, bởi việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế không thể là hậu quả trực tiếp từ hành vi vi phạm của một cá nhân./.

Nguyễn Hoàng Chi Mai, Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp