Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ (từ 1960 đến 2020)

Ngày đăng : 08:57, 08/04/2020

(Kiemsat.vn) - Khái quát về quá trình xây dựng và phát triển của Viện kiểm sát quân sự

Viện kiểm sát quân sự có quá trình xây dựng và phát triển tương ứng với quá trình hình thành và phát triển của Viện kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát quân sự thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, đặt trong Quân đội dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sự chỉ đạo về mặt nghiệp vụ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát được quy định trong các Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự trong từng thời kỳ; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Quân đội, giữ vững trật tự kỷ cương của Nhà nước trong từng giai đoạn của cách mạng. Ngày 07/8/2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 2628/QĐ-BQP công nhận ngày 12/5/1961 là ngày truyền thống của ngành Kiểm sát quân sự.

Hiện nay, theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, các Viện kiểm sát quân sự thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong Quân đội. Với chức năng được giao, Viện kiểm sát quân sự có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hôi chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; bảo vệ an ninh, quốc phòng, kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân, công chức, viên chức và người lao động khác trong Quân đội; bảo đảm mọi hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh. Hệ thống Viện kiểm sát quân sự gồm Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực. Viện kiểm sát quân sự trung ương thuộc cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quá trình xây dựng và phát triển, Viện kiểm sát quân sự trải qua các giai đoạn sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy làm việc bảo đảm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ căn cứ theo các quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn trong mỗi giai đoạn, hướng tới tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động có chất lượng, đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm một cách hiệu quả, góp phần xây dựng kỷ cương, kỷ luật trong Quân đội.

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 67/NQ-ĐUQSTW ngày 08/3/2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) lãnh đạo thực hiện chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020, đến nay, Viện kiểm sát quân sự các cấp đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy làm việc. Hệ thống Viện kiểm sát quân sự hiện nay có tổng số 40 đơn vị, ở 3 cấp: Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực.

Cùng với những bước chuyển biến, hoàn thiện về tổ chức bộ máy, biên chế và chất lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020 của Viện kiểm sát quân sự các cấp, công tác tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Viện kiểm sát quân sự các cấp quan tâm, triển khai nghiên cứu, áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, qua đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong từng khâu, từng mặt công tác. Hằng năm, quán triệt các nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân; Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương ban hành chương trình công tác kiểm sát quân sự của ngành Kiểm sát quân sự. Trên cơ sở đó, triển khai đồng bộ những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu cần phải thực hiện của Viện kiểm sát quân sự các cấp, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; nâng cao chất lượng hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội; đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

 Viện kiểm sát quân sự các cấp đã tiến hành nhiều mặt công tác kiểm sát theo luật định, bám sát và phục vụ đắc lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của Quân đội trong từng giai đoạn cách mạng, góp phần tích cực nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội và bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt với những kết quả đạt được của Viện kiểm sát quân sự các cấp trong những năm gần đây cho thấy, ngành Kiểm sát quân sự đã từng bước trưởng thành, tiến tới hoàn thiện về bộ máy, tổ chức cán bộ, đủ năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao cho, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Thiếu tướng Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương

Thanh Dung ( giới thiệu)