Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ (từ 1960 đến 2020)

Ngày đăng : 14:52, 01/04/2020

(Kiemsat.vn) - Thời kỳ từ năm 1975 đến năm 1986

Từ năm 1975 đến năm 1981, Viện kiểm sát nhân dân triển khai tổ chức và hoạt động trên cả nước, tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ; xây dựng và kiện toàn tổ chức theo quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960.

Ngày 18/12/1980, Quốc hội khóa VI, Kỳ họp thứ 7 thông qua Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1980 có 05 điều hiến định về Viện kiểm sát nhân dân, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước và bổ sung những quy định mới, xác định chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân: “Kiểm sát việc tuân thủ theo pháp luật của các bộ và cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân, các nhân viên nhà nước và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”; khẳng định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân là nguyên tắc độc lập và tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 được ban hành, quy định cụ thể các nhiệm vụ: “Trong phạm vi chức năng của mình, các Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự tôn trọng tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật”.

Hệ thống tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn này gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố; Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và hệ thống Viện kiểm sát quân sự (gồm có: Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự cấp thứ hai, Viện kiểm sát quân sự khu vực).

Từ năm 1976 đến năm 1986 là giai đoạn cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh vừa hòa bình lại vừa có chiến tranh xảy ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, thời kỳ này, ngành Kiểm sát được tổ chức và hoạt động trên phạm vi toàn quốc, có nhiệm vụ chung là bảo vệ pháp chế thống nhất. Nhưng do nhiệm vụ của cách mạng ở hai miền còn khác nhau nên công tác kiểm sát ở mỗi miền cũng có những đặc điểm riêng. Viện kiểm sát các tỉnh phía Bắc tập trung làm tốt ba nhiệm vụ là bảo vệ tài sản và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân; bảo vệ trật tự xã hội và an ninh chính trị. Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam cùng với các ngành chuyên chính, trấn áp kịp thời, mạnh mẽ bọn phản cách mạng, gián điệp, phản động, các tổ chức vũ trang gây bạo loạn, xúi giục, lừa đảo người trốn đi nước ngoài. Tập trung vào việc đấu tranh xoá bỏ giai cấp tư sản mại bản phản động đầu cơ, tích trữ, phá rối thị trường, chống các tệ nạn xã hội. Tích cực phục vụ chủ trương, chính sách thống nhất tiền tệ, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và thực hiện cách mạng quan hệ sản xuất ở nông thôn, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu để ổn định tình hình vùng mới giải phóng.

Hàng năm, ngành Kiểm sát nhân dân căn cứ vào chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội để xác định chủ trương, nhiệm vụ và trọng tâm công tác cụ thể; chủ động, tích cực trong thực hiện chức năng nhiệm vụ, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm, khắc phục các biểu hiện tiêu cực, giữ gìn kỷ cương xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo an ninh, trật tự và củng cố quốc phòng, kịp thời và kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử loại trọng tội, bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

Trong giai đoạn này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cùng với Toà án nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thống nhất đường lối xử lý đối với một số loại tội phạm mới. Đã truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án gián điệp, bạo loạn, lợi dụng hoạt động tôn giáo để chống phá Nhà nước, những kẻ lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, những cán bộ thoái hoá, biến chất phạm tội... Điển hình là đã đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia như vụ phản cách mạng ở nhà thờ Vĩnh Sơn; vụ Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh... Qua đó, đã vạch trần trước dư luận trong và ngoài nước những âm mưu, hành động phá hoại nhiều mặt chống Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, rút ra những bài học cảnh giác trước âm mưu của kẻ địch.

Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở một số ngành quản lý kinh tế trọng điểm và đơn vị sản xuất kinh doanh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phát hiện và báo cáo với Đảng và Nhà nước về những sơ hở trong các chủ trương, biện pháp quản lý mà những đối tượng vụ lợi có thể lợi dụng để thực hiện hành vi làm trái chính sách, chế độ... giúp Trung ương xem xét để có những bổ sung, chấn chỉnh kịp thời. Nhiều Viện kiểm sát địa phương đã chủ động đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương mở hội nghị pháp chế để kiểm điểm việc chấp hành pháp luật ở địa phương. Qua đó, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cán bộ, lãnh đạo các cấp, các ngành, tăng cường pháp chế tại địa phương.

Để góp phần bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân, Viện kiểm sát các cấp đã tăng cường hoạt động kiểm sát điều tra, kiểm sát hoạt động bắt, giam, giữ và tập trung cải tạo; tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hữu quan để kịp thời phát hiện vi phạm, ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Về công tác xây dựng ngành, trên cơ sở Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng Quy chế ngạch Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trình Hội đồng Nhà nước phê duyệt. Đồng thời, xây dựng các quy chế công tác, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc của mỗi cấp kiểm sát, các quy chế về trình tự hoạt động của từng phương thức kiểm sát làm cơ sở đưa hoạt động kiểm sát đi dần vào nề nếp và bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong ngành. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành được thực hiện ở tất cả các cấp với những hình thức thích hợp: Tập trung tại trường, tại chức, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn trong nước và nước ngoài. Công tác tổng kết nghiệp vụ, xây dựng lý luận khoa học công tác kiểm sát được chú trọng; ngành Kiểm sát nhân dân đã bước đầu xây dựng được hệ thống giáo trình các môn học công tác kiểm sát tương đối hoàn chỉnh. Quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan hữu quan được tăng cường, đạt hiệu quả tích cực. Hoạt động hợp tác tương trợ giữa Viện kiểm sát Việt Nam với Viện kiểm sát các nước xã hội chủ nghĩa anh em được duy trì và từng bước mở rộng.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh với giáo viên và cán bộ Trường bổ túc và đào tạo Kiểm sát năm 1971.

( Còn tiếp)

Thanh Dung ( giới thiệu)