Bài nói của đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị của ngành Kiểm sát năm 1960

Ngày đăng : 23:03, 29/03/2020

(Kiemsat.vn) - Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2020), Kiemsat.vn trân trọng gửi đến bạn đọc bài phát biểu của đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị kiểm điểm công tác sáu tháng đầu năm và học tập Luật Tổ chức VKSND của ngành Kiểm sát nhân dân ngày 02/8/1960. Bài phát biểu được trích trong cuốn "Các bài nói, các bài viết của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước về ngành Kiểm sát nhân dân" - NXB Chính trị Quốc gia, năm 2015.

...

Tôi được biết các đồng chí về dự Hội nghị đã mấy ngày, nhưng vì bận nhiều việc hôm nay mới đến để thăm sức khỏe các đồng chí và nói vài ý kiến về việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân.

Vấn đề này cũng mới nên nói cái gì cụ thể, toàn diện, sâu sắc thì không có, tôi chỉ nói về tinh thần, ý nghĩa của việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân trong toàn bộ nền chuyên chính dân chủ nhân dân của ta. Các đồng chí vừa làm, vừa học, trước chưa có kinh nghiệm, sau sẽ có kinh nghiệm, trước có kinh nghiệm ít, sau có kinh nghiệm nhiều. Như thế là cách mạng và cách mạng không có gì khác là kinh nghiệm đấu tranh và sản xuất của nhân dân tổng kết thành chủ trương, chính sách. Cần nhất là lập trường cho vững, ý thức phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng cho cao, thì mọi khó khăn đều sẽ vượt được hết. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa tổng kết kinh nghiệm để nâng cao trình độ công tác và học tập nhân dân thì sẽ làm được công việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao cho.

Sau đây là các vấn đề cần nói để các đồng chí nghiên cứu:

Chuyên chính của chúng ta là chuyên chính dân chủ nhân dân, tức là dân chủ với nhân dân và chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Đó là câu nói của Mao Chủ tịch. Đảng ta và Nhà nước ta cũng nhân định như vậy, Nhận định đó là nhất trí. Chuyên chính dân chủ nhân dân của hai thời kỳ khác nhau, hai giai đoạn cách mạng mà nhiệm vụ khác nhau, nên thực chất của chuyên chính dân chủ nhân dân cũng khác nhau. Mục đích của Đảng ta là thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở nước ta. Xu thế phải làm hai cuộc cách mạng chiến lược khác nhau: Một là, cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đánh đổ đế quốc và phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, dân chủ tự do, người cày có ruộng. Hai là, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đánh đổ chủ nghĩa tư bản, đánh đổ người bóc lột người. Từ Cách mạng Tháng Tám có chính quyền dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, tức là đã có chuyên chính dân chủ nhân dân, chứ không phải từ hòa bình lại đây mới có chuyên chính dân chủ nhân dân. Nhưng từ Cách mạng Tháng Tám đến khi hòa bình lặp lại thì chuyên chính dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của công nông chuyên chính tức là chuyên chính với đế quốc phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, dân chủ tự do, người cày có ruộng. Từ hòa bình lặp lại, miền Bắc chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa thì vẫn gọi là chuyên chính dân chủ nhân dân, nhưng thực chất đã thay đổi, nó làm nhiệm vụ lịch sử của vô sản chuyên chính, tức là ngoài việc chuyên chính với Mỹ - Diệm đang xâm chiếm một nửa đất nước còn phải chuyên chính với bọn tay sai của Mỹ - Diệm ở miền Bắc, bọn phá hoại hiện hành, bọn địa chủ chưa chịu cải tạo, bọn tư sản phản động, giai cấp tư sản mại bản chống cải tạo, chống lại việc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đồng thời mở rộng dân chủ cho nhân dân. Trong giai đoạn trước, gồm có bốn giai cấp là công dân, nông dân, tiêu tư sản, tư sản dân tộc, thì nay vẫn bốn giai cấp đó, nhưng phần tử tư sản nào (dù là tư sản dân tộc)... đối lập với nhân dân, đứng vào hàng ngũ kẻ thù của nhân dân thì không được gọi là tư sản dân tộc nữa và trở thành đối tượng của chuyên chính dân chủ nhân dân. Đó là tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 về việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Như vậy, ở miền Bắc, nhân dân gồm có bốn giai cấp; kẻ thù của nhân dân thì có: Mỹ - Diệm đang thống trị ở miền Nam và tung tay sai phá hoại miền Bắc, tất cả bọn phản cách mạng hiện hành, bọn địa chủ đã bị đánh đổ nhưng chưa chịu cải tạo; và ở miền núi (hiện đang vận động hợp tác hóa kết hợp cải cách dân chủ) cũng còn một số địa chủ, tuy không nhiều lắm. Chuyên chính bây giờ là chuyên chính với bọn đó. Có người hỏi chuyên chính ở nơi ta có chính quyền chứ sao lại chuyên chính với cả Mỹ - Diệm ở miền Nam? Ở Liên Xô hiện nay giai cấp bóc lột đã bị thủ tiêu, bọn phản cách mạng bên trong đã bị tiêu trừ; nhưng bây giờ tôi nói đến mấy đặc điểm của chế độ dân chủ của ta:

Chế độ dân chủ của ta là chế độ dân chủ nhân dân, tức là do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Chính quyền nhà nước dựa trên cơ sở công nông liên minh. Nhân dân chủ yếu là công nhân, nông dân, nhân dân lao động. Chế độ cũ không cho nhân dân lao động tham gia chính quyền hoặc có tham gia thì chỉ là hình thức, thực tế là giai cấp bóc lột nắm quyền chuyên chính, áp bức bóc lột, chà đạp người lao động, tức là số ít người chuyên chính với số đông. Còn trong chế độ ta thì nhân dân lao động nắm chính quyền, chuyên chính với bọn bóc lột, tức là số đông nhân dân lao động chuyên chính với số ít bọn bóc lột.

Chế độ ta quan tâm đến đời sống văn hóa và vật chất của nhân dân, vì chế độ ta chủ trương nâng cao không ngừng đời sống văn hóa và vật chất của nhân dân, đồng thời bảo đảm cho nhân dân có thể sử dụng được đầy đủ quyền tự do, dân chủ (vì nếu đời sống của nhân dân vất vả, không đủ ăn, văn hóa không có thì không thể sử dụng được quyền tự do, dân chủ). Chế độ người bóc lột người không làm được như thế, chế độ ta thực hiện được mơ ước của những nhà tư tưởng và pháp luật nổi tiếng gần gũi nhân dân từ trước đến nay, là nam nữ bình đẳng, dân tộc bình đẳng. V.I. Leenin đã nói: Phải làm thế nào cho người phụ nữ làm nội trợ cũng có thể tham gia quản lý nhà nước, không làm được thế là lỗi của chúng ta. Trong chế độ ta không có dân tộc đa số, dân tộc thiểu số, không có dân tộc lớn khinh dân tộc nhỏ, mà chúng ta còn làm cho dân tộc thiểu số khác tham gia quản lý nhà nước. Những việc đó đòi hỏi phải giải phóng phụ nữ, nâng cao đời sống, trình độ văn hóa và chính trị của dân tộc thiểu số.

Liên Xô chỉ có một Đảng Cộng sản, ở ta có nhiều chính đảng, mỗi chính đảng có một xu hướng chính trị khác nhau, thể hiện xu hướng chính trị cả một giai cấp nhất định, nhưng đều thống nhất với nhau là phải ủng hộ chế độ dân chủ nhân dân, đoàn kết tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nguyên tắc không thể trái được. Ở ta, dù Đảng Dân chủ hay Đảng Xã hội đều thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội, tán thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, thống nhất với nhau trên Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc; có thể có sự bất đồng ý kiến với nhau về một số vấn đề phụ, nhưng về các vấn đề căn bản thì đều thống nhất. Khó nhất là việc cải tạo xã hội chủ nghĩa thì các đảng đó đã thống nhất được rồi và họ đều công nhận đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam.

Chế độ ta làm một bộ phận của hệ thống chủ nghĩa xã hội thế giới do Liên Xô đứng đầu. Nó được xây dựng và phát triển trong tình đoàn kết, hữu nghị, giúp đỡ lần nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa và nước ta. Sự đoàn kết nhất trí ấy dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Leenin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; nó bảo đảm cho sự cường thịnh của nước ta cũng như các nước anh em.

Nhà nước của ta không phải chuyên chính để vĩnh viễn chuyên chính, khi bên trong không còn giai cấp, không còn người bóc lột người nữa, và trên cơ sở quyền sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất được thực hiện, con người đã được giáo dục có trình độ tiến lên cộng sản chủ nghĩa và bên ngoài không còn đế quốc nữa, lúc đó chuyên chính không còn lý do tồn tại sẽ trở thành vô dụng và tự thủ tiêu đi. Đó là lý tưởng của chúng ta nhưng không phải bây giờ hay mấy chục năm trước mắt đâu. Hết kế hoạch ba năm, sau ba hay bốn kế hoạch 5 năm, chúng ta có thể bước qua thời kỳ quá độ tiến lên cộng sản chủ nghĩa như Liên Xô bây giờ. Như thế tức là còn lâu. Nhưng đến lúc ấy, không phải chỉ có 12 nước xã hội chủ nghĩa như bây giờ, mà hệ thống xã hội chủ nghĩa khác nhau, do đó quá trình nói trên có thể rút ngắn lại được. Dân chủ của chế độ dân chủ nhân dân của ta là dân chủ thực sự, tiến bộ, tức là dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Chuyên chính dân chủ nhân dân có ba nhiệm vụ:

Dùng chuyên chính Nhà nước chống lại bọn xâm lược, chống bọn Mỹ - Diệm, phá tan âm mưu của chúng và trấn áp bọn phá hoại hiện hành và phần tử bóc lột không chịu cải tạo.

Đoàn kết giai cấp công nhân, nông dân, đoàn kết giai cấp trong nhân dân với nhau, dựa trên cơ sở công nông liên minh dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà tiến tới thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Tăng cường đoàn kết quốc tế, không ngừng củng cố tình đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa, liên hợp với giai cấp công nhân các nước khác, với các dân tộc đang đấu tranh giành giải phóng và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, để bảo vệ hòa bình thế giới, tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc, chống bọn đế quốc gây chiến.

Việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân quan hệ với các vấn đề trên như thế nào? Nhiệm vụ, mục đích của Viện kiểm sát đã ghi rõ trong luật, các đồng chí đã thảo luận tại đây, tôi chỉ nói một vài điểm chính. Việc thành lập Viện kiểm sát chính là để đảm bảo nhiệm vụ chuyên chính dân chủ nhân dân, thực hiện dân chủ rộng rãi và phát triển nên dân chủ ấy. Dân chủ của ta không cố định, cứ phát triển mãi lên, vì đời sống vật chất và trình độ văn hóa của nhân dân ngày càng được nâng cao, ý thúc giác ngộ, ý thức chính trị của nhân dân mỗi ngày mỗi cao, thì việc sử dụng quyền dân chủ càng được triệt để. Ở Liên Xô hiện nay, nhiều chức năng của Nhà nước đã được giao lại cho nhân dân và các tổ chức của nhân dân như công đoàn, vì ý thức xã hội chủ nghĩa của nhân dân Liên Xô đã cao, quan hệ giữa người và người đã khác. Dân chủ ở Liên Xô đã phát triển, ở ta rồi cũng sẽ đi đến đó. Nhưng trước mắt hiện nay là mở rộng dân chủ với nhân dân, tăng cường chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Muốn thế phải bảo đảm sự tông trọng pháp chế dân chủ, thực chất là pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Trong bộ máy nhà nước có nhiều bộ phận chức năng khác nhau như: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, các tổ chức ấy cốt là để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân, bảo đảm trật tự an ninh trong xã hội, phát huy ý thức làm chủ nhà nước, khả năng tham gia quản lý nhà nước của nhân dân, nhưng không phải nhân dân ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình một cách dễ dàng mà phải giáo dục lâu dài, phải có cơ quan thay mặt nhân dân làm nhiệm vụ đó, việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân có mục đích bảo đảm pháp chế dân chủ nhân dân được tôn trọng, luật pháp được tôn trọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân được tôn trọng. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhân viên cơ quan nhà nước và mọi người công dân là rất quan trọng. Làm việc này so với Công tố trước kia thì nhiệm vụ đã mở rộng, quyền hạn lớn lên, quyền lực cao hơn. Đấy là sự phân công để thay mặt nhân dân phục vụ nhân dân nhưng công việc ấy cũng phải ở dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì Đảng tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng cao quý nhất của nhân dân, của Tổ quốc. Kiểm sát là làm thế nào bảo đảm trấn áp phản cách mạng, không để chúng lọt lưới hoành hành, bảo đảm giữ gìn trật tự an ninh, tài sản và quyền lợi chính đáng của người dân. Không phải một mình Viện kiểm sát bảo đảm các việc đó, cùng làm nhiệm vụ đó còn có Công an, Tòa án… Các cơ quan cũng làm nhiệm vụ đó chế ước lẫn nhau để bảo đảm làm đúng Hiến pháp, pháp luật. Có đồng chí thắc mắc có chính sách rồi nhưng luật pháp chưa có, có những chính sách chưa luật pháp hóa ra được. Đó là một khó khăn. Nhưng ta không phải lo, vì đã có Đảng lãnh đaọ tập trung thống nhất. Nói thế không phải là không có khó khăn, vì cơ quan Kiểm sát phải dựa vào luật pháp để thực hiện nhiệm vụ của mình. Nơi nào có khó khăn như vậy thì các đồng chí đề nghị Trung ương bổ sung. Trung ương rất mong các đồng chí phát hiện các chỗ thiếu sót, mâu thuẫn giữa pháp luật và chính sách. Trung ương sẽ nghiên cứu và bổ sung về mặt pháp chế. Không có pháp chế nào có thể hoàn bị ngay một lúc được, phải dần dần qua đấu tranh thực hiện, phát hiện thiếu sót để bổ sung, sửa chữa mới hoàn bị được. Làm gì thì làm, nhưng nếu quán triệt tinh thần chuyên chính dân chủ nhân dân và đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng thì khó khăn gì cũng giải quyết được. Phải biết kết hợp tính nguyên tắc cứng rắn với tính linh hoạt trong việc chấp hành. Đây là những điều rất quan trọng nên thực hiện được như vật trong công tác thì rất tốt. V.I. Leenin trong lúc thành lập Nhà nước Xô viết đầu tiên đã viết một số bài và nói trong một số báo cáo trước Đảng và chính quyền về công tác kiểm sát. V.I. Leenin rất coi trọng công tác này, cho nó là biểu hiện của chính quyền dân chủ, thực sự là một trong những phương pháp để bảo đảm cho chính quyền thực hiện được chuyên chính, nếu không làm sẽ nguy hiểm cho việc nắm chính quyền. Chúng ta có chủ nghĩa Mác – Leenin, có đạo luật Quốc hội đã thông qua, có kinh nghiệm của ta, qua anh em trong vấn đề này, tôi tin chúng ta có thể làm được. Chỉ cần chúng ta có tinh thần trách nhiệm, tinh thần tích cực đề ra với Trung ương, với Quốc hội những cái cần thiết phải bổ sung về pháp chế, để công tác được tiến hành thuận lợi.

Có đồng chí lo ở Trung ương thì Trung ương rất chú ý nhưng ở địa phương cấp ủy có chú ý không? Làm thế nào để cấp ủy chú ý? Các đồng chí cứ đề ra với Trung ương những khó khăn của mình, nếu cần Trung ương sẽ chỉ thị. Việc mới thì chỉ thị mới, các đồng chí đừng lo. Nhưng bản thân chỉ thị không phải là chiếc đũa của nàng tiên, mà phải làm cho chỉ thị thấu suốt xuống dưới. Nếu cần thì Trung ương sẽ mở cuộc họp để bàn về vấn đề Viện kiểm sát nhân dân. Các đồng chí nghiên cứu dự thảo chỉ thị, Trung ương sẽ triệu tập anh em lên bàn, sau đó chỉ thị chính thức để đả thông. Nhưng việc làm cho cấp ủy thông cũng không phải không có khó khăn, nhưng khó khăn thì phải qua đấu tranh mà giải quyết. Cái gì cũng vậy, phải qua đấu tranh mới đưa vào tiềm thức của con người, mới chiếm được vị trí trong đời sống. Các đồng chí cũng phải góp phần làm cho cấp ủy thông.

Các đồng chí còn lo nhiệm vụ lớn, trách nhiệm nặng, thiếu cán bộ thì lấy ở đâu? Có ba cách: Một là, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trong Ngành (kinh nghiệm của Tuyên huấn Trung ương); Hai là, giữ lấy cán bộ, không để người ta lấy cán bộ trong Ngành đi; Ba là, Trung ương sẽ điều động các ngành khác đến chi các đồng chí một số cán bộ. Cần bao nhiêu người, trình độ thế nào, các đồng chí đề nghị, Trung ương sẽ giao cho Ban Tổ chức nghiên cứu để điều động.

Những việc này tôi nói sau hai việc trên.

Tôi rất vui mừng thấy các đồng chí về dự hội nghị với một tinh thần phấn khởi, hăng hái, vì các đồng chí thấy được đây là một bước tiến của chính quyền dân chủ nhân dân, thấy nhiệm vụ, quyền hạn mình và quan hệ với các cơ quan khác được quy định rõ ràng, dứt khoát.

Chúc các đồng chí thành công!

 

Thùy Linh (giới thiệu)