Cố Viện trưởng VKSND tối cao Trần Lê: Cán bộ, Kiểm sát viên phải luôn luôn “Cầm nắm chức năng, lương tâm, trách nhiệm”

Ngày đăng : 15:47, 27/03/2020

(Kiemsat.vn) - Đồng chí Trần Lê (quê xã Tam An, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), được Trung ương cử giữ chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào năm 1980; từ tháng 4/1981 đến tháng 3/1987, đồng chí được Quốc hội bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời gian này, đồng chí Trần Lê đã có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành Kiểm sát nhân dân.

Viện trưởng VKSND tối cao Trần Lê đón Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đến thăm và làm việc tại VKSND tối cao (Ảnh tư liệu)

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Trần Lê hoạt động cách mạng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trước khi làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Trần Lê đã từng đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Bí thư Ban Cán sự Đảng Cục Nam Trung bộ, Bí thư Khu ủy Khu VI, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu VI, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Ngay sau khi đảm nhận trọng trách là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, với những kinh nghiệm có được từ hơn 36 năm làm công tác chính trị, kế thừa những kinh nghiệm quí báu của các đồng chí Viện trưởng tiền nhiệm, đồng chí Trần Lê rất quan tâm đến việc xây dựng cơ sở lý luận cho việc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, trong đó có các vấn đề như: Nhận thức và nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát; nội dung, tính chất của công tác kiểm sát. Tháng 7 năm 1981, đồng chí Trần Lê đã quyết định và chủ trì Hội nghị tập huấn Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 tại Nha Trang. Đây là Hội nghị được đánh giá là có nhiều điểm đổi mới; thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như công tác cán bộ, công tác xây dựng Ngành, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát; đổi mới biện pháp và phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của Viện kiểm sát các cấp... Thời kỳ này, Viện trưởng Trần Lê đã quyết định thành lập và tăng cường cán bộ cho Viện khoa học kiểm sát; chỉ đạo biên soạn cuốn Sổ tay Kiểm sát viên và dịch các tài liệu thông tin khoa học của Viện kiểm sát các nước anh em; chuẩn bị điều kiện cho việc nâng tập san Kiểm sát thành Tạp chí Kiểm sát...

Cho đến nay, những bài học kinh nghiệm rút ra từ bản báo cáo tổng kết 25 năm hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân do đích thân đồng chí Trần Lê chỉ đạo việc xây dựng vẫn còn giữ nguyên giá trị như: Chức năng, nhiệm vụ của Ngành; quán triệt tính Đảng, tính giai cấp và nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công tác kiểm sát; làm tốt công tác quản lý, chỉ đạo điều hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ do luật định và nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành; làm tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ theo những tiêu chuẩn của Đảng và Nhà nước đề ra, nêu cao lương tâm và trách nhiệm của người cán bộ Kiểm sát, gắn nhiệm vụ chuyên môn với công tác chính trị; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng với công tác kiểm sát; củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan Nhà nước, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội; mở rộng hợp tác quốc tế...

Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đồng chí Trần Lê đã quan tâm đến việc kế hoạch hóa công tác kiểm sát để bảo đảm tính thống nhất, tính kế hoạch trong hoạt động của Viện kiểm sát các cấp, bảo đảm vai trò lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với toàn ngành Kiểm sát nhân dân trên phạm vi cả nước. Đồng chí từng bước quan tâm chỉ đạo đổi mới biện pháp, phương thức hoạt động của Ngành cũng như hoạt động quản lý, thể hiện qua việc chỉ đạo hoàn thiện Điều lệ công tác của mỗi cấp Kiểm sát; xây dựng qui chế hoạt động của từng khâu công tác kiểm sát; xây dựng chế độ sinh hoạt thường kỳ của Viện trưởng với Kiểm sát viên cùng cấp; xây dựng chế độ báo cáo, thống kê liên ngành, chế độ kiểm tra nghiệp vụ; tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành, thành lập Ban Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Đồng chí Trần Lê cũng chính là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên chỉ đạo xây dựng ngạch, bậc Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân và trực tiếp quan tâm, chỉ đạo việc may, cấp trang phục Kiểm sát cho Kiểm sát viên và cán bộ của toàn ngành Kiểm sát nhân dân.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát được Viện trưởng Trần Lê đặc biệt quan tâm; cán bộ lãnh đạo phải nhận thức được đầy đủ trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho, thường xuyên nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành; xác định Kiểm sát viên là lực lượng nòng cốt, chủ yếu của hoạt động kiểm sát và xây dựng các tiêu chuẩn của Kiểm sát viên phải theo hướng nâng cao trình độ, năng lực của người cán bộ Kiểm sát; cũng cần thiết nhấn mạnh việc nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ cán bộ Kiểm sát nói chung và Kiểm sát viên nói riêng. Đồng chí Trần Lê thường xuyên quán triệt cán bộ, Kiểm sát viên phải luôn luôn “cầm nắm chức năng, lương tâm trách nhiệm”. Sau này, khi đã nghỉ hưu, mỗi khi có dịp trở lại thăm Ngành, đồng chí vẫn nhắc nhở cán bộ Kiểm sát phải “giữ gìn được đạo đức phẩm chất cho tốt”, “phải nắm vững chức năng, thực hiện đúng nhiệm vụ sao cho ngày càng có hiệu quả cao hơn... Muốn vậy anh chị em ta phải quan tâm nâng cao trình độ, kiến thức, rèn luyện tay nghề, giữ gìn đạo đức phẩm chất cách mạng”.

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Lê còn là người rất sáng tạo, linh hoạt, chủ động trong công việc, thể hiện qua việc đồng chí xây dựng chủ trương và triển khai xây dựng các điển hình tiên tiến trong việc tuân theo pháp luật ở cơ sở; chú trọng công tác thi đua trong Ngành (thành lập Hội đồng thi đua ngành Kiểm sát nhân dân vào tháng 11 năm 1983). Là người lãnh đạo cao nhất của Ngành, đồng chí Trần Lê còn là tấm gương cho cán bộ ngành Kiểm sát về phẩm chất đạo đức và tác phong làm việc; là tấm gương sáng về dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý; giữ vững nguyên tắc pháp chế trong các lĩnh vực khác nhau của hoạt động quản lý Nhà nước, ngay cả trong lĩnh vực xây dựng pháp luật; nhạy bén về chính trị nhưng sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng, đồng chí rất thận trọng, khách quan, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của quần chúng, của tập thể, của cơ quan tham mưu; tư duy sâu sắc, luôn đi sâu vào bản chất sự việc, chín chắn, cẩn thận, có trách nhiệm với công việc của mình.

Đồng chí Trần Lê,Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, một cán bộ cách mạng trung thành, tận tuỵ, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng chí Trần Lê có nhiều công lao lớn đóng góp cho ngành Kiểm sát nhân dân, đã để lại trong ký ức của cán bộ, nhân viên toàn ngành Kiểm sát nhân dân những ấn tượng sâu sắc và kỷ niệm không thể phai mờ./.

Lại Hợp Việt, Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT VKSND tối cao