Hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành KSND: Dấu ấn Kiểm sát viên tham gia giải quyết vụ án Năm Cam

Ngày đăng : 10:27, 27/03/2020

(Kiemsat.vn) - Năm 2002, VKSND tối cao đã phối hợp với các cơ quan pháp luật điều tra, truy tố, xét xử được nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình là vụ án Năm Cam xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành.

Vụ án phạm tội có tổ chức lớn chưa từng có

Tổ chức tội phạm do Trương Văn Cam (tức Năm Cam) đứng đầu là Chuyên án lớn nhất của Bộ Công an năm 2001 với tổng số bị can bị khởi tố là 200 của 25 vụ án liên quan, sau đó nhập thành 16 vụ án. Trong thời gian dài Năm Cam và đồng bọn đã hoạt động phạm tội có tổ chức theo kiểu "xã hội đen" với cách thức hình thành tổ chức và phân chia quyền lực, duy trì và phát triển tổ chức bằng thủ đoạn hoạt động bảo kê, mua chuộc, lôi kéo, khống chế và giao nhiệm vụ cho đàn em trong tổ chức, đồng thời mua chuộc, khống chế quan chức, móc nối với các tổ chức tội phạm khác để thực hiện nhiều hành vi phạm tội như: giết người; cố ý gây thương tích; đánh bạc, tổ chức đánh bạc có quy mô rất lớn, đưa và nhận hối lộ; tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi... liên tục gây ra nhiều tội ác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trong một thời gian dài với nhiều hành vi dã man, tàn bạo; thủ đoạn trắng trợn, thâm độc gây phẫn nộ lớn trong dư luận.

Vụ án có liên quan đến một số cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan báo chí, trong đó có một số người nguyên là cán bộ cao cấp, đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong nước, chính vì vậy các cơ quan pháp luật đã đặc biệt quan tâm, đấu tranh quyết liệt để triệt phá tổ chức tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.

VKSND tối cao vào cuộc

Ngày 18/12/2001 khi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an báo cáo về việc bắt khẩn cấp đối với Trương Văn Cam và đồng bọn, Viện trưởng VKSND tối cao Hà Mạnh Trí đã cử Phó Viện trưởng Trần Thu trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát điều tra (KSĐT), kiểm sát xét xử (KSXX) vụ án. Vụ án được giải quyết theo chỉ đạo của Ban chuyên án gồm thành phần các cơ quan tiến hành tố tụng.

Lãnh đạo VKSND tối cao đã quyết định cử các Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm giải quyết các chuyên án lớn tham gia giải quyết vụ án. Lúc đó, ông Nguyễn Duy Hồng Kiểm sát viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ THQCT và KSĐT án trị an - xã hội (Vụ 2B) VKSND tối cao rất sát sao với việc chỉ đạo giải quyết vụ án, ông Bùi Đăng Bình, Kiểm sát viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ 2B được phân công trực tiếp chỉ đạo hoạt động THQCT và KSĐT; ông Vũ Trọng Thưởng, Kiểm sát viên cao cấp Vụ 2B được phân công trực tiếp THQCT và KSĐT vụ án này. Để giải quyết vụ án, liên ngành Công an - Kiểm sát đã đề ra quy chế phối hợp để các đơn vị, thành viên tham gia chuyên án thường xuyên phối hợp với nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Dấu ấn của các Kiểm sát viên trong quá trình giải quyết vụ án

Tháng 5/2002, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, CQĐT khởi tố mới hàng loạt bị can, vụ án xuất hiện nhiều tình tiết phức tạp, 04 Kiểm sát viên cao cấp Vụ 2B được phân công tăng cường để THQCT và KSĐT vụ án là các ông: Bùi Sơn Cường, Nguyễn Thượng Luyến, Dương Văn Phùng và Mã Gia Ngô.

Ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình giải quyết vụ án, tập thể lãnh đạo VKSND tối cao, Uỷ ban kiểm sát VKSND tối cao đã nhiều lần nghe Vụ THQCT và KSĐT án trị an - xã hội báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ án. Theo chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao, các đơn vị khác tham gia chuyên án như Vụ THQCT và KSXX hình sự, Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm 3, VKSND TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ nghiên cứu để giúp Vụ 2B đề ra yêu cầu điều tra, thu thập chứng cứ, bảo đảm thống nhất trong chỉ đạo và rút ngắn thời gian nghiên cứu hồ sơ trong các giai đoạn tố tụng.

Quá trình THQCT và KSĐT vụ án, các Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án đã rất vất vả vì các bị can bị giam giữ ở Tiền Giang, trong khi Kiểm sát viên làm việc tại trụ ở VKSND tối cao phía Nam (T44) quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Thời gian đầu việc kiểm sát bắt giữ, tạm giam bị can gặp nhiều khó khăn, sau đó, VKSND tối cao có văn bản giao cho VKSND tỉnh Tiền Giang kiểm sát việc giam, giữ bị can của vụ án này để các Kiểm sát viên trực tiếp THQCT và KSĐT vụ án có thời gian tập trung vào việc hỏi cung, lấy lời khai và các tác nghiệp nghiệp vụ kiểm sát khác.

Riêng các thủ tục để 80 Luật sư bào chữa cho các bị can, 39 người bị hại, 253 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 29 người làm chứng, 2 người phiên dịch của vụ án cũng tốn rất nhiều thời gian, trong khi không được phép sai sót, nhầm lẫn mà phải đảm bảo đủ thủ tục, đúng quy định của pháp luật. các Kiểm sát viên KSĐT làm việc liên tục gần như không nghỉ, kể cả thứ 7, Chủ nhật; trong khi vừa phải cẩn trọng khi tác nghiệp để xử lý triệt để tổ chức tội phạm đặc biệt nguy hiểm, tránh oan, sai, vừa chịu áp lực về thời hạn tố tụng, các Kiểm sát viên còn phải cảnh giác với những thủ đoạn mua chuộc của tội phạm.

Sau này, ông Vũ Trọng Thưởng kể lại, có một hôm mới khoảng 5 giờ sáng, Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an (được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án) sang trụ sở T44 làm việc với các Kiểm sát viên KSĐT vụ án. Sau khi trao đổi, thấy xuất hiện nhiều tình tiết mới, phức tạp, lập tức Cơ quan CSĐT với VKSND tối cao đã tổ chức ngay một cuộc họp vào lúc 6 giờ sáng tại T44 để giải quyết những vấn đề cấp bách của vụ án Năm Cam.

Chỉ vẻn vẹn có 11 tháng sau khi kết thúc điều tra, các Kiểm sát viên đã hoàn thành việc KSĐT vụ án với khối lượng công việc đồ sộ. Tiếp nhận hồ sơ kết thúc điều tra, đề nghị truy tố của CQĐT, các Kiểm sát viên khẩn trương tiến hành phúc cung các bị can trong vụ án, kiểm tra đánh giá tài liệu, chứng cứ và xây dựng cáo trạng.

Bản cáo trạng... độc nhất vô nhị

Ngày 25/11/2002, VKSND tối cao đã ban hành Cáo trạng số 23/KSĐT-TA truy tố Trương Văn Cam cùng đồng bọn phạm các tội: giết người, cố ý gây thương tích, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, đưa và nhận hối lộ... Đây là 1 bản cáo trạng có thể nói là độc nhất vô nhị trong lịch sử tố tụng của Nhà nước ta đến thời điểm đó, được kết tinh bởi công sức, trí tuệ của các Kiểm sát viên trực tiếp THQCT và KSĐT vụ án, truy tố 155 bị can phạm 24 tội danh với lời kết tội đanh thép, 1 bản 600 trang, tổng số in 300 bản (nặng gần 1 tấn). Bản cáo trạng được in màu có ảnh của các bị can.

Việc ký và tống đạt cáo trạng cho bị can được các Kiểm sát viên lập trình khoa học, phân công hợp lý và thực hiện thần tốc. Ông Nguyễn Duy Hồng bay chuyến 7h tối 25/11/2002 từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh, Tổ phục vụ 12 người gồm các Kiểm sát viên Vụ 2B và cán bộ T44 chờ ký cáo trạng, đóng dấu phân loại (108 bị can tạm giam ở 6 trại, 47 bị can tại ngoại ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bình Thuận) rồi vận chuyển đi ngay trong đêm.

5h sáng 26/11/2002, cáo trạng được chuyển ra máy bay để ra Hà Nội tống đạt cho các bị can. Tại các địa điểm giao cáo trạng, Cơ quan CSĐT đã hỗ trợ tích cực cho các Kiểm sát viên hoàn thành việc tống đạt nhanh nhất. Ngay trong đêm 26/11/2002 các Kiểm sát viên lại trở về T44 mang theo biên bản tống đạt cáo trạng có kí nhận nhập hồ sơ chính để bàn giao cho Tòa án. Thời hạn truy tố của vụ án này chỉ vẻn vẹn 01 tháng.

Sáng 28/11/2002 việc bàn giao hồ sơ vụ án giữa Vụ 2B và TAND TP. Hồ Chí Minh tại T44 diễn ra trong 10 giờ đồng hồ với thành phần là các cơ quan tiến hành tố tụng và lực lượng Cảnh sát hỗ trợ; kết thúc bàn giao, có đến 05 xe đặc chủng cùng Cảnh sát bảo vệ hộ tống chở hồ sơ vụ án gần 200 tập với trọng lượng khoảng 05 - 06 tạ đến trụ sở TAND TP. Hồ Chí Minh.

Cái kết mong đợi của vụ án 

VKSND tối cao uỷ quyền cho VKSND TP. Hồ Chí Minh THQCT và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án. Viện trưởng VKSND TP. Hồ Chí Minh trực tiếp tham gia ban chuyên án, cử một Phó Viện trưởng cùng 05 Kiểm sát viên trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án, 02 Kiểm sát viên VKSND tp Hồ Chí Minh được phân công THQCT, KSXX tại phiên toà hình sự sơ thẩm là ông Trịnh Minh Tân, Trưởng phòng KSXX hình sự và ông Lê Anh Minh, Kiểm sát viên.

Từ ngày 25/2 đến ngày 4/6/2003, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn (155 bị cáo). Tại phiên toà, các Kiểm sát viên VKSND TP. Hồ Chí Minh đã thể hiện bản lĩnh vững vàng trong luận tội bị cáo, đối đáp với 80 Luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc các Công ty luật, Văn phòng luật sư tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, làm tốt vai trò THQCT và KSXX của Kiểm sát viên.

Bản án số 926/HSST ngày 4/6/2003 của TAND TP. Hồ Chí Minh sau đó đã tuyên phạt tử hình Trương Văn Cam cùng 06 bị cáo, tuyên phạt tù chung thân đối với 04 bị cáo, các bị cáo khác cũng phải nhận mức án nghiêm khắc, xứng đáng với hành vi phạm tội.

Phiên tòa phúc thẩm vụ án này được diễn ra từ ngày 15/9/2003 đến ngày 30/10/2003, 02 Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP. Hồ Chí Minh là ông Võ Văn Thêm và ông Nguyễn Đình Viến được cử thực hiện nhiệm vụ THQCT và KSXX tại tòa. Vụ án kết thúc, với bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm cao, sự tham gia tích cực trong tất cả các khâu từ kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, các Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân đã góp công lớn vào tiến trình giải quyết vụ án một cách đúng đắn, đúng người, đúng tội, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

TS. Nguyễn Thị Mai Nga, PTBT Tạp chí Kiểm sát