Không gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân

Ngày đăng : 11:03, 25/03/2020

(Kiemsat.vn) - Đó là một trong những nội dung nổi bật về những việc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội không được làm quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BCA về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, được Bộ Công an ban hành ngày 12/02/2020.

Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội theo quy định của pháp luật, bao gồm: đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý chứng minh nhân dân, căn cước công dân và các giấy tờ đi lại khác; đăng ký, quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý con dấu; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (trừ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do Bộ Quốc phòng quản lý); quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; công tác bảo đảm trật tự công cộng; công tác Cảnh sát phản ứng nhanh (gọi tắt là Cảnh sát 113); xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Theo đó, các đối tượng áp dụng Thông tư này là Công an các đơn vị, địa phương thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc các đơn vị quy định tại Thông tư này; các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Điều 13 của Thông tư này quy định những việc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội không được làm. Theo đó cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội không gây phiền hà, sách nhiễu Nhân dân; không yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những giấy tờ, thủ tục ngoài quy định; không nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho các cá nhân, tổ chức tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở làm việc tại cơ quan. 

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cũng không được hứa hẹn, thỏa thuận hoặc nhận tiền, tài sản, lợi ích khác để giải quyết các thủ tục hành chính về trật tự xã hội; không lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Ngoài ra, Thông tư 15/2020/TT-BCA còn quy định công an được quyền từ chối làm việc, giải quyết ngay các yêu cầu trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội của những người có biểu hiện say do dùng rượu, bia, chất kích thích khác, không làm chủ được hành vi của bản thân, ăn mặc phản cảm hoặc có lời nói, hành vi vi phạm nếp sống văn minh ở nơi công cộng. 

Nổi bật tại Thông tư này quy định những việc cơ quan, tổ chức và cá nhân bàn, góp ý để cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập các tổ chức quần chúng thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự: Ban bảo vệ dân phố, Đội dân phòng, Tổ tự quản đường phố, tự quản về trật tự công cộng, câu lạc bộ về an ninh, trật tự, liên gia tự quản về an ninh, trật tự và các tổ chức tự quản, câu lạc bộ khác bảo đảm an ninh, trật tự; lập các chốt, điểm bảo vệ an ninh, trật tự; duy trì các hoạt động tuần tra của Nhân dân phòng ngừa tội phạm.

Đặc biệt, công dân có trách nhiệm phát hiện, tố cáo, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm các quy định quản lý hành chính về trật tự xã hội; cản trở, chống lại cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội…

Thông tư 15/2020/TT-BCA gồm 15 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 3 năm 2020 và thay thế Thông tư số 48/2011/TT-BCA ngày 06 tháng 7 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Xem toàn văn Thông tư 15/2020/TT-BCA tại đây.

Trịnh Quyết