Những khó khăn trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong và ngoài Quân đội

Ngày đăng : 17:11, 19/03/2020

(Kiemsat.vn) - Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (nguồn tin về tội phạm) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; là căn cứ để kịp thời phát hiện hành vi phạm tội xảy ra, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để xem xét, quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thành một chương riêng và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT - BCA - BQP - BTC - BNN và PTNT - VKSNDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư 01/2017).

Qua công tác thực tế thực hiện những quy định mới về mặt công tác này đã mang lại được những kết quả nhất định; việc phòng, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm được thực hiện triệt để hơn; việc để quá hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ngày càng được hạn chế; góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, thực hiện những quy định mới về tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được quy định trong BLTTHS năm 2015.

Thông tư 01/2017 còn gặp những vấn đề khó khăn vướng mắc trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng bên ngoài Quân đội và cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội như sau:

* Về thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với nguồn tin mà Cơ quan tiến hành tố tụng bên ngoài Quân đội chuyển vào cho cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội.

Tại khoản 2 Điều 146 của BLTTHS năm 2015 quy định: Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Tại khoản 1 Điều 8 Phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư 01/2017) quy định:

Cơ quan điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải tiến hành phân loại trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền thì giải quyết theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch này. Nếu có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định. Trong trường hợp không thể chuyển ngay thì phải thông báo bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.

Tuy nhiên thực tế Cơ quan tiến hành tố tụng bên ngoài Quân đội sau khi tiếp nhận, tiến hành phân loại và kiểm tra xác minh, sau khi xác định không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết, trong (Thông tư 01/2017) quy định trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định. Thực tế Cơ quan tiến hành tố tụng ngoài Quân đội phân loại và kiểm tra xác minh thẩm quyền đã mất một khoảng thời gian nhất định và sau khi xác minh không thuộc thẩm quyền, tiến hành chuyển nhưng do khoảng cách địa lý nên dẫn đến khi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến được cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội để giải quyết mất thêm một khoảng thời gian nữa. Nên sau khi các Cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì tính thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với trường hợp này có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất, thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với trường hợp này phải được tính từ lúc Cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội tiếp nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố từ Cơ quan tiến hành tố tụng bên ngoài Quân đội chuyển vào. Như vậy, thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm được tính kể từ ngày Cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, không phụ thuộc nguồn tin đó có được lập biên bản tiếp nhận từ Cơ quan tiến hành tố tụng ngoài Quân đội hay không.

Quan điểm thứ hai, cho rằng thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm từ khi Cơ quan tiến hành tố tụng ngoài Quân đội lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Việc có lập biên bản tiếp nhận là căn cứ để tính thời điểm bắt đầu giải quyết nguồn tin về tội phạm, hay nói cách khác thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là tính từ lúc lập biên bản tiếp nhận từ cơ quan tiến hành tố tụng bên ngoài Quân đội.

Từ cách hiểu như trên nếu dẫn đến thực tế các Cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội đã xác định thời điểm bắt đầu để tính thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm khác nhau. Thiết nghĩ trong thời gian chờ sửa đổi bổ sung Bộ luật, Các Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có hướng dẫn để công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt hiệu quả cao đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa./.

Nguyễn Thành Luân, VKSQS khu vực 23