Bắc Kạn: Đồ rừng vẫn bán công khai!

Ngày đăng : 12:19, 17/03/2020

(Kiemsat.vn) - Đó là thực tế đang diễn ra tại các địa phương vùng cao, mặc cho những khuyến cáo về việc động vật hoang dã được cho là nguyên nhân gây nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Đó là thực tế đang diễn ra tại các địa phương vùng cao, mặc cho những khuyến cáo về việc động vật hoang dã được cho là nguyên nhân gây nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Khu vực ngoài chợ Đức Xuân vẫn thường xuyên có động vật hoang dã được bày bán công khai. Ảnh: T.N.

Chợ Đức Xuân nằm ở trung tâm và là nơi có mức độ giao dịch hàng hóa nhộn nhịp nhất của TP Bắc Kạn. Không chỉ có các mặt hàng từ các tỉnh, thành phố miền xuôi lên, rồi trung chuyển đi khắp các địa phương trong tỉnh Bắc Kạn, chợ Đức Xuân còn là chợ đầu mối, tập trung nông sản và các sản phẩm các loại trong tỉnh.

Chính quyền và cơ quan chức năng địa phương gần như chỉ có thể quản lý được hàng hóa ở trong khuôn viên chợ chính, còn các khu vực và tuyến đường bao quanh dẫn vào chợ thì không kiểm soát được.

PV vào vai một khách hàng đi tìm xem có con thú rừng nào lạ lạ để mua về. Nhiều người bán hàng cho biết nếu muốn mua trực tiếp của dân thì thi thoảng cũng có người bán, vào buổi sáng sớm. Nhưng thường là dân bẫy được sẽ bán cho các chủ hàng chuyên mua bán về loại này.

Được mọi người giới thiệu ra một sạp nằm giữa đường, phía sau chợ Đức Xuân đi ra hướng đường Kon Tum, chuyên bán lan rừng, củ quả nông sản, các loại gia cầm và được quảng cáo là thường xuyên có các loại động vật hoang dã như: kỳ đà, gà lôi, trĩ, gà rừng và các loại chim bẫy được.

PV hỏi giá ba ba, được chủ hàng báo giá 500.000đ/kg vì là ba ba tự nhiên 100%. Ngoài ra muốn mua con gì cũng có, nhưng phải đặt trước.

Chủ hàng giới thiệu ba ba tự nhiên, có giá 500.000đ/kg. Ảnh: T.N.

Đến một cửa hàng khác, cũng chuyên bán đồ sản vật tự nhiên từ rừng, nằm trên đường đi vào chợ Đức Xuân. Người phụ nữ bán hàng quảng cáo 100% hàng của mình là đồ rừng hết, và bán giá hợp lý nhất Bắc Kạn luôn. Chỉ cần lấy số điện thoại, đặt con gì cũng có.

Những loại bày bán công khai như bìm bịp để ngâm rượu giá 120.000 đồng/con, kỳ đà tự nhiên là 600.000 đồng/kg.

Chim bìm bịp có giá vào khoảng 120.000đ/kg. Ảnh: T.N.

Ngồi nói chuyện về ẩm thực với một “đại gia” có tiếng ở Bắc Kạn có tên H, là một dân nhậu thứ thiệt, thường xuyên đi tiếp khách. Theo ông H, Bắc Kạn có 4 quán ăn chuyên về đồ rừng rất nổi tiếng, nhưng không có quán nào nằm trên địa bàn thành phố. Còn nhiều nhà hàng lớn, nhỏ trên khắp địa bàn tỉnh cũng luôn có sẵn thịt thú rừng trong tủ, nhưng thường là hàng để đông lạnh như gà rừng, lợn rừng, hươu, sơn dương, cầy, cáo, chim…, thi thoảng có đồ tươi thì vẫn được một số nhà hàng thông tin.

Ông H cũng cho biết thêm, các quán ăn thú rừng ở Bắc Kạn ai vào ăn cũng được, công khai không giấu diếm gì. Khách lạ hay khách quen, ăn tại quán hay mua về đều được phục vục. Quán đông khách nhất, lớn nhất thuộc huyện Bạch Thông, cách thành phố khoảng 6km, là một trong những quán lâu đời và chỉ chuyên thịt rừng.

Chủ quán tên T đang cân và tính tiền cho khách con cầy bạc má. Ảnh: T.N.

Để tìm hiểu rõ về hoạt động buôn bán, giết mổ thịt động vật hoang dã ở các quán ăn tại Bắc Kạn như lời kể của ông H, địa điểm đầu tiên của PV tìm đến là nhà hàng nằm trên một con đường nhỏ ở huyện Chợ Mới, cách QL3 khoảng hơn 1km. Quán nhỏ, khá đơn sơ do một đôi vợ chồng trẻ tự làm, tự phục vụ khách. Hầu hết thực phẩm ở đây đã được thịt sẵn, để vào tủ đông.

Một khách thắc mắc về việc sợ đồ để lâu rồi, ăn không ngon, thì chủ quán khẳng định quán mình toàn là thịt mới, dân họ săn được nên phải thịt sớm, rồi bỏ vào tủ đông để không bị hôi, chỉ có con nào bẫy được còn sống thì để nhốt ở ngoài.

Sau đó chủ quán mời khách 2 loại thịt mới mổ, đã làm sạch, còn tươi nguyên là thịt con cầy bạc má có giá 300.000 đồng/kg, thịt con Lửng lợn đã lọc xương là 400.000 đồng/kg. Chủ quán còn dặn, lần sau các anh muốn ăn gì cứ gọi báo trước để em làm sẵn, các anh đến ăn đỡ phải chờ đợi.

Một con gà rừng đang bị nhốt trong lồng, chân vẫn còn dấu vết bị thương do dính bẫy (khoanh tròn). Ảnh: T.N.

Địa điểm tiếp theo mà PV tìm đến là một nhà hàng thịt thú rừng tại huyện Bạch Thông. Có khách đến, nhân viên quán đến tư vấn một cách nhiệt tình về nhiều món ăn. Được giới thiệu là ăn ngon mà làm nhanh và lúc nào cũng có sẵn như: Chim rừng, thịt lợn rừng tự nhiên, sóc… Ngoài ra còn liệt kê hàng loạt món ăn như cầy, cáo, rắn, mèo rừng…

Vào sâu trong khu vực bếp của quán, PV chứng kiến rất nhiều con vật hoang dã vẫn đang bị nhốt trong lồng sắt như: gà rừng, các loại chim, sóc…

Dúi được người dân bày bán công khai trên QL3, đoạn đèo Cao Bắc. Ảnh: T.A.

Trao đổi với PV Báo NNVN, một lãnh đạo ngành NN-PTNT Bắc Kạn chia sẻ, do điều kiện tự nhiên là tỉnh miền núi, tỷ lệ che phủ rừng lên tới hơn 70%, nên vẫn còn nhiều loại thú rừng, bò sát, chim… quý hiếm sinh sống. Ngành đã tiến hành thu súng săn, tuyên truyền bảo vệ rừng.

Tuy nhiên tập quán bà con vùng cao, cộng với điều kiện kinh tế khó khăn, nên nhiều người vẫn đi săn bắn, bẫy thú, bẫy chim, bắt trăn, rắn, cầy, cáo đem bán… Việc buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn ra ở hầu hết các xã, huyện, nhưng quy mô nhỏ lẻ, khó kiểm soát, xử lý.

Việc buôn bán, tiêu thụ và giết mổ động vật hoang dã là hoạt động bị cấm tại Việt Nam, những hành vi trên nếu bị phát hiện sẽ xử phạt rất nặng và thậm chí là phạt tù. Nhưng việc buôn bán vẫn đang diễn ra ngang nhiên tại Bắc Kạn, cần phải xử lý triệt để trong thời điểm hiện nay, nhất là được các tổ chức khuyến cáo, động vật hoang dã được cho chính là nguyên nhân lây lan bệnh dịch Covid-19.

 

Báo Nông nghiệp Việt Nam