Trao đổi bài viết “Bàn về án phí khi Tòa án tiến hành hòa giải thành nhưng có đương sự thuộc trường hợp miễn án phí”

Ngày đăng : 12:47, 02/03/2020

(Kiemsat.vn) - Bài viết dưới đây nêu quan điểm giải quyết đối với vụ việc “Bàn về án phí khi Tòa án tiến hành hòa giải thành nhưng có đương sự thuộc trường hợp miễn án phí” (bài đăng trên Kiemsat.vn ngày 28/02/2020)

Theo nội dung vụ việc được nêu trong bài viết thì sau khi Tòa án tổ chức phiên họp hòa giải, bị đơn là bà Dương Thị H, sinh năm 1950; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Văn S, sinh năm 1954 và chị Phạm Thị Mỹ T, sinh năm 1987 đồng ý trả cho nguyên đơn là bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1949 số tiền hụi là 21.500.000 đồng. Sau đây là quan điểm giải quyết ở từng trường hợp cụ thể:

Nếu bà H, ông S, chị T đồng ý trả tiền theo yêu cầu của bà H thì nguyên đơn (bà N) có phải chịu 50% án phí theo quy định không?

Thực tiễn vẫn còn quan điểm khác nhau về việc khi đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án (bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn) thì nguyên đơn có phải chịu 50% án phí theo quy định không. Thậm chí, còn có quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này do không có văn bản nào quy định cụ thể là khi hòa giải thành các bên đương sự phải chịu 50% trên tổng số tiền án phí quy định các đương sự phải chịu, nếu các đương sự không thỏa thuận được án phí. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng trong dân sự, quyền và nghĩa vụ của đương sự ngang nhau nên nghĩa vụ chịu án phí của đương sự cũng ngang nhau. Chính vì vậy mà quan điểm chiếm đa số hiện nay đều cho rằng trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được việc giải quyết vụ án thì nguyên đơn phải chịu 50% án phí. Khi hòa giải các đương sự có quyền tự thương lượng, thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án; Tòa án chỉ làm nhiệm vu trung gian và Tòa án chỉ ra quyết định để công sự thỏa thuận của đương sự mà không hề đưa ra bất kỳ quyết định mang tính bắt buộc nào (kể cả quyết định đương sự nào phải chịu án phí) như bản án của Tòa án khi đưa vụ án ra xét xử. Điều này thể hiện sự bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ của các đương sự khi tham gia tố tụng. Việc hòa giải thành sẽ rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, tiết kiệm công sức, chí phí đi lại … của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và cả nguyên đơn.

Khoản 3 Điều 147 của BLTTDS năm 2015 mới có quy định: “Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”. Nghị quyết số 326 cũng cụ thể hóa quy định này như sau: “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch”. Cụm từ “họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm” hay “phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch” cần được hiểu là “tất cả các bên đương sự” khi tham gia vào quá trình thương lượng, hòa giải tranh chấp trong vụ án chứ không phải chỉ là một bên đương sự có nghĩa vụ nào đó.

Ngoài ra, do quy định án phí hòa giải thành các đương sự phải chịu nên tại khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326 quy định như sau: “Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định, của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp”. Điều này sẽ khắc phục tình trạng trong vụ án có một bên đương sự thuộc trường hợp được miễn án phí đã thỏa thuận chịu toàn bộ án để nhằm mục đích được miễn hết án phí, làm thất thu ngân sách nhà nước. Như vậy, quan điểm tôi cho rằng trường hợp này nguyên đơn bà N phải chịu 50% án phí theo quy định.

Nếu đương sự thuộc trường hợp được miễn tiền án phí nhưng không làm đơn xin miễn tiền án phí thì Tòa án có xét miễn tiền án phí cho đương sự đó không?

Vấn đề này hiện nay cũng còn có quan điểm giải quyết khác nhau. Có quan điểm cho rằng mặc dù đương sự không có đơn xin miễn tiền tạm ứng án phí nhưng thuộc trường hợp được miễn thì Thẩm phán cũng nên xét miễn án phí cho đương sự, không nên áp dụng pháp luật một cách quá máy móc và cứng nhắc. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng nếu đương sự không có đơn xin miễn án phí thì Thẩm phán không xét miễn án phí cho họ. Nghiên cứu quy định của pháp luật liên quan thì thấy rằng tại Điều 14 của Nghị quyết số 326 có quy định như sau:

Điều 14. Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án

1. Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải, có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.

2. Đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án phải có các nội dung sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;

c) Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.

Như vậy, đây là một quy định hoàn toàn mới của Nghị quyết số 326 so với các quy định trước đây  về án phí, lệ phí Tòa án. Theo tôi các Thẩm phán và đương sự cần phải tuân thủ và chấp hành đúng quy định này nhằm đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật và hạn chế sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật. Quan điểm của tôi là khi đương sự thuộc trường hợp được miễn án phí và có đơn đề nghị được miễn án phí thì Tòa án mới xét miễn án phí cho họ. Tuy nhiên không phải đương sự nào cũng hiểu biết được những trường hợp nào họ sẽ được miễn án phí và thủ tục phải làm là gì; vì vậy Thẩm phán khi được phân công giải quyết vụ án phải giải thích cho tất cả đương sự biết về các trường hợp được miễn, giảm án phí cũng như là hướng dẫn thủ tục họ phải làm để xin miễn, giảm án phí trước khi tiến hành tổ chức phiên họp hòa giải.

Theo thỏa thuận nguyên đơn là bà N đồng ý chịu 50% án phí; bị đơn bà H, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; ông S, chị T đồng ý chịu 50% án phí 

Trường hợp này sẽ phát phát sinh các tình huống giải quyết như sau:

Tình huống thứ nhất, nếu nguyên đơn bà N có đơn xin miễn phí do là người cao tuổi; bà H và ông T đều có đơn xin miễn tiền tạm ứng án phí do là người cao tuổi thì chỉ có chị T phải chịu án phí. Cụ thể chị T phải chịu án phí là: {(21.500.000đ x 5%)  x 50%)/3 = 179.000đ.

Tình huống thứ hai, nếu nguyên đơn bà N không có đơn xin miễn án phí; bà H và ông S đều có đơn xin miễn tiền tạm ứng án phí do là người cao tuổi thì bà N phải chịu án phí là (21.500.000đ x 5%)  x 50% = 537.500đ; chị T phải chịu án phí là: 179.000đ.

Tình huống thứ ba, nếu nguyên đơn bà N không có đơn xin miễn án phí; bà H có đơn xin miễn án phí; ông S không có đơn xin miễn án phí do thì ông S và chị T mỗi người phải chịu án phí là: 179.000đ.

Tình huống thứ tư, nếu nguyên đơn bà N không có đơn xin miễn án phí; bà H không có đơn xin miễn án phí; ông S có đơn xin miễn án phí do thì bà H và chị T mỗi người phải chịu án phí là: 179.000đ.

Theo thỏa thuận bị đơn bà H, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; ông S, chị T đồng ý chịu 100% án phí (tức chịu thay nguyên đơn bà N 50% án phí)

Trường hợp này sẽ phát phát sinh các tình huống giải quyết như sau:

Tình huống thứ nhất, nếu nguyên đơn bà N có đơn xin miễn phí; bà H và ông S đều có đơn xin miễn án phí thì chỉ có chị T phải chịu án phí là: 179.000đ. Do bà N được miễn án phí nên bà H, ông S, chị T không phải nộp án phí thay cho bà N.

Tình huống thứ hai, nếu nguyên đơn bà N không có đơn xin miễn phí; bà H và ông S đều có đơn xin miễn án phí thì bà H, ông S mỗi người phải chịu án phí thay cho nguyên đơn là: 179.000đ; chị T phải chịu án phí là: 358.000đ (trong đó 179.000đ là phần án phí chị T nộp thay cho bà N và 179.000đ là phần án phí chị T phải chịu).

Tình huống thứ ba, nếu nguyên đơn bà N không có đơn xin miễn phí; bà H có đơn xin miễn án phí ; ông S không có đơn xin miễn án phí thì bà H phải chịu án phí thay cho nguyên đơn là: 179.000đ; ông S và chị T mỗi người phải chịu án phí là: 358.000đ (trong đó 179.000đ là phần án phí ông S và chị T nộp thay cho bà N và 179.000đ là phần án phí ông S và chị T phải chịu).

Tình huống thứ tư, nếu nguyên đơn bà N không có đơn xin miễn phí; bà H không có đơn xin miễn án phí; ông S có đơn xin miễn án phí thì ông S phải chịu án phí thay cho nguyên đơn là: 179.000đ; bà H và chị T mỗi người phải chịu án phí là: 358.000đ (trong đó 179.000đ là phần án phí bà H và chị T nộp thay cho bà N và 179.000đ là phần án phí bà H và chị T phải chịu).

Trên đây là một số ý kiến về quan điểm giải quyết, xin trao đổi cùng tác giả và bạn đọc./.


Dương Tấn Thanh - TAND TX. Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh