Hưởng ứng ngày Tê tê thế giới 15/2/2020

Ngày đăng : 11:30, 14/02/2020

(Kiemsat.vn) - Ngày Tê tê thế giới, được tổ chức vào ngày thứ bẩy thứ ba của tháng hai, là một ngày lễ kỷ niệm trên toàn thế giới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về loài tê tê, tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép tê tê, từ đó thúc đẩy ý thức và hành động bảo tồn loài động vật quý hiếm đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng này. Năm 2020 ngày Tê tê thế giới lần thứ 9 sẽ diễn ra vào 15/02.

Tê tê trong tự nhiên (Ảnh: Internet)

Trên thế giới, có 8 loài tê tê, trong đó 4 loài phân bố ở châu Phi và 4 loài ở châu Á. Loài Tê tê Châu Á có các sợi lông tơ nhỏ và thưa xen kẽ giữa các vảy. Loài Tê tê Châu Phi không có các sợi lông tơ nhỏ và thưa xen kẽ giữa các vảy.

Tại Việt Nam loài Tê tê vàng có đặc điểm cỡ nhỏ hơn Tê tê giava. Thân dài 0,2 tới 0,5m. Trọng lượng: 5 - 7kg. Không có răng, lưỡi dài nhiều chất dính. Toàn thân (trừ bụng) phủ lớp vẩy sừng, vẩy sừng xếp chồng lên nhau giống như lợp ngói. Có 15 hàng vẩy thân xếp theo chiều dọc, 11 - 13 hàng xếp theo chiều ngang; đuôi có 14 - 17 hàng vẩy xếp theo chiều dọc, 8 hàng xếp theo chiều ngang (3 hàng ở mặt trên, 3 hàng ở mặt dưới, 2 hàng ở mép đuôi). Vẩy có mầu vàng sẫm, vàng, hoặc vàng nhạt. Có những con bạch tạng do nuôi con trong hang lâu ngày. Bụng không có vẩy, da bụng dầy có lông thưa cứng. Bàn chân trước 5 ngón, 3 ngón giữa có móng (vuốt) dài và cong. Móng chân trước dài gấp 1,5 lần móng chân sau. Mùa sinh sản từ tháng 1 - 3. Thời gian có chửa 5 tháng. Mỗi lứa đẻ 1 - 2 con. Sống trong rừng ẩm nhiệt đới, rừng già, rừng thứ sinh, rừng hỗn giao tre nứa gỗ, ưa thích là rừng trên đồi núi thấp có nhiều cỏ cây mục nát. Hoạt động kiếm ăn ban đêm, ban ngày ẩn nấp trong hang. Hang sâu 2 - 4m, rộng 20 - 30cm, đoạn cửa hang hướng theo chiều sườn dốc, đoạn sau bằng xiên vào lòng đất.

Tê tê là loài thú duy nhất có vảy. Vảy được tạo thành từ chất keratin, giống như tóc và móng tay/móng chân của con người, lớp vảy này có thể chiếm tới 20% trọng lượng cơ thể Tê tê. Các hàng vảy theo chiều ngang bao phủ toàn bộ cơ thể, còn các hàng vảy theo chiều dọc nằm trên đường thẳng dọc theo cơ thể. Lớp vảy này bảo vệ Tê tê khỏi kiến tấn công khi đang kiếm ăn hay các loài thú ăn thịt lớn khác. Khi Tê tê tấn công các tổ kiến, lớp vảy này sẽ che chắn cho Tê tê khỏi sự phản kháng của đàn kiến. Đồng thời khi các loài thú ăn thịt lớn hơn tấn công, Tê tê sẽ cuộn tròn lại cùng lớp vảy bao quanh bên ngoài.

Các loài tê sống chủ yếu trên mặt đất. Bộ móng ở bàn chân trước của chúng dài và to hơn đáng kể so với bộ móng ở cặp bàn chân sau cùng chiếc đuôi to và dài gần bằng chiều dài cơ thể. 
Vì móng dài nên chúng không đi bằng cách đạp chân xuống đất mà ngược lại, Tê tê di chuyển bằng cách co hai chân trước lại và giẫm lên mu bàn chân. Miệng chúng không có răng; thức ăn chủ yếu là kiến và mối. Chúng dùng lưỡi dài (đến 40 cm dài hơn cả chính cơ thể tê tê) với nước dãi rất dính để bắt mồi. Cuống lưỡi nằm sâu trong lồng bụng.

Phần đuôi Tê tê có khả năng cầm nắm, để giúp vin vào cành cây khi leo trèo.

Tê tê đến hai tuổi thì trưởng thành, có thể sinh sản được, mang thai khoảng 120-150 ngày, đẻ lứa từ một (tê tê châu Phi) đến ba con (tê tê châu Á). Thường đẻ một con, ít khi hai. Tê tê con có cân nặng từ 80-450g. Chúng bám vào đuôi mẹ, khi gặp nguy hiểm mẹ dấu con dưới bụng và cuộn tròn người lại, nhưng cũng có loài Tê tê ẩn trong hang đến 2-4 tuần thì mới ra ngoài.

Tê tê con theo mẹ (Ảnh: Internet)

Tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép Tê tê đang diễn ra vô cùng khủng khiếp. Đã đến lúc cần thúc đẩy ý thức và hành động bảo tồn loài động vật quý hiếm đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng này.

Hiện nay, tất cả các loài Tê tê đều được liệt kê trong danh sách cấm theo Công ước CITES. Từ năm 2000 là "không hạn định số lượng" (cấm tuyệt đối), có nghĩa là cấm bất kỳ thương mại quốc tế về Tê tê hoặc các bộ phận cơ thể của chúng. Tháng 11 năm 2010, Tê tê đã được thêm vào danh sách các động vật có vú khác biệt về mặt di truyền và có nguy cơ tuyệt chủng của Hiệp hội Động vật học London (Zoological Society of London's). IUCN cũng đã liệt kê một số loài tê tê, như Tê tê Java (Manis javanica), Tê tê vàng (Manis pentadactyla) vào danh sách nguy cấp. Tại Việt Nam, Tê tê được đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (2000) với mức độ có thể bị đe doạ tuyệt chủng.  

 

Trịnh Quyết (Tổng hợp)