Vinamilk và chiến lược xây dựng đội ngũ kế thừa tài năng
Ngày đăng : 08:02, 12/02/2020
Vinamilk có quy mô 10.000 lao động, với hơn 30 đơn vị thành viên trên cả nước cùng các công ty con, nhà máy, trang trại đặt ở nước ngoài. Đặt ra mục tiêu chiến lược là đưa Vinamilk vào Top 30 công ty sữa lớn nhất toàn cầu nên từ nhiều năm nay, doanh nghiệp này đã bắt tay vào việc xây dựng đội ngũ nhân tài cho mình.
Khi doanh nghiệp là “cái nôi” nuôi dưỡng nhân tài
Xuất phát từ nhu cầu về nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn cao, làm chủ được các công nghệ tiên tiến trên thế giới về ngành sữa, Vinamilk đã kiên trì đầu tư để xây dựng lực lượng các chuyên gia trẻ trong nhiều lĩnh vực quan trọng như: Công nghệ chế biến Sữa và các sản phẩm từ Sữa, Kiểm định thú y- Dịch tễ, Tự động hoá dây chuyền công nghệ và sản xuất... Đó chính là xuất phát điểm của chương trình “Học bổng du học tại Nga toàn phần dành cho các sinh viên xuất sắc” đã được Vinamilk tâm huyết thực hiện từ năm 2002.
Hiện nay, các sinh viên của chương trình này đã trở về và đang đảm nhiệm các vị trí quản lý quan trọng trong công ty. Anh Trần I Giôn, Giám đốc Kỹ Thuật, hiện đang công tác tại Trang trại bò sữa Tây Ninh, một trong những trang trại quy mô lớn và hiện đại nhất của Vinamilk, chia sẻ: “Trên vai một người khổng lồ bạn sẽ được nhìn xa hơn và cao hơn. Nhận được học bổng và hoàn thành chương trình học tại Nga, tôi nghĩ mình đã có xuất phát điểm rất tốt để có thể đóng góp cho công ty.”
Anh Trần I Giôn hiện đang công tác tại Trang trại bò sữa Tây Ninh của Vinamilk |
Trước thực tế Việt Nam không phải là nước có thế mạnh về ngành sữa, đội ngũ chuyên gia trong ngành vẫn còn thiếu thì có thể nói chương trình này chính là 1 trong những giải pháp về nhân sự giúp duy trì sự tăng trưởng cũng như tạo ra những bước tiến vượt bậc của Vinamilk trong những năm gần đây. Đặc biệt khi Vinamilk liên tục đầu tư triển khai những siêu dự án, phát triển vùng nguyên liệu sữa quy mô lớn và hiện đại. Không chỉ phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp, đây cũng chính là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành sữa và ngành nông nghiệp - chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Việt Nam nói chung trong tương lai.
Nhân sự có điều kiện tiếp cận với các thiết bị, máy móc, công nghệ hiện đại tại các nhà máy của Vinamilk |
Đội ngũ quản lý trẻ - “đãi cát tìm vàng”
Ngoài các hoạt động đào tạo, thì các Quản trị viên tập sự (Management Trainee – MT) cũng là một chương trình khá phổ biến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để phát triển đội ngũ quản lý. Điểm cốt lõi của chương trình này là sàng lọc được “chất” hơn là lấy “lượng”, làm sao để tuyển chọn được ứng viên xuất sắc nhất, đảm đương vị trí quản lý và am hiểu về công ty.
Đại diện Vinamilk cho biết công ty thực hiện chương trình này nhằm tuyển chọn, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân viên có đủ năng lực để đáp ứng chiến lược hoạt động và kinh doanh của Công ty. Năm 2016, tỷ lệ ứng viên được chọn tham gia chương trình Quản trị viên tập sự (MT) tại Vinamilk là 1,7%, có nghĩa là chỉ có từ 1 đến 2 ứng viên được chọn trong số 100 hồ sơ. Tuy nhiên, tỷ lệ được đề bạt lên vị trí quản lý sau khi hoàn tất chương trình đạt đến 36,8%. Trong chương trình, các ứng viên không chỉ tích lũy kiến thức chuyên môn mà sẽ được đào tạo về kỹ năng quản lý, năng lực tổ chức, đặc biệt là phát triển tư duy, tầm nhìn nhằm trang bị đầy đủ năng lực, bản lĩnh để trở thành các nhà quản lý tài năng.
“Trong suốt thời gian tham gia chương trình MT, tôi đã được luân chuyển làm việc ở rất nhiều phòng, ban, đơn vị của công ty. Điều này giúp tôi có cái nhìn tổng quát hơn và các kỹ năng cần thiết cho vị trí quản lý tại một công ty lớn như Vinamilk.” – Chị Trần Khánh Chi, Trưởng Ban Kế toán Quản trị Hoạt động Thương mại, chia sẻ trải nghiệm của mình trong quá trình tham gia chương trình MT.
Chị Trần Khánh Chi (áo trắng) là một gương mặt tiêu biểu trong chương trình Quản trị viên tập sự của Vinamilk năm 2014 |
Trẻ hóa nguồn nhân lực để tạo ra động lực đổi mới
Trong một cuộc khảo sát của Anphabe và Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, Vinamilk đã được bình chọn là một trong năm doanh nghiệp nhận giải thưởng “Thương hiệu Nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất” với thế hệ Y (1986 - 2000). Trẻ hóa nguồn lực cũng là cách các doanh nghiệp lớn thúc đẩy bộ máy, liên tục sáng tạo và tạo ra sự thay đổi để phát triển và bắt nhịp với xu hướng xã hội.
Đội ngũ nhân sự trẻ được tạo điều kiện để phát triển và thử thách bản thân với những vị trí quản lý cấp trung |
“Mở cửa” để sinh viên tìm hiểu về công ty cũng là một trong nhiều cách giúp doanh nghiệp tiếp cận và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Các chương trình này còn giúp truyền tải đến người trẻ về văn hóa doanh nghiệp - một yếu tố quan trọng để thu hút các nhân sự tài năng của thế hệ Y.
Đặng Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, chia sẻ: “Một trong sáu nguyên tắc văn hóa của Vinamilk mà em đặc biệt ấn tượng là Hướng đến kết quả. Để làm ra một ly sữa đảm bảo chất lượng phải trải qua rất nhiều quá trình. Em đã cảm nhận được tinh thần tích cực của các cô chú trong nhà máy khi chia sẻ cảm nhận được làm việc trong Vinamilk.” Quỳnh Như là một thành viên trong đoàn sinh viên tiêu biểu nhận học bổng của Tổ chức VietHope và Quỹ học bổng Lương Văn Can có cơ hội đến trụ sở và nhà máy của Vinamilk để tham quan, học hỏi.
Chuyến thăm Vinamilk đã đem lại trải nghiệm ấn tượng cho các sinh viên của Tổ chức VietHope và Quỹ học bổng Lương Văn Can |
Chìa khóa thành công cho mỗi doanh nghiệp không chỉ xuất phát từ chiến lược kinh doanh, sức mạnh tài chính, công nghệ hay thương hiệu mà còn là ở đội ngũ nhân sự có đủ tâm và tầm, mong muốn được cống hiến cho công ty. Chính vì vậy, khi đầu tư vào đúng người, đúng thời điểm, bỏ công mài dũa những “viên ngọc thô” này, doanh nghiệp về lâu về dài sẽ được lợi về nhiều mặt. Xa hơn nữa, việc các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiêm túc đầu tư, đem lại các cơ hội thử sức cho thế hệ trẻ sẽ mang đến lợi ích kép khi vừa hạn chế việc chảy máu chất xám, vừa nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam khi cạnh tranh ngay trên sân nhà./.