Nhớ mãi về bác Bùi Lâm

Ngày đăng : 16:50, 10/02/2020

(Kiemsat.vn) - Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2020), Kiemsat.vn trân trọng gửi đến bạn đọc bài viết “Nhớ mãi về bác Bùi Lâm” của tác giả Vũ Đức Khiển, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Bài viết được trích trong cuốn “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Kiểm sát nhân dân” - Tạp chí Kiểm sát xuất bản năm 2010.

Khi nói đến các vị Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong những năm ngành Kiểm sát nhân dân mới được thành lập, không một người cán bộ, Kiểm sát viên nào thời kỳ đó lại không nhớ về bác Bùi Lâm - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong những năm cuối 1960 và đầu năm 1970.

Đồng chí Bùi Lâm

Bác Bùi Lâm tên thật là Nguyễn Văn Di, sinh năm 1905 trong một gia đình nghèo ở xã Gia Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Để kiếm kế sinh nhai, bác Bùi Lâm đã phải sớm theo cụ thân sinh ra Hải Phòng tìm việc làm. Năm 15 tuổi, bác Bùi Lâm được hãng Năm Sao nhận vào làm việc nên đã xuống tàu sang Pháp và bắt đầu lênh đênh trên những con tàu vượt đại dương đến nhiều nước trên thế giới rồi lại về neo đậu tại cảng Ha- Vrơ của Pháp. Sau khi đọc bản yêu sách của ông Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Vec- Sây đòi độc lập và quyền tự do cho Việt Nam, bác Bùi Lâm và nhiều thủy thủ khác là người Việt Nam đã suy nghĩ phải làm gì đó cho đồng bào, vì Tổ quốc. Vì vậy, các thủy thủ Việt Nam đã cử bác Bùi Lâm đi paris gặp ông Nguyễn Ái Quốc để tìm phương hướng hoạt động. Sau chuyến đi ấy, bác Bùi Lâm đã xác định rõ mục đích, ý nghĩa cuộc đời mình nên rất tích cực tham gia các hoạt động cách mạng. Năm 1925, khi mới 20 tuổi, bác Bùi Lâm đã được kết nạp Đảng cộng sản Pháp. Tháng 6 năm 1926, bác được Đảng cộng sản Pháp gửi sang Liên Xô học ở trường đại học Phương Đông. Bác thuộc tầng lớp những người Việt Nam đầu tiên đi học ở trường này. Cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng gian khổ nhưng rất vẻ vang của bác Bùi Lâm trên những cương vị trọng trách được giao bắt đầu sau khi kết thúc khóa học trở về Pháp (tháng 6 năm 1925) và về nước cuối năm 1992.

Cũng như nhiều chiến sỹ lão thành cách mạng khác, bác Bùi Lâm đã bị thực dân Pháp bắt giam, tù đầy và tra tấn dã man trong các nhà tù ở Hải Phòng, Hỏa Lò, Sơn La, Quảng Ngãi, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo nhưng chúng đã không khuất phục được bác và các chiến sỹ cách mạng dũng cảm, kiên cường khác. Tháng 3 năm 1945, bác Bùi Lâm đã vượt ngục để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Bác Bùi Lâm là nhà hoạt động ngoại giao, hoạt động tư pháp lỗi lạc. Trong lĩnh vực tư pháp, bác là người đầu tiên được giao phụ trách Tòa án quân sự đặc biệt thành lập theo Sắc lệnh số 21 ngày 14/02/1946 để kịp thời trừng trị bọn phản cách mạng, bảo vệ chính quyền non trẻ; đồng thời, giáo dục ý thức về tinh thần cảnh giác cho nhân dân.

Có những vụ án quan trọng rất đáng ghi nhớ dưới sự chỉ đạo trực tiếp, rất kiên quyết, kịp thời và xử lý rất đúng đắn, nghiêm minh của bác Bùi Lâm được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đó là việc điều tra, truy tố và xét xử tên Thống, tên này đã cậy quyền, cậy thế, được một số người có chức có quyền bao che, lợi dụng mối quan hệ với nhiều cán bộ cao cấp nên y đã thực hiện nhiều vụ phạm pháp tại bến đò Đoan Vĩ ở tỉnh Ninh Bình, một đầu mối giao thông quan trọng của lực lượng cách mạng trong những năm đó nối liền với Hà Nội với các tỉnh thuộc Liên khu 4 và các tỉnh miền Trung. Tên Thống với biệt danh “Thống nhất sơn hà” đã có nhiều hành động phạm pháp vào năm 1947 như đánh một chiến sỹ Công an trước mặt nhiều người, đâm chết một dân quân là đồng đội của Thống. Được nghe báo cáo tình hình phức tạp ở bến đò, bác Bùi Lâm cùng một số cán bộ cấp dưới đã cải trang làm cán bộ đi công tác đến tận nơi tìm hiểu sự việc. Sau khi “Vi hành” bác Bùi Lâm đã báo cáo rất rõ, cụ thể tình hình và đề xuất với cấp trên phương án giải quyết. Theo kế hoạch đã định, một tiểu đoàn của lực lượng vũ trang đã tổ chức một cuộc tập trận giả tại khu vực bến đò Đoan Vĩ. Các chiến sỹ An ninh được bố trí trà trộn vào hàng ngũ bộ đội đã bất ngờ vào bắt sống tên Thống tại nhà và giải y về Tòa án quân sự Liên khu. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, bất ngờ và kín đáo nên đến hôm sau, chính quyền nhân dân địa phương mới biết. Việc điều tra lập hồ sơ đưa tên Thống ra xét xử gặp rất nhiều khó khăn và áp lực từ nhiều phía, của nhiều cấp. Bác Bùi Lâm đã giám chịu trách nhiệm hoàn toàn về vụ này và chỉ đạo việc tổ chức việc tổ chức phiên tòa xét xử tên Thống. Trước những chứng cứ hiển nhiên không thể chối cãi, trong phiên tòa lưu động, công khai tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, tên Thống đã phải cúi đầu nhận tội và chịu hình phạt cao nhất.

Một vụ án khác liên quan đến cán bộ thoái hóa, biến chất cũng được bác Bùi Lâm trực tiếp chỉ đạo giải quyết rất sâu sát và nghiêm minh. Như nhiều người đã biết, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Nam là cửa ngõ quan trọng vận chuyển nhiều yếu phẩm như thuốc men, quần áo và cả vũ khí qua đây ra vùng giải phóng. Đặng Trần Dương là Trưởng ty Công an Hà Nam trong những năm đó đã tổ chức các vụ chiếm đoạt tiền vàng của Nhà nước và nhận hối lộ. Y còn cho bắt giam người trái pháp luật và tra tấn họ rất dã man. Đặng Trần Dương còn có lối sống sa đọa với gái mại dâm và cả nữ ca phạm. Khi sự việc bại lộ Đặng Trần Dương đã cho đốt sổ sách, giấy tờ để che dấu tội lỗi và đe dọa nhân chứng. Tháng 3 năm 1947, Đặng Trần Dương và đồng bọn đã bị bắt giam. Bác Bùi Lâm đã trực tiếp chỉ đạo cuộc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh Đặng Trần Dương và đồng bọn. Y đã bị Tòa án quân sự Liên khu 3 tuyên phạt tử hình. Bản án đã được thi hành tại sân vận động thị xã Hà Nam trước đông đảo người dân địa phương. Việc giải quyết vụ án được kịp thời, đúng đắn và nghiêm minh đã làm cho những kẻ tham lam, sa đọa run sợ, còn nhân dân thì phấn khởi, tin tưởng nên càng tích cực ủng hộ và hăng hái tham gia kháng chiến.

Năm 1958, khi Viện công tố ra đời, bác Bùi Lâm được Đảng và Nhà nước cử giữ chức Viện trưởng Viện công tố Trung ương. Đến năm 1960, khi thành lập Viện kiểm sát nhân dân thì bác Hoàng Quốc Việt được Quốc hội bầu làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bác Bùi Lâm được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Bungari và sau đó tại Cộng hòa dân chủ Đức. Sau hai nhiệm kỳ làm đại sứ bác Bùi Lâm về nước được Đảng và Nhà nước cử làm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong những năm phục vụ bác Bùi Lâm, anh chị em cán bộ, nhân viên của văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã gặp phải nhiều việc “rắc rối rất khó xử” nhưng qua đó lại càng thấy rõ hơn tấm gương trong sáng tuyệt vời về phẩm chất, đạo đức của vị Lãnh đạo rất đáng tôn kính.

Dưới đây tôi xin nêu lại một vài mẩu chuyện nhỏ về bác Bùi Lâm do anh chị em, cán bộ, nhân viên của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kể lại để bạn đọc cùng suy ngẫm:

ĐỔI GIƯỜNG

Theo chế độ quy định, lãnh đạo Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử một cán bộ phòng quản trị đi mua một cái giường gỗ (giường đôi) mới và chở đến nhà bác Bùi Lâm để thay cái giường gỗ (giường một) bác đang sử dụng. Thấy vậy, bác nói ngay với đồng chí cán bộ quản trị đại ý là “chẳng nhẽ làm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì người to béo ra và béo nặng cân hơn hay sao mà phải đổi giường, đồng chí hãy mang cái giường này về cơ quan để giao cho đồng chí cán bộ nào chưa có thì dùng”. Thế là đồng chí cán bộ buộc phải chở cái giường về cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

ĐỒNG CHÍ ĐỊNH TRẢ CÔNG MẸ TÔI BAO NHIÊU?

Một cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến nhà bác Bùi Lâm đưa một phong bì trong đó có tiền và nói là tiền chi theo chế độ người phục vụ. Bác Bùi Lâm bảo người nhà đừng nhận và nói đại ý là “ Các đồng chí định trả công mẹ tôi chăm sóc tôi bao nhiêu” Đồng chí cán bộ thực thi nhiệm vụ không biết nói gì hơn nên đã xin phép ra về để báo cáo lại với cấp trên của mình.

ĐỒNG CHÍ MUỐN TÔI ĐỐI XỬ VỚI ĐỒNG CHÍ THẾ NÀO?

Trước khi lên xe về Hà Nội trong một chuyến đi công tác xa, dự đoán là sẽ về đến nhà vào lúc chiều muộn nên bác Bùi Lâm đã gọi điện báo về nhà chuẩn bị xuất cơm cho cả đồng chí lái xe. Khi vào đến nhà bác bảo đồng chí lái xe rửa chân tay rổi vào ăn cơm. Đồng chí lái xe ngại không giám vào nên nói khéo rằng ở nhà các cháu cũng chuẩn bị rồi và xin phép bác Bùi Lâm ra về. Bác Bùi Lâm không tin liền lấy xe đạp đến nhà đồng chí lái xe và thấy đồng chí đó đang nhóm bếp nên bác Bùi Lâm nói ngay đại ý rằng “ Đồng chí lái xe đã nói không thật và đồng chí muốn bác đối xử với đồng chí thế nào” lúc đó đồng chí lái xe chỉ biết xin lỗi bác Bùi Lâm và cảng kính phục bác Bùi Lâm hơn.

THƯƠNG CÁN BỘ

Đầu giờ làm việc buổi chiều mùa hè, một cán bộ thấy bác Bùi Lâm ngồi đọc tài liệu ngoài hành lang nên liền vào phòng làm việc của bác xem có chuyện gì. Khi vào phòng đồng chí thấy một cán bộ nằm ngủ trên hai cái ghế  được kê liền lại với chiếc quạt trần đang chạy nên đã gọi dậy rồi ra mời bác vào phòng làm việc. Lúc đó bác nói đại ý là “ Để bác làm việc ở ngoài này cho đồng chí cán bộ ấy nghỉ trong phòng một lát cũng được, chắc đồng chí này vừa đi công tác về mệt lắm vì thấy ba lô đầy bụi bặm để ở góc phòng” bác Bùi Lâm thương cán bộ như thế đó.

Những mẩu chuyện rất nhỏ trên đây là một phần rất ít ỏi trong những chuyện lớn khác đã làm cho nhiều cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân thế hệ đầu tiên nhớ mãi về bác Bùi Lâm.

Thanh Dung (st)