Hà Nội trong mắt cặp bạn đời là Đại sứ Pháp

Ngày đăng : 07:55, 26/01/2020

Khi ông Jean-Noel Poirier đảm nhiệm chức vụ Đại sứ Pháp tại Việt Nam (giai đoạn 2012-2016), thì vợ ông - bà Eva Nguyễn Bình làm Tham tán Hợp tác và Văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam kiêm Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam (2013-2017). Họ đã khiến nhiều người ngạc nhiên, khi ra mắt một bộ phim và một cuốn sách với bối cảnh Việt Nam.

Bù đầu với công việc, ‘’ông Noel’’ làm phim về Hà Nội

Trước khi tới Hà Nội đảm nhiệm chức vụ Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Jean Noel Poirier (nhiều người gọi vui là ‘’ông Noel’’) đảm nhiệm chức vụ Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.Hồ Chí Minh (từ năm 2000 - 2004). Bà Eva Nguyễn Bình (hiện là Đại sứ Pháp tại Campuchia) là người gốc Việt. Trước khi đến Việt Nam, bà công tác tại Đại sứ quán Pháp ở Ấn Độ, Bồ Đào Nha.

Với “ông Noel”, Hà Nội luôn quyến rũ. Rảnh rỗi, ông lại lang thang ra phố, khám phá những bí mật trong các ngóc ngách của Hà Nội - nơi khiến ông “nhớ về Paris của tuổi ấu thơ”. Nhiều người phục vụ các quán phở, quán cà-phê đều quen mặt ông, và không thể ngờ đó là một Đại sứ Pháp. Đôi khi, ‘’ông Noel’’ còn trở thành ‘’hướng dẫn viên du lịch’’ đưa các nhà ngoại giao trong Liên minh Châu Âu bát phố Hà Nội vào lúc rảnh hay dịp Tết cổ truyền của Việt Nam.

Sau những chuyến du hành bình dị đó, những nét duyên ngầm của một thành phố hơn 1.000 tuổi - mà đôi khi chính người Hà Nội lại không để ý đến - đã đọng lại trong Jean Noel Poirier những dư vị ngọt ngào, ông ghi chép tỉ mỉ các chi tiết, câu chuyện với dự định làm một bộ phim về Hà Nội.

Một chiều tháng 7.2017, chúng tôi được mời tới trụ sở Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội dự buổi tọa đàm thú vị với chủ đề “Hà Nội của tôi”. Diễn giả là ông Jean Noel Poirier và nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo - một người Hà Nội gốc.

Nói về tình yêu Hà Nội, Jean Noel Poirier tâm sự: Trong số các thủ đô ở Châu Á, Hà Nội vẫn tồn tại nhiều nét rất riêng về di sản kiến trúc và về cuộc sống của người dân. Hà Nội có những nét duyên ngầm, lạ - đó là những khu phố cổ chật hẹp đan xen đủ kiểu kiến trúc, là các khu tập thể cũ kỹ có từ thời Xô Viết, là các gánh hàng rong, là khu chợ sáng sớm với đủ đầy thức ăn ngon, là việc mưu sinh của người dân gắn với những vỉa hè, là việc “mặc cả” (mà ông gọi là “đàm phán” - theo ngôn ngữ ngoại giao)…

Và rồi, chúng tôi ngỡ ngàng khi Jean Noel Poirier mời xem bộ phim tài liệu dài 52 phút mà ông cùng người anh trai Henzi Louis Poirier vừa hoàn thành, mang tên “Mon Hanoi” (Hà Nội của tôi). Trong bộ phim này, Jean Noel Poirier vừa viết kịch bản, vừa là người dẫn chuyện (bằng tiếng Pháp và tiếng Việt), dẫn dắt người xem khám phá Hà Nội ở mọi khía cạnh - từ văn hóa, ẩm thực, kiến trúc, giao thông, nếp sinh hoạt, những người lao động bình dị… Tất cả đã được thể hiện bằng góc nhìn giản dị, mộc mạc, chân thật, sống động.

‘’Tôi muốn đem đến cho những cư dân của Hà Nội cũng như các người dân Việt Nam, một cái nhìn mới mẻ về vẻ đẹp, sự duyên dáng hiển nhiên của Thủ đô Hà Nội. Khác với Paris - nơi có sự tách biệt rõ ràng giữa vùng trung tâm và ngoại ô, Hà Nội cùng với sự mở rộng không ngừng của thành phố về phía Tây, vẫn có thể thấy một bản sắc và linh hồn của Hà Nội ở những vùng mới mở rộng...” - “ông Noel” chia sẻ. 

Ông Jean-Noel Poirier và vợ - bà Eva Nguyễn Bình.
Ông Jean-Noel Poirier và vợ - bà Eva Nguyễn Bình.

Jean Noel Poirier tặng miễn phí bản quyền bộ phim ‘’Hà Nội của tôi’’ cho Đài Truyền hình Việt Nam trong vòng 2 năm. Phim được chiếu lần đầu trên VTV1 vào tối 8.10.2017, đồng thời trên VTV4 nhân kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10.10). Phim cũng dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 5 ở hạng mục phim ngắn, công chiếu tối 28.10.2018. “Hà Nội của tôi” cũng là tác phẩm duy nhất của người nước ngoài, cùng tập thơ “Ta còn em” của nhà thơ Phan Vũ nhận ‘’Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2018’’ ở hạng mục ‘’Tác phẩm’’.

‘’Nội tướng’’ Eva thầm lặng viết sách

Eva Nguyễn Bình sinh năm 1970 tại Pháp, bố là người Việt, mẹ là người Pháp. Eva từng theo học tại Viện Nghiên cứu chính trị ở Strasbourg (Pháp) và Đại học Georgestown (Mỹ), rồi vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Pháp từ năm 1994. 

Ba của Eva sang Pháp học từ năm 1962, do hoàn cảnh lịch sử, việc liên lạc với gia đình ở Việt Nam bị đứt quãng. Lúc còn trẻ, Eva hay suy ngẫm về nguồn gốc của mình, thường hỏi người cha về Việt Nam, nhưng câu trả lời không nhiều. Cho tới năm 12 tuổi, Eva quyết định tìm hiểu về gia đình mình ở Việt Nam bằng cách đều đặn viết thư cho bà nội khi đó sống tại Sài Gòn, hỏi đủ thứ chuyện. Năm 1999, Eva mới lần đầu tới Việt Nam.

Ban đầu, cha đặt tên bà là Nguyễn Bình Thanh Hương, nhưng do tên dài và khó đọc, nên mẹ đã đổi thành Eva Nguyễn Bình (trong các giấy tờ thường ghi là Eva Nguyen Binh). Hồi còn ở Paris, Eva đã học tiếng Việt, nhưng không có điều kiện thực hành thường xuyên, nên trong thời gian ở Việt Nam, bà cố gắng học lại tiếng Việt. Những lúc rảnh rỗi, Eva rất thích đưa cậu con đi chơi, tìm hiểu văn hóa, phong tục Việt Nam.

Tháng 11.2018, Eva trở lại Hà Nội, ra mắt bản tiếng Việt “Thanh lịch như người Pháp - Hiếu khách như người Việt” - một cuốn sách ghi lại những quan sát tinh tế, pha chút hài hước, đồng thời cũng hết sức trìu mến của bà về những khác biệt trong các cung cách chuẩn mực, nghệ thuật sống và thói quen văn hóa giữa người Pháp và người Việt Nam.

Về “Thanh lịch như người Pháp - Hiếu khách như người Việt”, GS Ngô Bảo Châu nhận xét: “Tác giả Eva Nguyễn Bình từng có thời gian dài sống ở Việt Nam và đặc biệt gắn bó với đất nước này, nên dù phân tích nhiều tình huống trong cuộc sống hằng ngày, mà ở đó thói quen ứng xử của người Pháp và người Việt khác nhau, tác giả, với những quan sát tinh tế của mình, vẫn giữ được góc nhìn khách quan, không định kiến. “Thanh lịch như người Pháp - Hiếu khách như người Việt” thực sự là một quyển sách hữu ích với người trẻ, có khao khát tìm hiểu thế giới, và cả những người không còn trẻ nữa’’.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam - thì bình luận: ‘’Đọc cuốn sách nhỏ gọn này thật thú vị, vì tôi là người Việt đã từng sống, học tập và làm việc nhiều năm ở Paris. Do vậy, tôi hoàn toàn hiểu được cách nhìn ‘’lưỡng thể’’ và mong muốn làm cầu nối giúp cho mỗi bên có thể hiểu cách ứng xử, tập quán sinh hoạt của bên kia, hiểu chứ không nhất thiết đồng tình hay thích thú. Hoàn toàn có thể trao đổi, bình luận, thậm chí tranh luận về cách lý giải hành vị, hiện tượng, nhưng hoàn toàn không thể phủ nhận những hiện tượng, hành vi hay và không hay được tác giả nêu…’’.

laodong.vn