Bài 5: Bảo vệ động vật “Sách Đỏ”: Nghiêm trị buôn bán trái phép

Ngày đăng : 11:44, 05/01/2020

(Kiemsat.vn) - Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng cần có cơ chế giám sát và nghiêm trị các hành vi buôn bán, sát hại động vật hoang dã.
Các loài chim hoang dã được bày bán công khai tại chợ Thạnh Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Để góp phần bảo tồn, bảo vệ các loài động vật “sách đỏ” khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng cũng như góp phần triển khai bảo vệ hiệu quả, vừa qua, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã có công văn số 4351/BTNMT-TCMT đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp rà soát, đánh giá về tình trạng nuôi, trồng các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Nhận diện thực trạng, bổ sung loài cần bảo vệ

Trước thông tin phản ánh thực trạng săn bắt, “ngục tù,” buôn bán, giết hại các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (động vật “sách đỏ”), trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng cần có cơ chế giám sát và nghiêm trị các hành vi vi phạm.

Nhìn nhận ở góc độ đơn vị làm công tác bảo tồn, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng thời gian qua, tội phạm săn bắt và buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã vẫn gia tăng nhanh chóng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng quần thể các loài động vật hoang dã, đẩy nhiều loài nguy cấp của Việt Nam đến bờ vực của sự tuyệt chủng.

Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chức năng cứu hộ 146 cá thể động vật hoang dã, gồm nhiều loài quý hiếm như rùa biển, khỉ, tê tê… Con số này phần nào thể hiện nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn tiếp tục gia tăng, trở thành vấn đề “nóng,” ảnh hưởng đến nỗ lực bảo tồn.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng nhận định Việt Nam là nước có nền đa dạng sinh học cao với hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, đa dạng sinh học đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân trong đó có buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép.

Những cá thể đại bàng non vừa sinh ra đã bị thợ săn đưa đến “địa ngục chợ” vặt lông, thiêu sống… làm mồi nhậu cho thực khách. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Trước thực trạng nêu trên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ lần này bổ sung 16 loài động vật, như: Rùa đầu to, rùa vàng, trĩ sao, rắn hổ chúa, sếu đầu đỏ…, qua đó đưa tổng số loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ từ 83 lên 99 loài.

Chia sẻ rõ hơn về việc bổ sung trên, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho biết trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, định kỳ 3 năm một lần hoặc khi cần thiết, Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

“Việc này không chỉ có giá trị về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa lịch sử mà còn góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm tăng cường công tác quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Luật Đa dạng sinh học 2008,” bà Vân Anh nhấn mạnh.

Siết chặt việc cấp giấy phép nuôi thương mại

Để góp phần bảo tồn, bảo vệ các loài loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức triển khai hoạt động điều tra, đánh giá tình hình quản lý hoạt động nuôi, trồng các loài nguy cấp, quý, hiếm trên phạm vi toàn quốc trong năm 2019 với sự phối hợp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện trạng quản lý các cơ sở gồm: Nuôi, trồng loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; cứu hộ loài hoang dã; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền và cở sở bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; lập báo cáo đánh giá công tác quản lý các loại hình cơ sở nuôi, trồng loài hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Chủ một gian hàng ở chợ Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vô tư rao bán rùa cho khách. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị triển khai lập báo cáo về tình trạng bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; lập báo cáo tổng hợp về tình trạng nuôi, trồng các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm để phục vụ công tác giám sát, quản lý.

Với sự bổ sung loài cần ưu tiên bảo vệ và việc điều tra đánh gia việc gây nuôi thương mại trên, có thể thấy nhận thức, quyết tâm của các cơ quản quản lý nhà nước về môi trường. Đây cũng là giải pháp cần hướng tới để xây dựng hành lang pháp lý nghiêm ngặt hơn nhằm bảo tồn, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Theo bà Bùi Thị Hà, năm 2017, Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2018 là công cụ hiệu quả để răn đe các loại tội phạm. Theo đó, các cá nhân, tổ chức có những hành vi vi phạm pháp luật về động vật hoang dã có thể bị phạt tù lên đến 15 năm; hoặc bị phạt tới 5 tỷ đồng nếu là cá nhân và 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 6 tháng đến 3 năm hoặc vĩnh viễn nếu đối tượng có con dấu pháp nhân.

“Đây thực sự là chế tài nghiêm khắc và cũng là giải pháp cần thiết để giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và thực hiện Công ước quốc tế về bảo tồn các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm,” bà Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần nỗ lực điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép cũng như các hành vi tiếp tay cho các đối tượng vi phạm; gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát cũng như chấm dứt tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm trái phép trên địa bàn; ngăn chặn tội phạm buôn bán động vật quý, hiếm trên mạng internet…

Về lâu dài, bà Hà cho rằng các ngành chức năng cần siết chặt việc cấp giấy phép nuôi thương mại động vật hoang dã; tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức hiểu được việc bắt, bán động vật quý hiếm chính là hủy hoại môi trường sống.

 

Hùng Võ (Vietnam+)