Trao đổi bài viết: Cao Việt B phạm tội cướp tài sản hay Công nhiên chiếm đoạt tài sản?

Ngày đăng : 10:25, 20/12/2019

(Kiemsat.vn) - Cao Việt B không phạm tội cướp tài sản hay Công nhiên chiếm đoạt tài sản mà phạm tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS).

Cao Việt B và ông K đã quen biết nhau từ trước nên khi ông K rủ B về nhà ông K nhậu và B đồng ý. Trong quá trình nhậu ông K lại có hành vi muốn quan hệ tình dục đồng tính với B nên B đã có phản ứng như dùng đá đánh vào đầu, mặt ông K, dùng dao chỉ vào mặt ông K hăm dọa: “tới đây nữa là tao đập đó”. Ông K bị đánh ngã xuống nền nhà và nói “rứa thôi mi đi đi, đừng lấy cấy chi của tau là được”.

Khi B nghe ông K kêu lạnh thì B vẫn lấy cái chăn trên giường đắp cho ông K và B nói đưa ông K đi cấp cứu nhưng ông K không chịu đi. Lúc này B thấy con dao ở trên mâm cơm nên B cầm lấy đứng cách vị trí ông K khoảng 1,5m chỉ về phía ông K và nói “tau chưa chém là may đó”, ông K sợ quá không dám gọi người và cũng không dám chống cự lại. B hăm dọa chưa chém là may, ở đây ý B nói chém là do ông K có hành vi muốn quan hệ tình dục đồng tính với B chứ không phải B hăm dọa chém ông K là nhằm uy hiếp về mặt tinh thần đối với ông K để B chiếm đoạt tài sản của ông K.

Trước khi B dùng dao hăm dọa ông K: “tau chưa chém là may đó” mọi hành vi của B và ông K đều công khai nhưng tài sản của ông K đã cất trong nhà và đã chốt cửa cẩn thận chứ không phải ông K sơ hở trong khâu quản lý tài sản.

Mọi hành động của B không làm cho ông K khiếp sợ nên ông K bảo B: “rứa thôi mi đi đi, đừng lấy cấy chi của tau là được”. Nếu B công khai ra về thì không có sự kiện pháp lý xảy ra, bởi vì tuy giữa B và ông K có xảy ra mâu thuẫn, có lời qua tiếng lại, B có dùng đá đánh ông K nhưng giữa B và ông K vẫn có tình cảm, nghe ông K nói lạnh thì B lấy cái chăn trên giường đắp cho ông K và nói đưa đi cấp cứu nhưng K không chịu đi. B lấy điện thoại của ông K nhằm mục đích không cho ông K điện thoại gọi người khác đến chứ B không hề có ý định muốn chiếm đoạt điện thoại của ông K, nên lấy xong B vứt bỏ điện thoại chứ không chiếm đoạt để sử dụng.

Lợi dụng lúc ông K khiếp sợ không có phản ứng gì thêm, B lại nảy sinh ý định trộm cắp tài sản của ông K nên B lén lút mở chốt cửa nhà trên lấy xe mô tô của ông K ra dựng ngoài sân rồi quay vào lấy tiếp chiếc áo khoác của ông K để trên ghế, đi ra mặc áo khoác vào và điều khiển xe mô tô bỏ chạy.

Sở dĩ hành vi của B không cấu thành tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS hay tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 BLHS là vì hành vi của B không hội đủ các yếu tố theo cấu thành cơ bản theo quy định của các điều luật, cụ thể:  

Điều 168, BLHS có cấu thành cơ bản như sau: “ Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”. Ở đây, Cao Việt B có dùng vũ lực đối với ông K nhưng là nhằm răn đe ông K để chấm dứt hành vi quan hệ tình dục đồng tính chứ B không có ý định dùng đá đánh K để chiếm đoạt tài sản của ông K.

Điều 172 BLHS có cấu thành cơ bản như sau: Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...”. Về mặt khách thể của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản phải thỏa mãn 2 điều kiện đó là công khai và có sự sơ hở quản lý tài sản của chủ sở hữu, trong trường hợp này tài sản (xe mô tô, áo khoác, bộ đồ đi mưa…) ông K đã cất trong nhà và chốt cửa cẩn thận, không có sự sơ hở trong việc quản lý tài sản đối với ông K.

Lợi dụng lúc ông K khiếp sợ, B đã lén lút mở chốt cửa nhà trên lấy xe mô tô của ông K ra dựng ngoài sân rồi quay vào lấy tiếp chiếc áo khoác của ông K để trên ghế, đi ra mặc áo khoác vào (trong áo khoác có 2.000.000 đồng) và điều khiển xe mô tô bỏ chạy. Đến nhà nghỉ tại tỉnh TTH, B đã lấy 2.000.000 đồng trong túi áo khoác và bán chiếc xe mô tô của ông K giá 1.500.000 đồng. Tài sản B lấy công khai như chiếc điện thoại B vứt bỏ chứ không chiếm đoạt, B chỉ chiếm đoạt những tài sản B lén lút lấy của ông K như 2.000.000 đồng, chiếc áo khoác, xe mô tô….

Như vậy, hành vi của B hội đủ các yếu tố theo cấu thành cơ bản quy định tại Điều 173 BLHS như sau:

“Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật”.

Mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản: Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác; lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết. Thể hiện khi ông K bị B đánh ngã xuống nền nhà và ông K nói “rứa thôi mi đi đi, đừng lấy cấy chi của tau là được”, từ đó ông K mất cảnh giác nên B đã lén lút chiếm đoạt tài sản của ông K có giá trị 5.885.000 đồng và 2.000.000 đồng tiền mặt ở túi áo khoác.

Do đó, hành vi của Cao Việt B đã đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS.

Lê Thanh Bình, VKSND huyện Phù Mỹ - Bình Định