Bàn về quy định “Gây thiệt hại cho người khác” trong tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Ngày đăng : 10:24, 05/12/2019

(Kiemsat.vn) - Trong thực tiễn giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; do có các quan điểm và cách xử lý khác nhau trong quy định về “gây thiệt hại cho người khác”.

Nội dung vụ án:

Nguyễn Văn A (sinh năm 1974) thường trú tại xã LC, huyện NC, tỉnh TH, A đã có vợ và 02 con, sau đó A có phát sinh tình cảm với chị Hồ Thị K (sinh năm 1970) thường trú tại xã HK, huyện NC, tỉnh TH (chị K đã ly hôn và sống độc thân). Ngày 08/6/2019 giữa Nguyễn Văn A và chị Hồ Thị K có phát sinh mâu thuẫn do A nghi ngờ K có quan hệ với người khác, khoảng 21 giờ A đến nhà chị K để nói chuyện, trong lúc cãi nhau, A đã dùng dao gọt hoa quả giết chết chị K;  sau đó khoảng 21 giờ 30 phút, A dùng xe ô tô Camry màu đen của chị K (chị K là người đứng tên chủ sở hữu chiếc xe) để chở xác chị K lên thành phố TH. Trong quá trình di chuyển do không làm chủ tốc độ nên chiếc xe ô tô do A điều khiển đã va chạm với 02 chiếc xe ô tô khác đi cùng chiều gây ra thiệt hại là 80.000.000 đồng, đồng thời chiếc xe của chị K do A điều khiển cũng bị thiệt hại là 30.000.000 đồng.

Hiện có hai quan điểm về hành vi phạm tội của A:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Văn A dùng giao giết chị K, do vậy đã phạm tội “Giết người” quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS. Đối với hành vi gây thiệt hại khi tham gia giao thông cho 02 chiếc xe ô tô là 80.000.000 đồng không thỏa mãn quy định tại điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS về “Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”. Do trong cấu thành của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, hành vi gây thiệt hại cho người khác thì chỉ chỉ tính thiệt hại tài sản của 02 chiếc xe bị thiệt hại 80.000.000 đồng, còn thiệt hại chiếc xe của chị K do A điều khiển không được cộng trong tổng thiệt hại do hành vi phạm tội của A gây ra, chiếc xe của chị K do A điều khiển bị thiệt hại A phải có trách nhiệm bồi thường chiếc xe này; vì vậy, Nguyễn Văn A không phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của Nguyễn Văn A phạm hai tội là tội “Giết người” quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS và tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại mục d khoản 1 Điều 260 BLHS. Hành vi giết người của A đã rõ ràng; còn hành vi của A không làm chủ tốc độ và gây ra thiệt hại về tài sản cho 02 chiếc xe ô tô khác là 80.000.000 đồng và chiếc xe do A điều khiển thuộc quyền sở hữu của chị K là 30.000.000 đồng; tổng thiệt hại do hành vi của A gây ra là 110.000.000 đồng, thỏa mãn quy định tại điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS về“Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ, trong cấu thành của tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định hành vi của người tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là thiệt hại cho người khác; vấn đề gây thiệt hại cho người khác hiện đang được hiểu như sau:

Điều 158 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”, chủ sở hữu của tài sản có các quyền: Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản; quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản và quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Như vậy, chủ sở hữu có toàn quyền đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Trong vụ án trên, chiếc xe ô tô Camry đen do chị K làm chủ sở hữu, chị K không giao cho A quản lý, sử dụng chiếc xe này, nên sau khi giết chị K thì A đã tự ý lấy xe đi mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu chiếc xe, hành vi này của A là vi phạm pháp luật, nên việc Nguyễn Văn A gây thiệt hại cho chiếc xe của chị K được xác định là thiệt hại của người khác như quy định trong cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Như vậy, hành vi của Nguyễn Văn A được xác định là phạm hai tội: Tội “Giết người” quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS và tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại mục d khoản 1 Điều 260 BLHS./.

Trần Văn Hùng - Thẩm phán TAQS KV1, QK4