Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Ngày đăng : 17:29, 22/11/2019

(Kiemsat.vn) – Với 91,72% đại biểu tán thành, chiều 22/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Luật gồm 8 chương, 50 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dân quân tự vệ.

Luật quy định nguyên tắc tổ chức, hoạt động của dân quân tự vệ là: Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự chỉ huy cao nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy đơn vị quân đội.

Về vị trí, chức năng của dân quân tự vệ, Luật quy định: Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.

Luật quy định, dân quân tự vệ có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ địa phương, cơ sở, cơ quan, tổ chức. Phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam. Tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật. Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật...

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Theo đó, ngày 28/10/2019, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm là về tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình (Điều 11).

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được tạm hoãn là hộ cận nghèo để tạo điều kiện phát triển kinh tế, tránh nguy cơ xuống hộ nghèo. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định sau khi hết điều kiện tạm hoãn thì công dân phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án Luật chỉ quy định điều kiện tạm hoãn cho từng trường hợp cụ thể; khi không còn đáp ứng điều kiện này thì công dân trong độ tuổi phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định vợ hoặc chồng của người bị nhiễm chất độc da cam, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được tạm hoãn tại điểm b khoản 2, vì họ thường đã trên 60 tuổi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, thực tế vẫn có nhiều công dân bị nhiễm chất độc da cam do hậu quả chiến tranh để lại hoặc di chứng sang các thế hệ sau. Do đó, để bảo đảm công bằng, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự án Luật.

baochinhphu.vn