Nhà nước là một đối tác bình đẳng trong hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp

Ngày đăng : 13:42, 12/11/2019

(Kiemsat.vn) - Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng môi trường thể chế pháp lý hiệu quả, ổn định và thuận lợi cho việc triển khai dự án PPP. Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật tương đối rộng, bao gồm cả các hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công.

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư

Sáng ngày 11/11, theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.

Hợp đồng theo hình thức PPP

Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có hơn 300 dự án PPP đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam, tập trung chủ yếu là hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng và hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông, năng lượng điện và một số lĩnh vực khác. Mặc dù các dự án PPP đã có đóng góp đáng kể trong việc phát triển hạ tầng, nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề dẫn đến việc thực hiện các dự án PPP gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút FDI trong thời gian qua, nhưng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hạ tầng rất hạn chế và phần lớn tập trung trong một số dự án điện và cấp nước.

Trong quan hệ hợp tác PPP, cách thức hành xử của khu vực công sẽ quyết định sự phản ứng và tham gia của khu vực tư nhân. Khu vực tư nhân có quyền quyết định tham gia hay không tham gia dự án PPP. Nếu các chính sách của cơ quan thực hiện dự án khu vực công chưa thật sự minh bạch và chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường sẽ dẫn đến việc nhà đầu tư e ngại, không muốn tham gia.

Do vậy, Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) có điều khoản quy định việc áp dụng điều luật quốc tế trên tinh thần tôn trọng tối đa tài sản của doanh nghiệp, của công dân khi góp vốn đầu tư với Nhà nước theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt, Dự luật cũng quy định rõ: Doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án thì phải hoạt động theo luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chịu sự chi phối của luật pháp Việt Nam. Nếu tranh chấp xảy ra giữa hai bên trong thực hiệp hợp đồng thì cho dù có là cơ quan quản lý nhà nước hay doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân cũng chỉ được xem là một bên đối tác tham gia hợp đồng. Dự luật quy định mở để cho các bên có thể chọn trọng tài kinh tế ở Việt Nam hoặc nước ngoài để giải quyết tranh chấp, bảo đảm sự đồng thuận giữa hai đối tác trong hợp đồng PPP.

Những loại Hợp đồng có thể áp dụng theo hình thức đầu tư PPP

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được xây dựng theo một trong các loại hình thức hợp đồng PPP

Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (Hợp đồng BTO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác.

Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (Hợp đồng BOO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (Hợp đồng BTL) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (Hợp đồng BLT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (Hợp đồng O&M) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.

Theo chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận toàn thể tại Hội trường về dự án Luật này vào sáng ngày 19/11 tới./.

Minh Tú