Ai “bảo kê” cho nạn buôn bán động vật hoang dã tại ĐBSCL?

Ngày đăng : 11:20, 07/11/2019

(Kiemsat.vn) - Bài 2 – Động vật quý hiếm được buôn bán công khai, vai trò lực lượng Kiểm lâm ở đâu?

Hàng ngàn cá thể động vật quý, hiếm như rùa nước ngọt, rắn, chim… đang hàng ngày, hàng giờ được bày bán công khai, thách thức pháp luật ở một số tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì chủ cửa hàng nhanh chóng cất giấu, khi cơ quan chức năng rời đi lại ngay lập tức trưng ra. Phải chăng thông tin kiểm tra đã được báo trước? Ai đang “bảo kê” cho những hành vi sai phạm trên?

Rùa núi vàng được bày bán công khai ở chợ Nông sản Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Rùa núi vàng thuộc nhóm IIB trong Nghị định 32/2006 NĐ-CP, trong sách đỏ Việt Nam thuộc nhóm có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên.

Hàng ngàn cá thể rùa, rắn, chim… bày bán tại Chợ nông sản

Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có mặt tại khu vực Chợ nông sản Thạnh Hóa (Chợ chim Thạnh Hóa), tỉnh Long An để mục sở thị chợ chim nổi tiếng với hàng ngàn cá thể thuộc nhiều loại chim khác nhau. Đặc biệt tại đây có loài cò ốc, loài chim là nhân vật chính trong phim “Khi cò ốc trở về” của Đài PT-TH Đồng Tháp. Câu chuyện “khi đàn cò ốc trở về” giúp nông dân diệt ốc bươu phá hoạt mùa màng, với những hình ảnh đàn cò ốc bay thẳng cánh trên cánh đồng lúa xanh mướt… đã được trao giải nhất Liên hoan phim về môi trường tại Hà Nội đầu năm 2018.

Vậy mà giờ đây, trước mắt chúng tôi là hàng chục cá thể cò ốc bị nhốt trong lồng sắt, bị vặt lông khi còn đang sống, bị băng dính cuốn quanh thân, bị buộc mỏ, thậm chí bẻ cánh nằm lăn lóc trong các cửa hàng buôn bán chim.

Cò bị giết rồi bày bán ở chợ Nông sản Thạnh Hóa.

Chưa hết, tại khu chợ “có một không hai” ở miền Tây này, những chú chim non đủ loại từ chim cắt, gà nước, đại bàng…còn đỏ hỏn, thân hình lúc nào cũng run lên sự sợ hãi vì bị bắt từ tổ khi chúng đang được bố mẹ chăm sóc để đem ra giữa khu chợ đông đúc bày bán, làm mồi nhậu. Hay những “chùm” chim cút bị vặt lông sống cố gắng dãy dụa trên tay con người kêu lên thảm thiết. Những con cò bị khâu mắt, dãy đành đạch khi bị sức nóng của ngọn lửa từ chiếc bình ga mini phun vào người… Tất cả những ám ảnh đó khiến ai từng đến đây chứng kiến đều không khỏi giật mình kinh hãi.

Ngoài chim ra, rắn cũng vô kể. Vào mỗi buổi sáng từng chiếc ô tô tải ùn ùn kéo đến với những thùng xe bịt kín chở đầy rắn, từ những loại rắn thông thường đến rắn hổ mang chúa nặng vài kg cũng được bày bán công khai ở chợ như chốn không người, bất chấp luật pháp cấm, và sẽ bị xử lý hình sự, phạt tù khi bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ.

Nhiều loại rùa quý được bày bán trong khoảng 10 gian hàng ở chợ Nông sản Thạnh Hóa với khoảng 200 cá thể các loại.

Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 10, nhóm phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường chỉ cần dạo một vòng đã chứng kiến khoảng 10 gian hàng có bày bán các loại như rùa ba gờ, rùa răng, rùa hộp lưng đen, rùa núi vàng, ba ba, cua đinh… với số lượng khoảng 200 cá thể, trong đó cá cá thể rùa nặng tới 15kg, tất cả đều được nhốt chồng lên nhau trong lồng sắt hoặc đậy kín trong những chiếc lu đựng nước. Vì đây là khu chợ nên ai cũng có thể mua, mà mua động vật nào cũng được.

Ngoài ra tại chợ còn có kỳ đà, chồn, các loại chim lớn như đại bàng, giang sen,… với số lượng không thể đếm được trong khoảng 40 gian hàng bày bán liên quan đến động vật hoang dã ở chợ chim nổi tiếng nhất Việt Nam này. Chỉ ít ngày có mặt ở đây chúng tôi đã chứng kiến hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc mua bán, có những lô hàng lên đến trăm cá thể chim để tỏa đi các nơi, các nhà hàng trên khắp cả nước, có cả người từ Trung Quốc sang để tìm mua hàng…

Có những cá thể rùa răng lớn nặng tới 15kg.

Động vật quý hiếm buôn bán công khai, Kiểm lâm làm gì, ở đâu?

Quá xót xa trước những hình ảnh hiện ra công khai trước mặt, sự vô cảm và thách thức pháp luật của một số người dân. Ngay lập tức nhóm phóng viên đã chủ động liên hệ với lãnh đạo Chi cục kiểm Lâm các tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Long An.

Khi thông tin, hình ảnh được chuyển đến Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, vị Chi cục trưởng cho biết: “Sáng mai chúng tôi sẽ cho anh em kiểm tra các địa điểm mà phóng viên thông tin”.

Sáng hôm sau phóng viên nhận được thông tin: “Một số điểm mà phóng viên chia sẻ anh em Kiểm lâm đi kiểm tra nhưng không thấy gì. Kiểm lâm tỉnh đã lên kế hoạch kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh, khi có kết quả sẽ thông tin lại cho anh em” – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Tháp cho biết.

Trong khi đó, tại Long An, sau khi phóng viên liên hệ trao đổi qua điện thoại với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông nói: “Các anh liên hệ với Hạt kiểm lâm sở tại”. Tuy nhiên phóng viên nhiều lần gọi điện cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thạnh Hóa nhưng không ai nghe máy. Quá bức xúc trước sự thiếu hợp tác của cơ quan Kiểm lâm tỉnh Long An và huyện Thạnh Hóa, nhóm phóng viên đã trao đổi thông tin với lãnh đạo Cục Kiểm lâm.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đi kiểm tra khu chợ khi nhận thông tin phản ánh. Tuy nhiên việc này chỉ diễn ra chưa đầy 03 phút.

Một thời gian ngắn sau khi cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin, phóng viên nhận thấy những chủ cửa hàng bán rùa, rắn, chim quý hiếm nhanh chóng xách những lồng đựng động vật cất kín vào bên trong cửa hàng. Chỉ vài phút sau, hai cán bộ Kiểm lâm huyện Thạnh Hóa ngồi trên chiếc xe máy đi một vòng quanh khu chợ để hỏi han, tâm sự cùng những người bán hàng rồi ra về mà không có bất cứ hành động nào kiểm tra.

Tiếp đó phóng viên nhận được thông tin từ Chi cục kiểm lâm Long An là: “Đã cho anh em kiểm tra nhưng không thấy gì cả”. Ngay trong thời điểm trao đổi với phóng viên thì những người bán hàng đã mang rùa, rắn ra bày bán trước mặt.

Lồng sắt nhốt rùa được chủ cửa hàng cất giấu vào bên trong trước khi lực lượng Kiểm lâm đến kiểm tra.

Sau khi nghe phóng viên chia sẻ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thạnh Hóa Nguyễn Văn Sung cho rằng: “Do anh em quen mặt nên họ biết, đến là họ cất hết, nếu mặc thường phục đến mà kiểm tra họ thì sợ họ đánh. Tôi sẽ cho anh em đến phối hợp với các anh đi kiểm tra lần nữa”. Tuy nhiên nhóm phóng viên đợi khoảng 30 phút sau không thấy bất cứ lực lượng kiểm lâm nào đến, trao đổi lại thì vị Hạt trưởng nói: “Anh em về nấu cơm ăn ở trụ sở hết rồi”, dù khi trao đổi mới hơn 11h trưa.

Vậy là việc buôn bán lại ngang nhiên diễn ra, cơ quan chức năng kiểm tra thì không phát hiện gì. Thế nên, hàng ngày, hàng giờ, hàng ngàn cá thể rùa, rắn, chim… đã bị giết bởi chính sự thờ ơ của cơ quan chức năng có liên quan.

Mỗi ngày trôi qua, rất nhiều động vật hoang dã bị giết ở khu chợ Nông sản Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

Cỗ máy xay thịt động vật hoang dã” là cái tên được nhiều người ví von khu chợ nông sản Thạnh Hóa này. Và hiển nhiên rằng, ngày nào các gian hàng buôn bán động vật hoang dã còn hoạt động mà không bị xử lý, hay dẹp bỏ thì mỗi ngày trôi qua sẽ có bao nhiêu cá thể động vật hoang dã bị “ngục tù” và “giết thịt” trong cỗ máy đáng sợ này…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường ghi nhận tại Chợ nông sản Thạnh Hóa ngày 28/10/2019:

 

Theo Bảo vệ rừng và môi trường