Bàn về một số vướng mắc về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

Ngày đăng : 14:26, 06/11/2019

(Kiemsat.vn) - Ngày 13/09/2019, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã ban hành công văn số 212/TANDTC – PC thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong xét xử tại phiên họp trực tuyến ngày 29/7/2019; trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích và đưa ra các ý kiến bàn về nội dung giải đáp vướng mắc về tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015

Thời gian qua, hoạt động cho vay nặng lãi của các nhóm tội phạm có những diễn biến phức tạp. Số vụ án được phát hiện ngày càng có quy mô lớn, diễn ra trên phạm vi rộng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nhiều nhóm đối tượng thành lập các “công ty tài chính” trá hình, thậm chí ứng dụng internet, mạng xã hội,ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và lôi kéo “khách hàng”. Kèm theo những hoạt động cho vay nặng là những hoạt động tội phạm khác nhằm mục đích thu hồi nợ của người vay như hành hung, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người nếu người vay không trả được nợ... Các hoạt động cho vay nặng lãi đang là vấn nạn nhức nhối cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an, an toàn công cộng của người dân.

Để kịp thời đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh xã hội, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định của BLHS năm 1999 về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" để phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 trong thực tế áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập dẫn đến các quan điểm và cách áp dụng pháp luật giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa được thống nhất.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn đó, vừa qua, ngày 29-7-2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã tổ chức phiên họp trực tuyến để giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, hành chính, dân sự và kinh doanh, thương mại. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, TANDTC đã có công văn số 212/TANDTC – PC ngày 13/09/2019 (Sau đây gọi là Công văn 212) thông báo kết quả giải đáp nghiệp vụ, trong đó vướng mắc về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã được giải đáp tại Điều 1, Mục 1 của Công văn. Nội dung giải đáp của TANDTC đã phần nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015.

Về cách xác định khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự:

Nội dung Công văn 212 đã chỉ rõ: Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là khoản tiền lãi thu được sau khi trừ đi tiền lãi theo quy định của BLDS năm 2015 mà không phải là tổng số tiền lãi thu được từ khoản cho vay. Luận điểm được đưa ra: Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015  thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay...”. Do đó, khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định của BLDS năm 2015.

Tác giả thống nhất với quan điểm trên trong Công văn 212, đồng thời đề nghị xem xét, bổ sung thêm nội dung: Đối với hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng, pháp luật cho phép các chủ thể tham gia hợp đồng vay được thỏa thuận mức lãi suất tối đa là 20%/năm. Trong trường hợp lãi suất theo theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại Khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Quy định này đã được hướng dẫn chi tiết tại Điều 9 Nghị quyết số 01/NQ – HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Như vậy, đối với hợp đồng vay tài sản thì mức lãi suất trong các quy định của pháp luật, do đó không thể xác định số tiền lãi này được tính trong phần “thu lợi bất chính” để xác định trách nhiệm hình sự.

Nội dung giải đáp của Công văn 212 cũng xác định: Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS năm 2015. Các cơ quan tiến hành tố tụng nên lưu ý tham khảo các nội dung giải đáp này để giải quyết triệt để vụ án.

Về tư cách tham gia tố tụng của người vay tiền trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 thì người vay tiền trong trường hợp này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà không phải với tư cách là bị hại.

Như vậy, có thể thấy quan điểm của Công văn 212 là phù hợp với quy định của pháp luật hình sự. Ngoài ra, cần bổ sung thêm một số luận điểm sau: Trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, người vay đã tự nguyện xác lập giao dịch dân sự trái pháp luật, chấp nhận mức lãi suất và số tiền lãi phải trả theo thỏa thuận với người cho vay. Do đó, người vay cũng có một phần lỗi trong giao dịch trên và số tiền lãi người vay phải trả không thể được xem là tài sản bị tội phạm chiếm đoạt, mà phải được xem là khoản thu lợi bất chính do phạm tội mà có. Do đó, người vay tiền không phải là bị hại trong vụ án mà sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Bên cạnh những nội dung trên, một số nội dung khác của Công văn 212 về áp dụng pháp luật khi xử lý tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, theo quan điểm cá nhân của tác giả vẫn còn một số bất cập khi áp dụng trong thực tiễn, cần nghiên cứu, bổ sung như sau:

Về áp dụng pháp luật để xử lý khoản tiền thu lợi bất chính từ việc cho vay lãi nặng

Công văn 212 đưa ra quan điểm: Theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015 thì: “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Do đó, khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Nội dung trả lời trên của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao còn bất cập so với với quy định của BLHS năm 2015. Điều 46 quy định về các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội bao gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; Bắt buộc chữa bệnh. Trong khi đó, quy định tại  điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015 thì vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội phải bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 47 và khoản 1 Điều 48 BLHS năm 2015 thì vật, tiền, tài sản chỉ được trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu vật, tiền đó bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép.

Mặt khác, như đã phân tích ở trên, trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, người vay có một phần lỗi khi tự nguyện xác lập giao dịch dân sự trái pháp luật, do đó số tiền lãi người vay phải trả không thể được xem là tài sản bị tội phạm chiếm đoạt.

Từ các căn cứ trên có thể thấy: Điều 201 BLHS năm 2015 đã xác định rõ về khoản tiền lãi thu lợi bất chính là một tình tiết định tội, định khung hình phạt, do đó khoản tiền này phải bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước mà không phải trả lại cho người vay.

Về xử lý đối với khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay (tiền gốc) và khoản lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm

Quan điểm trong Công văn 212 khi xác định khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Tuy nhiên, giải đáp về xử lý đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm, nội dung Công văn 212 cho rằng: Tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước khoản tiền này.

Luận điểm nêu trên chưa thực sự thuyết phục, bởi lẽ: Công văn 212 xác định khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm không phải là khoản thu lợi bất chính, đồng thời cũng không xác định số tiền này là phương tiện phạm tội. Như vậy, đối chiếu với quy định tại Điều 47 BLHS năm 2015 thì đây không thuộc trường hợp bị tịch thu sung công quỹ.

Một số luận điểm trong nội dung giải đáp vướng mắc như: “khoản tiền này là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm…”  để xác định“Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước khoản tiền này” cần xem xét căn cứ pháp luật đảm bảo vững chắc, phù hợp với tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013.

Theo tác giả, việc xử lý đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20% sẽ được căn cứ vào từng trường hợp trong thực tế giải quyết vụ án. Nếu trong quá trình giao dịch, nếu người vay đã trả đủ tiền gốc, tiền lãi hoặc đang trong quá trình trả lãi, gốc mà chưa phải chịu lãi phạt thì không xác định số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20% là khoản thu lợi bất chính để tịch thu sung ngân sách nhà nước, nhưng có thể áp dụng khoản 3 Điều 201 để phạt tiền đối với người phạm tội.

Còn nếu trong trường hợp người vay lãi nặng chưa trả đủ gốc, lãi hoặc đã trả đủ nhưng trước đó phải chịu lãi phạt thì có thể xác định số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20% là phương tiện phạm tội, bởi lẽ số tiền lãi phạt chậm trả cũng sẽ được tính dựa trên số tiền tương ứng với mức lãi suất 20% này. Do đó, trong trường hợp này, Tòa án cần phải tuyên tịch thu sung ngân sách nhà nước đối với khoản tiền trên.

Như vậy, có thể thấy công văn số 212/TANDTC – PC ngày 13/09/2019 của TANDTC đã giải quyết được phần lớn những vướng mắc về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thời gian qua. Tuy nhiên, trong thực tế việc xử lý tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự vẫn còn những vướng mắc, bất cập, cần được tiếp tục nghiên cứu để bổ sung và hoàn thiện, giúp cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất./.

Nguyễn Thành Chung, VKSND TP. HN