ĐBQH: Cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu

Ngày đăng : 08:17, 31/10/2019

(Kiemsat.vn) - Trong hai ngày 30 và 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 đã đạt được những chuyển biến tích cực

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành Phiên thảo luận

Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội khi cho rằng: Trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 nước ta đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát của Quốc hội đề ra. Theo đó, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu (07 chỉ tiêu ước đạt và 05 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch) Quốc hội giao; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3%, bội chi ngân sách đạt 3,4%, thất nghiệp dưới 4%.

Để tiếp tục duy trì những thành tựu, kết quả đạt được và bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: Về bất cập trong công tác xây dựng pháp luật ở một số lĩnh vực còn thiếu tính đồng bộ; vấn đề tăng trưởng kinh tế chưa phát triển theo chiều sâu; về những khó khăn, rào cản cho phát triển nông nghiệp; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư ở một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển; vấn đề phát triển khu vực kinh tế tư nhân, các hộ kinh doanh, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia vào các lĩnh vực độc quyền của Nhà nước như xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…; cơ chế đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; vấn đề ưu tiên đầu tư dự án cơ sở hạ tầng kết nối giữa miền núi và đồng bằng; vấn đề nguy cơ, sự thiếu an toàn tại các cơ sở y tế; xây dựng cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập; tình trạng ô nhiễm môi trường, quá tải trong khai thác nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước, không khí; tăng cường biện pháp giảm tai nạn giao thông; quản lý chặt chẽ việc cấp phép, phát hành các ấn phẩm du lịch, điện ảnh; xem xét lại công tác tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia; về môi trường xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân; xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp; phát triển văn hóa bền vững, phát huy vai trò làm chủ của người dân; quản lý thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội; sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% vào năm 2020 trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có thể tới ngưỡng suy thoái toàn cầu và đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động để ứng phó với tình trạng này.

Các đại biểu cũng cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu cho rằng chính sách thu ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, việc mở rộng cơ sở thuế chưa đạt yêu cầu; chưa có công cụ hữu hiệu để tránh thất thu ngân sách nhà nước; việc rà soát các ưu đãi thuế chưa được thực hiện; việc ban hành các văn bản dưới luật thực hiện Luật thuế chưa đầy đủ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thuế chưa thống nhất…

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”

Tham gia phát biểu tại Hội trường, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng kinh tế chúng ta phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”. Ông cho rằng, để tìm được căn nguyên của vấn đề này thì cần nhìn lại cả quá trình phát triển.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu tại Hội trường

Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000. Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm (2017 khoảng cách là khoảng 8.300; 18 khoảng 8.400). Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn.

30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… “hóa rồng, hóa hổ” còn chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Số liệu cho thấy, chúng ta đang tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế. Nguy cơ này Đảng đã chỉ ra từ nhiều năm trước, nhưng vẫn là nguy cơ thường trực, khó khắc phục, cần có đột phá để thay đổi. Đồng thời, nếu không khắc phục được bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo, thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Và thực ra cùng thời kỳ phát triển, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc bình quân từ 8 đến 10%/năm.

Ngoài ra, tại Phiên thảo luận, đại biểu Tô Văn Tám- Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum và một số đài biểu cũng quan tâm và đề nghị Chính phủ có kế hoạch nâng nâng cao năng suất lao động bằng việc đào tạo chất lượng nguồn lao động và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao tỷ lệ qua đào tạo, nhằm tăng năng suất lao động.

Các ĐBQH thảo luận tại Hội trường trong hai ngày 30, 31/10/2019

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân- Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ, nêu rõ, trong báo cáo của Chính phủ có đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, theo đó: dự báo chính xác khí tượng thủy văn nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, nước biển dâng, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ phòng chống thiên tai; Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, chuẩn bị sẵn sàng các phương án và điều kiện vật chất cho phòng chống lụt bão, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhóm giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên trên thực tế, những kết quả này cón rất khiêm tốn mà Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng; tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô và diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm. Do đó, đề nghị Chính phủ phải có tổng kết cụ thể về tình trạng này để khẩn trương khắc phục. Đồng thời, năm 2019 Chính phủ đã ký quyết định thành lập vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long với kỳ vọng thúc đẩy kinh tế vùng này, tuy nhiên hiện tăng trưởng kinh tế của vùng còn rất thấp. Do đó kiến nghị Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm của vùng như nông nghiệp công nghệ cao, giao thông cảng biển, logistics…

Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Minh Tú