Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Ngành kiểm sát nhân dân

Ngày đăng : 10:55, 30/10/2019

(Kiemsat.vn) - Viện kiểm sát nhân dân là một trong những cơ quan trọng yếu của hệ thống chính trị, nên Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao luôn xác định công tác xây dựng đảng, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Hiện nay, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức gồm 04 cấp kiểm sát; các Tổ chức cơ sở đảng trong ngành Kiểm sát nhân dân được xây dựng theo cấp kiểm sát và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, cấp ủy cùng cấp: Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương; các Viện kiểm sát nhân dân địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) trực thuộc cấp ủy cùng cấp. Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao là Đảng bộ cấp trên cơ sở có 29 tổ chức đảng trực thuộc gồm 4 đảng bộ cơ sở, 5 chi bộ cơ sở và 20 chi bộ trực thuộc. Tỷ lệ đảng viên chiếm trên 80% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan.

Thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành và đạt được nhiều kết quả, thành tích trên tất cả các lĩnh vực công tác về chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng Đảng và xây dựng Ngành, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ công lý và phục vụ nhân dân.

Xác định công tác xây dựng đảng, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo phổ biến, quán triệt đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng nhất là về phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nhiều biện pháp nhằm thực hành quyền công tố và kiểm sát tốt việc giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố tội phạm về tham nhũng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về án treo; báo cáo về những trường hợp đề nghị cho bị cáo hưởng án treo, kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khi xét xử cho bị cáo mức án thấp hơn; kiên quyết kháng nghị đối với các bản án tuyên xử cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ và mức án nhẹ trái quy định của pháp luật,... thể hiện sự nghiêm minh và quyết tâm cao của ngành Kiểm sát trong đấu tranh với tội phạm về tham nhũng.

Ngành kiểm sát nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố và xét xử những vụ án về tham nhũng, kinh tế chức vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ. Tăng cường phát hiện, điều tra, xử lý một số vụ án liên quan đến vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tố tụng dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, qua đó góp phần tích cực bảo vệ quyền con người, quyền công dân và xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo Nghị quyết của Quốc hội. Ban hành văn bản về tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; các kháng nghị, kiến nghị ban hành trong lĩnh vực tư pháp tăng về số lượng, chất lượng, đảm bảo về hiệu lực và hiệu quả; chú trọng các công tác tổng kết rút kinh nghiệm, phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm cả về hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án đã có hiệu lực pháp luật, tổng hợp, quản lý, báo cáo tình hình vi phạm pháp luật....

Công tác đàm phán, xây dựng các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự đạt kết quả tích cực; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xây dựng pháp luật và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.Viện kiểm sát nhân dân tối cao trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Công tố viên quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ và công tác đào tạo, bồi dưỡng của Ngành. Xây dựng hệ thống truyền hình trực tuyến từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến 800 điểm cầu trong toàn Ngành ở cả 4 cấp kiểm sát; ứng dụng nhiều phần mềm về công tác quản lý cán bộ, công chức; theo dõi, quản lý án và thống kê tội phạm; chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành được nâng lên.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã sớm triển khai, cụ thể hóa bằng nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của đơn vị, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt cán bộ, đảng viên trong toàn Ngành đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng phong cách làm việc khoa học, nền nếp, đúng quy trình công tác; thực hiện lối sống giản dị, lành mạnh, thẳng thắn, trung thực với đồng chí, đồng nghiệp, nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, lắng nghe, tôn trọng và đồng cảm với nguyện vọng của nhân dân. Tích cực đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức và của công dân; kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực trong thực thi công vụ.

Thực hiện cải tiến, đổi mới trong công tác thi tuyển công chức, các chức danh tư pháp, tổ chức rút kinh nghiệm các kỳ thi để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác này và tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong năm tiếp theo. Chủ động chỉ đạo chấn chỉnh công tác bảo mật và phòng ngừa việc lộlọt thông tin có thể dẫn đến tiêu cực, tiếp tay cho đối tượng bên ngoài, ngăn chặn việc chạy án, giảm án. Chỉ đạo nghiêm cấm việc tranh thủ quà cáp, biếu xén khi xem xét đề bạt, bố trí cán bộ; thống nhất chủ trương mạnh dạn bố trí cán bộ khi có yêu cầu, đồng thời tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chủ động, tăng cường công tác thanh tra, đặc biệt là thanh tra đột xuất, bước đầu có hiệu quả tích cực, đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý các vụ việc sai phạm, xử lý nghiêm, kịp thời, không sợ mất thành tích của đơn vị.

Để thực hiện tốt hơn nữa các văn bản lãnh đạo, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, toàn Ngành kiểm sát nhân dân đã xác định một số những biện pháp góp phần phòng ngừa, ngăn chặn những dấu hiệu suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ trong thời gian tới như sau:

Một là, thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết Kết luận, Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, đảm bảo thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Ngành. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nhất là tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diến biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ;

Hai là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, xác định đây là nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là công việc tự giác, là nội dung sinh hoạt thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; gắn với thực hiện các cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát nhân dân. Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng hằng năm với phương châm Đoàn kết- Đổi mới- Chất lượng, hiệu quả- Hướng về cơ sở.

Ba là, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo sự chuyển biến về chất lượng hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng. Xây dựng đội ngũ đảng viên, công chức viên chức Ngành kiểm sát nhân dân thật sự tiên phong, gương mẫu, có trách nhiệm cao trong công việc, có phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Bốn là, chỉ đạo tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, chi bộ. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tham nhũng, lãng phí; người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị mình trực tiếp quản lý.

 Năm là, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược của Ngành, đảm bảo chủ trương cơ cấu người đứng đầu viện kiểm sát nhân dân tham gia cấp ủy đảng cùng cấp, đảm bảo vị thế chính trị để thực hiện vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời đảm bảo Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng của dân, do dân, vì dân./.

Ngô Diệu Hiền, Văn phòng BCS Đảng VKSND tối cao