Nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Ngày đăng : 10:28, 28/10/2019

(Kiemsat.vn) - Đảng ta xác định “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng"

Một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp trong thời gian tới đã được Đảng ta xác định là “Đổi mới hệ thống tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm cải cách hoạt động xét xử là trọng tâm của cải cách hoạt động tư pháp; mở rộng thẩm quyền xét xử của toà án đối với các khiếu kiện hành chính. Viện kiểm sát được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức toà án, bảo đảm tốt hơn các điều kiện để viện kiểm sát nhân dân thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra... Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp. Tăng cường các cơ chế giám sát, bảo đảm sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp”.

Trước yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát theo yêu cầu của cải cách tư pháp, việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, trong đó có đội ngũ Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trong sạch, có phẩm chất, năng lực nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm sát là một nội dung rất quan trọng và cấp thiết.

Việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên là một nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết của công cuộc cải cách tư pháp, mà trong đó, đổi mới tổ chức bộ máy, đổi mới con người là một trong những nội dung trọng tâm, cũng như phù hợp với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được ban hành năm 2014. Mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát là: Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát trong sạchtrung thành với Đảng, tận tụy với công vụ, có đức tính “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm sát cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng đối với công tác cán bộ, giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, trên cơ sở phát huy vai trò người đứng đầu. Có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác cán bộ với công tác tư tưởng, công tác tổ chức với công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tỉnh ủy. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Ngành triển khai thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ.

Thứ hai, thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch lãnh đạo quản lý hai cấp giai đoạn 2016-2021 và 2021-2026; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ; kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp qua đánh giá không có khả năng phát triển hoặc sau khi quy hoạch nhưng không phát huy được. Đồng thời gắn công tác quy hoạch với luân chuyển, đào tạo cán bộ; xây dựng kế hoạch luân chuyển đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ trong nguồn quy hoạch. Đẩy mạnh công tác luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn nhằm tạo nguồn lãnh đạo quản lý có chất lượng cho trước mắt cũng như lâu dài.

Thứ ba, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, Kiểm sát viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành tạo điều kiện cho cán bộ giỏi một lĩnh vực, biết nhiều lĩnh vực; đồng thời kết hợp chuyển đổi vị trí công tác với đào tạo cán bộ nhằm khắc phục hạn chế sức ỳ cán bộ ở lâu tại một vị trí, một lĩnh vực, đơn vị công tác, tạo điều kiện cho cán bộ thay đổi môi trường công tác, được tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Thứ tư, xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Có đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tốt mới có đội ngũ cán bộ có chất lượng, có năng lực, đủ bản lĩnh để đảm nhiệm công tác được giao. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là đào tạo tại chỗ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên.

Theo đó Lãnh đạo các đơn vị cấp huyện và cấp Phòng phân công Kiểm sát viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn nghiệp vụ cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên mới được bổ nhiệm, chuyên viên mới được tuyển dụng theo hình thức cầm tay chỉ việc để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện kỹ năng nghề cho đội ngũ cán bộ trẻ. Thúc đẩy phong trào tự học tập, tự nghiên cứu, trao đổi kỹ năng nghiệp vụ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” do Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát động gắn với thực hiện tốt phong trào thi đua do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phát động “Trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc, gương mẫu, đúng mực trong cuộc sống”.

Năm là, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, chỉ có đánh giá đúng, thực chất cán bộ mới bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý nhằm phát huy năng lực của cán bộ. Đánh giá cán bộ là yếu tố thường xuyên trong quá trình quy hoạch, luân chuyển, đào tạo và bố trí sử dụng cán bộ. Phải lấy hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ, làm thước đo chủ yếu đánh giá cán bộ. Thực hiện mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá. Đối với lãnh đạo quản lý phải xem xét kết quả chỉ tiêu công tác của đơn vị, lĩnh vực được phân công phụ trách để đánh giá, nhất là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Thực hiện việc đánh giá đúng năng lực, sở trường của từng cán bộ một cách công tâm, công bằng giúp cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ phát huy được sở trường của mình từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ Kiểm sát thật sự trong sạch, vững mạnh cần phải có sự đổi mới toàn diện, sâu sắc trên tất cả các khâu công tác: Tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ,  thực hiện chính sách cán bộ... Đây là công việc khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực chung của các các cấp ủy Đảng, các ngành, các cấp. Quán triệt các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và về công tác cán bộ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chúng ta tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ kiểm sát của ngành Kiểm sát nhân dân sẽ ngày càng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Phòng 15, VKSND tỉnh Hưng Yên