ĐBQH: Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cần học tập Ba tiêu chí tìm người hiền tài của Bác Hồ
Ngày đăng : 17:02, 24/10/2019
Tranh luận về định nghĩa “người có tài năng trong hoạt động công vụ”
Đề cập tới vấn đề chính sách đối với người có tài năng quy định tại điều 6 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: Về chính sách đối với người có tài năng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, người có tài năng nói chung là một khái niệm rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau. Vì vậy, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong Luật này là khó khả thi. Trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức, xin Quốc hội cho bổ sung khái niệm “người có tài năng trong hoạt động công vụ” và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.
Vấn đề đưa ra đã nanh chóng làm nóng nghị trường với nhiều Đại biểu Quốc hội đăng ký tranh luận. Đại biểu Dương Trung Quốc nêu vấn đề, luật pháp phải gắn với ngôn ngữ và thể hiện chính xác khái niệm. Chữ nhân tài nên hiểu là năng lực của mỗi con người, như người xưa nói dụng nhân như dụng mộc - tức là dùng đúng người đúng chỗ. "Bộ máy công quyền rất cần những người có năng lực. Còn hiểu nhân tài là xuất chúng, kiệt xuất, thiên tài thì không nằm trong phạm vi của Luật này. Một công chức khó có thể phát hiện ra điều gì kiệt xuất, vì họ phải thực hiện theo luật pháp, theo quy trình rõ ràng", ông Quốc nói. Liên hệ với thực tế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, ngày nay đánh giá con người phải thể hiện ở chính sách đãi ngộ, còn trước đây có những giá trị lớn hơn tiền bạc, đó là lòng yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời được nhiều nhân sĩ trí thức vào Chính phủ. Họ được đào tạo ở chế độ cũ nhưng sẵn sàng hy sinh vật chất để đóng góp cho đất nước.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) |
Từ bài học chọn nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, xưa kia Bác Hồ căn cứ theo ba tiêu chí. Một là, hỏi bạn học xem người ấy có giỏi không, những người mà cạnh tranh thừa nhận người ấy giỏi là người ấy giỏi. Hai là, hỏi hàng xóm xem người ấy có hiếu nghĩa với cha mẹ, hiếu lễ với anh em, có tình nghĩa với hàng xóm không? Nếu có - người ấy là người có đức. Ba là, vấn đáp xem người ấy hiểu biết về tình hình thế giới, chính sự thế nào, lòng dân ra sao; giao trọng trách có đảm nhận được không, nếu như hoàn thành người ấy là người có tài. Ba tiêu chí của Bác Hồ chính là 3 tiêu chí hiền tài mà chúng ta cần. Thế hệ cán bộ do Bác lựa chọn cũng chính là thế hệ cán bộ đã đi vào lịch sử nước ta. Giản dị như vậy thôi, nhưng Điều 6, dự thảo Luật, theo ĐB Lê Thanh Vân, vẫn chưa định nghĩa được thế nào là người tài. Theo ông, cần phân loại người tài theo từng lĩnh vực cụ thể, trong chính trị đó phải là người khởi xướng chính sách, trong điều hành phải tinh thông luật pháp để vận hành bộ máy; trong khoa học phải có phát minh sáng kiến, trong lao động phải lành nghề, có biệt tài làm ra sản phẩm đặc thù, trong văn hóa nghệ thuật có tác phẩm để lại cho muôn đời…
Xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu
Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thân trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện. Do đó, đề xuất quy định trong Luật nguyên tắc chung trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ viêc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luât bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “khiển trách”, “xóa tư cách” thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo (ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: ông Nguyễn Khắc Định |
Về quy định chuyển tiếp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để làm rõ việc áp dụng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm Luật có hiệu lực, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và tương thích với quy định về xử lý kỷ luật đảng viên, trong dự thảo Luật đã bổ sung Điều 3 về điều khoản chuyển tiếp trong đó quy định: việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện theo quy định của Luật này. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm 01/7/2020 vẫn có thể bị xử lý theo quy định của Luật này nếu còn thời hiệu.
Đây là lần thứ hai dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được trình xin ý kiến Quốc hội; dự kiến thông qua vào ngày 25/11.