Tây Ninh: Vụ việc có dấu hiệu “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nhưng CQĐT không thụ lý?

Ngày đăng : 17:00, 24/10/2019

(Kiemsat.vn) - Ký giấy thỏa thuận đứng tên giúp để làm thủ tục vay tiền Ngân hàng, sau đó dựa vào hợp đồng được công chứng mua bán giữa hai bên, khi giấy tờ đã sang qua tên mình thì bán cho người khác. Vụ việc được Tòa án khẳng định có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nhưng phía Cơ quan điều tra (CQĐT) không thụ lý và cho là tranh chấp hợp đồng dân sự. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Đc: 137/71 Âu Dương Lân, P.2, Q.8, TP.HCM.

Theo đơn của Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, vào tháng 4 năm 2018, bà Yến có nhu cầu vay vốn ngân hàng để giải quyết việc làm ăn. Thông qua người quen, bà Yến gặp được ông Nguyễn Hoàng Hải (SN: 1984. có hộ khẩu thường trú ở ấp Long Thành, Hòa Thành, Tây Ninh - ông Hải được cho là người thân của một vị quan chức trong ngành Tòa án Tây Ninh). Lúc đó ông Hải nói mình có mối quan hệ, có thể làm dịch vụ đứng tên tài sản và đứng tên vay vốn Ngân hàng.

Sau khi bà Yến thống nhất thực hiện dịch vụ này cùng ông Hải với chi phí dịch vụ là 200 triệu đồng, tài sản đảm bảo để vay là 04 thửa đất của bà Yến (thửa đất số 245, 246 đang thế chấp ngân hàng và thửa số 02, 63 có đầy đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) tại huyện Tân Biên - Tây Ninh. Tiếp sau đó ông Hải không trực tiếp thực hiện dịch vụ mà lại bàn giao cho ông Nguyễn Minh Hiếu - SN: 1985 - là người địa phương chung nhóm làm ăn với ông Hải - để cùng bà Yến ký thỏa thuận thực hiện dịch vụ này.

Giấy chứng nhận QSDĐ mà bà Yến chuyển nhượng để "nhờ " đứng tên vay vốn ngân hàng

Ngày 31/5/2018 ông Hiếu và bà Yến ký biên bản thỏa thuận việc: “Đứng tên giúp để vay ngân hàng” này. Trong biên bản thỏa thuận ông Hiếu nêu rõ:“Tôi thỏa thuận đứng tên giúp bà Nguyễn Thị Ngọc Yến mục đích là vay ngân hàng VietinBank – chi nhánh Tây Ninh, thời hạn vay 01 năm, đáo hạn 01 lần số tiền vay khoảng 1 tỷ 200 triệu đồng, nghĩa vụ là bà Yến chịu toàn bộ lãi vay ngân hàng và chi phí phát sinh, sau thời hạn 01 năm bà Yến trả ngân hàng thì tôi sẽ chuyển nhượng lại 02 QSDĐ nêu trên, chi phí việc đứng tên 02 QSDĐ là 200 triệu đồng. Hai bên đã đồng ý thống nhất thỏa thuận trên nếu có sai sót hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Biên bản này ông Hiếu và bà Yến cùng ký và người làm chứng chính là ông Nguyễn Hoàng Hải.

Hai bên thỏa thuận là vậy, nhưng sau khi được bà Yến ký hợp đồng công chứng sang qua tên mình thì ông Hiếu không thực hiện như cam kết mà bán luôn các thửa đất cho người khác, số thửa đất còn lại thì thế chấp Ngân hàng.

Bà Yến sau nhiều lần tìm đến nhà ông Hiếu nhưng không gặp, nhiều lần gọi điện, nhắn tin thì ông này trả lời qua loa…Nghi ngờ mình bị lừa gạt, bà Yến tìm hiểu về các thửa đất của mình thì phát hiện vợ chồng ông Hiếu đã bán cho người khác.

Nghi ngờ ông Hiếu cố ý chiếm đoạt tài sản của mình, ngày 15/11/2018 bà Nguyễn Thị Ngọc Yến làm đơn tố cáo ông Nguyễn Minh Hiếu ra Cơ quan điều tra huyện Tân Biên.

Bà Yến bức xúc cho rằng, Cơ quan điều tra Công an huyện Tân Biên đã chưa làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình, có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật tố cáo. Bởi sau khi bà nộp đơn tố cáo thì không được Cơ quan điều tra mời đến để xác minh và cung cấp chứng cứ cần thiết với tư cách người bị hại, người tố cáo; cũng không mời người bị tố cáo là ông Nguyễn Minh Hiếu lên để đối chất, làm rõ nội dung tố cáo theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, sau khi nhận đơn, đến 02 tháng sau thì Cơ quan điều tra huyện Tân Biên mới gửi cho bà Yến“Phiếu hướng dẫn” và cho rằng trường hợp của bà Yến là tranh chấp dân sự.

Sau đó bà Yến tiếp tục gửi đơn tố cáo và khiếu nại vụ việc lên đến công an tỉnh Tây Ninh thì Văn phòng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh cũng lại ra “Phiếu hướng dẫn” với nội dung tương tự! Dẫn đến nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đối tượng bị tố cáo có có điều kiện, thời gian để tẩu tán tài sản.

Theo các chuyên gia pháp luật, việc cơ quan chức năng không thụ lý giải quyết đơn tố cáo, không mời một ai liên quan đến đơn tố cáo đến để làm rõ nội dung trong đơn, mà lại gửi“Phiếu hướng dẫn” như vậy là có dấu hiệu né tránh trách nhiệm, không thực hiện đúng quy định của Luật Tố cáo, vi phạm quy định pháp luật về giải quyết tố cáo, khiếu nại.

Phóng viên đã đến Công an huyện Tân Biên để xác minh, làm rõ thông tin. Ông Tạ Thanh Bình – Phó Đội trưởng Cảnh sát Điều tra Công an huyện Tân Biên cũng thừa nhận là từ khi nhận được đơn bà Yến đến nay, Cơ quan điều tra huyện Tân Biên cũng chưa lần nào mời bà Yến, ông Hiếu và những người có liên quan lên làm việc.

Sau đó chúng tôi tìm đến trụ sở Công an tỉnh Tây Ninh để tiếp tục tìm câu trả lời nhưng không gặp được một ai có trách nhiệm để tiếp xúc. Chúng tôi đã chuyển đơn thư của người dân và câu hỏi phỏng vấn đến lãnh đạo Công an tỉnh Tây Ninh về nội dung vụ việc.

Vào ngày 15/7/2019, Tòa án Nhân dân huyện Hòa Thành cũng đã gửi công văn đến công an huyện Hòa Thành, trong công văn này nêu rằng hành vi của ông Nguyễn Minh Hiếu có dấu hiệu “lạm dụng chiếm đoạt tài sản” và đề nghị Công an huyện Hòa Thành tiến hành điều tra làm rõ hành vi của Nguyễn Minh Hiếu để Tòa án có cơ sở giải quyết, đồng thời cũng mong được sự kết hợp của công an tỉnh Tây Ninh để Tòa có hướng xử lý vụ án trên. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay Tòa án nhân dân huyện Hòa Thành chưa nhận được thông tin phản hồi gì từ các cấp Công an huyện và tỉnh Tây Ninh.

Công văn của TAND huyện Hòa Thành gửi tới Công an huyện Hòa Thành

Trong quá trình về địa phương xác minh, chúng tôi còn nhận được thông tin từ người dân cung cấp, cho biết ông Nguyễn Minh Hiếu còn dùng “chiêu thức” tương tự với người khác ở địa phương cũng bằng “dịch vụ đứng tên tài sản và đứng tên để vay vốn ngân hàng” này.

Phóng viên sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có thông tin phản hồi chính thức từ lãnh đạo Công an tỉnh Tây Ninh về vụ việc.

Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định chi tiết một số Điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo:

 

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo

1. Người giải quyết tố cáo có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu người tố cáo đến làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà người tố cáo có được;

b) Yêu cầu người bị tố cáo đến làm việc, giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

c) Yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

d) Tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm căn cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo;

đ) Kết luận nội dung tố cáo;

e) Xử lý kết luận nội dung tố cáo theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Người giải quyết tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo;

d) Thông báo cho người tố cáo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

đ) Thông báo cho người bị tố cáo về nội dung tố cáo, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo;

g) Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.

Minh Dũng