Viện kiếm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng - Vượt mọi gian khó, vững bước đi lên
Ngày đăng : 14:32, 24/10/2019
Để VKSND cấp cao tại Đà Nẵng (Viện cấp cao 2) có được những thành quả như ngày hôm nay, đó là sự quan tâm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tối cao; là sự nỗ lực không mệt mỏi khắc phục khó khăn của tất cả các đồng chí lãnh đạo tại Viện cấp cao 2, từ đồng chí Nguyên Viện trưởng Phan Văn Sơn (đã về hưu) đến đồng chí Viện trưởng Nguyễn Quang Dũng và các Phó Viện trưởng đương nhiệm. Nghiêm khắc, chuẩn mực nhưng đầy bao dung, chân tình chính là những gì mà các thành viên trong “ngôi nhà Viện cấp cao 2” cảm nhận được.
Thấu hiểu những khó khăn của tất cả các anh em nên cả trong công tác và trong cuộc sống, từ công chức đến người lao động đều nhận được sự quan tâm động viên, giúp đỡ hết mực của Ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo Viện cấp cao 2.
Cùng với đó, là sự tham gia, chung sức của các đoàn thể tại đơn vị như Công đoàn, Ban nữ công, Chi đoàn – thực sự trở thành “người đồng hành” cùng tất cả các cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị trong mọi sự kiện.
Bởi lẽ đó, dù là một đơn vị “non trẻ” với vô vàn khó khăn, nhưng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng luôn tiên phong trong mọi phong trào với tinh thần không ngại giao lưu, học hỏi. Những thành tích như Giải Nhất toàn đoàn Hội thao Công đoàn cơ sở khối Đảng – Nội chính 2019; Giải Khuyến khích toàn đoàn Hội thao Công đoàn viên chức thành phố Đà Nẵng 2018; Chi đoàn xây dựng và bàn giao công trình thanh niên 2018 tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam… đã phần nào nói lên tinh thần, sức trẻ của Viện cấp cao 2.
Đặc biệt, vào ngày 02 tháng 4 năm 2019 vừa qua, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã vinh dự được Chủ tịch nước ký tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất. Đây là niềm vinh dự, tự hào chung của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nhưng đồng thời cũng là sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước đối với những nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của đơn vị.
Trụ sở VKSND cấp cao tại Đà Nẵng (Viện cấp cao 2) |
Nhớ lại những ngày đầu gian khó, khi đó mô hình VKSND cấp cao là một mô hình hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống VKSND theo Luật Tổ chức VKSND năm 2014; đến ngày 01/6/2015 VKSND cấp cao tại Đà Nẵng được chính thức thành lập đi vào hoạt động. Mặc dù có tiền thân là Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng (gọi là Viện phúc thẩm 2), nhưng với cơ cấu tổ chức mới, nhiều nhiệm vụ mới, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm khá phức tạp đối với nhiều công chức đơn vị, nhiều đồng chí trước đây công tác tại Viện kiểm sát địa phương chưa từng thực hiện công việc này nên không tránh khỏi những khó khăn ban đầu trong quá trình giải quyết. Bên cạnh đó, lịch xét xử lưu động dày đặc tại các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên, trung bình từ 10-20 vụ kéo dài một tuần hoặc 10 ngày với tất cả các loại án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động… mỗi loại án lại đều có yêu cầu, đòi hỏi riêng; gây khó khăn cho Kiểm sát viên trong quá trình nghiên cứu cũng như tham gia tranh tụng.
Với con số khiêm tốn, chỉ 33 công chức, người lao động trong khi lượng công việc nhiều, yêu cầu tính chính xác cao nên nhiều cán bộ công chức phải làm việc gấp 3-4 lần năng suất lao động thông thường. Việc tuyển dụng nhân sự mới cũng không hề dễ dàng. Bởi lẽ, yêu cầu công việc cần những cán bộ, Kiểm sát viên có kinh nghiệm, từng trải qua nhiều vị trí công tác ở địa phương trong khi nguồn nhân sự tại các tỉnh còn hạn hẹp, không thể “cung cấp nhân sự” ngay cho VKSND cấp cao.
Cùng với đó, điều kiện làm việc tại VKSND cấp cao đến nay vẫn còn nhiều thiếu thốn. Trụ sở cơ quan được tiếp quản từ trụ sở Viện THQCT và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng, được thiết kế cho số lượng khoảng 30 – 40 người làm việc theo mô hình cũ, mô hình mới với khối lượng công việc tăng gấp ba, số lượng định khung biên chế 130 người; nên nhiều phòng làm việc chỉ khoảng 15m2 nhưng phải có đến 03 - 04 cán bộ làm việc; số lượng ô tô công còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu do tăng về khối lượng công việc, mỗi đợt xét xử lưu động phải sử dụng nhiều xe ô tô đi các tỉnh.
Sự khó khăn, vất vả ấy hẳn nhiên có gây trở ngại trong quá trình công tác, nhưng vượt qua tất cả, nó trở thành chất xúc tác giúp mỗi người có thêm động lực phấn đấu, vươn lên. Từ đó, càng rực sáng thêm tình người, tình đồng nghiệp, đồng chí. Sự yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong gian khó vẫn còn đó sưởi ấm lòng tất cả những cán bộ công chức hiện đang công tác tại đây.