Doanh Nhân Nguyễn Nam Phương: Sóng gió cuộc đời không thể cản bước chân tôi

Ngày đăng : 13:54, 12/10/2019

(Kiemsat.vn) - Đến điểm hẹn cà phê với chị vào một chiều ngày 9/10 tại một quán cà phê thuộc thành phố Bà Rịa, gặp chị với nụ cười rất tươi, ánh mắt tỏa sáng niềm vui sướng! Chị chia sẻ ngay, sáng nay Công ty TNHH MTV Lan Anh (Công ty Lan Anh) vừa được UBND tỉnh BR –VT vinh danh giải thưởng Ngọn Hải Đăng năm 2019 nhân kỷ niệm ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10.

Sự tín nhiệm của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là nguồn lực lớn lao thúc đẩy công ty Lan Anh tiếp tục cống hiến, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế địa phương và đó mới là giá trị đích thực của giải thưởng.

Doanh nhân Nguyễn Nam Phương, TGĐ công ty Lan Anh vinh dự đón nhận giải thưởng Ngọn Hải Đăng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Doanh nhân thành đạt giàu lòng nhân ái

Ngoài giải thưởng Ngọn Hải Đăng, công ty Lan Anh còn vinh dự nhận thêm bằng khen 'Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", giai đoạn 2016 - 2020' do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng.

Thành lập năm 2006, công ty Lan Anh thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh đất nền thương phẩm với trên 10 dự án lớn nhỏ trên địa bàn thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu và các khu vực lân cận.

Công ty Lan Anh hoạt động ngành chủ lực là đầu tư các khu dự án dân cư và tạo quỹ đất để phục vụ nhu cầu của người dân, thu hút dân cư để phát triển đô thị trong tương lai gần đây.

Không những vậy, Công ty Lan Anh còn dành một phần quỹ đất của khu dân cư Lan Anh 1, Lan Anh 2 và Lan Anh 4 để đầu tư nhà ở xã hội, phục vụ cho nhu cầu của cán bộ công nhân viên chức khó khăn về nhà ở, chưa có nhà ở đất ở, có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đây cũng là việc làm có ích cho xã hội, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết được khó khăn về nhu cầu nhà ở của công nhân viên chức.

Ngoài ra, Công ty Lan Anh còn sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích trên 50 hecta , để tạo công việc làm cho người lao động tại địa phương và sản suất gạch không nung, cung cấp ra thị trường dùng để lát vỉa hè, các khu dân cư, biệt thự sân vườn...

Kể từ ngày thành lập từ năm 2006, qua hơn 12 năm phát triển đến nay, Công ty Lan Anh luôn gương mẫu làm tròn nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội và chăm lo đời sống cho người lao động kể cả lúc Công ty gặp khó khăn nhất, luôn hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Cũng từ sự nỗ lực phát triển, điều hành Doanh nghiệp, Tổng giám đốc Công ty Lan Anh là chị Nguyễn Nam Phương đã đạt danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” trên cả nước. Ngoài ra, còn vinh dự nhận giải thưởng “Bông hồng vàng” trong 3 năm liên tiếp 2008 - 2009 - 2010, nhiều giải thưởng “Ngọn hải đăng” của Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng, giải thưởng cao quý nhất là “Huy chương lao động hạng 3” do Chủ tịch nước trao tặng.

Tổng giám đốc Nguyễn Nam Phương chia sẻ cảm xúc tại buổi lễ trao giải thưởng Ngọn Hải Đăng lần XII năm 2019

Gần đây nhất, chị Nguyễn Nam Phương tiếp tục được Nhà nước ghi nhận sự vượt khó và duy trì phát triển đóng góp cho xã hội với giải thưởng “Cúp thánh gióng”, đây là dấu hiệu vui mừng khi Công ty đã thoát được sự khó khăn tưởng chừng như đã không thể tồn tại vậy mà sự hồi phục của Công ty Lan Anh như có phép màu của trời đất ban cho, sau cơn mưa trời lại sáng.

Thời gian tới, Công ty Lan Anh sẽ mạnh dạn và tiếp tục định hướng phát triển chủ đạo là bất động sản với các dự án mới như khu Trung tâm thương mại phường Phước Hưng, khu dân cư xã Hòa Long, khu chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại phường Long Tâm, khu dân cư huyện Long Điền và tiếp tục thực hiện các dự án hiện tại.

Chị Nguyễn Nam Phương không chỉ giỏi giang trong kinh doanh, phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh mà còn mang tấm lòng thiện nguyện, với ý nghĩ “cho đi là còn mãi”, sẵn sàng sẽ chia với những mảnh đời bất hạnh!

Về hoạt động xã hội, Công ty Lan Anh luôn đóng góp vào các quỹ từ thiện của địa phương, luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Bằng sự cảm thông, thấu hiểu đến nhiều mảnh đời cơ cực, Công ty đã trao nhiều phần quà đễ hỗ trợ một phần đến người dân có hoàn cảnh khó khăn của địa phương và những người dân vùng gặp thiên tai, bão lũ...

Doanh nhân Nguyễn Nam Phương trong một chuyến trao quà từ thiện cho các em học sinh Trường THCS Bình Châu

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Có câu “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai” rất đúng với cuộc đời chị, để có một Nguyễn Nam Phương thành đạt như bây giờ, cuộc đời của chị đã trải qua những giai đoạn cùng cực, đẫm nước mắt.

Chị vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. 18 tuổi, chị lấy chồng. Tưởng rằng, cuộc đời cứ thế bình lặng trôi qua với cuộc sống gắn với nghề làm nông như cha ông thuở trước.

Nhưng bỗng một ngày tai nạn lại ập đến với gia đình chị khi chồng chị vô ý gây chết người, cả ga đình phải lánh vào Bình Phước. Tại nơi này chị sinh con trai đầu lòng trong cơ cực thiếu thốn. Sau đó chồng chị bị bắt về quê thụ án 3 năm và chị lại bồng bế con về quê.

3 năm trôi qua như một giấc mộng cực nhọc, chồng chị mãn hạn tù trở về. Lúc đó, chị vui lắm, tưởng rằng đã nắm được hạnh phúc trong tay. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang bởi khi chị mang thai đứa con thứ 2 cũng là lúc phát hiện ra sự thay đổi lớn trong tâm tính người chồng. Anh ta không còn là người đàn ông chịu thương, chịu khó, thương vợ, yêu con như năm nào. Bụng chửa vượt mặt nhưng mọi công việc từ đồng áng, chăm sóc con cái đều dồn vào bàn tay của chị. Dù vậy, người chồng không hề quan tâm đến việc vợ đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến đêm khuya, vẫn chỉ rượu chè, đàn đúm cờ bạc với đám thanh niên xấu trong làng, hôm nào có điều gì không vừa ý là về đánh vợ.

Không còn chịu nổi thêm người chồng, chị quyết ra đi. Hôm đó, đợi lúc mọi người ngủ say, chị nhẹ nhàng trở dậy, thu vén quần áo vào chiếc làn cũ kỹ rồi bế con đi bộ tới ga Thanh Hóa, ôm con ngồi khóc ở phòng đợi tàu mà không biết có đi được hay không vì trong túi không có một đồng. Cũng may, chị được một bà cụ vào Nam thăm con là bộ đội không quân đóng tại Đà Nẵng đã giúp chị mua vé vào Nam. Chị bảo, đã nhiều năm rồi, chị cố tìm bà cụ ấy để trả ơn nhưng không tìm được.

Vào đến TP Hồ Chí Minh, không có tiền đi tiếp đến Bình Long nên chị tìm đến nhà bà con họ hàng nhờ giúp đỡ nhưng chỉ nhận được sự đối xử lạnh nhạt, khinh rẻ vì gia đình chị quá nghèo. Ông chú họ vừa nhìn thấy mẹ con chị đã vội kêu xe xích lô chất mẹ con chị lên bảo chở đi đâu cũng được. Người lái xích lô nói "người nhà không thương thì tôi chở chị đến chợ Cầu Muối xem có ai giúp đỡ hay không". Do mấy ngày ngồi trên tàu, đói ăn, khát sữa lại nóng nực, mệt nhọc nên đứa con của chị mắc bệnh sốt cao hầm hập.

Thương hoàn cảnh của chị, má Hoàng Thị Trúc, ở 128/6, đường Cô Bắc, quận 1 đã đưa về nhà, lo cơm cháo, thuốc men. Ở nhà má, chị được mọi người chào đón, yêu thương như người thân trong nhà, con chị được trị bệnh nên dần hồi phục. Sau gần 1 tháng, được gia đình má Trúc cưu mang, mẹ con chị đã hoàn toàn bình phục nên xin phép được đưa con về nhà chị gái ở Bình Long. Thấy chị quyết chí, gia đình má Trúc cho tiền và mua vé để chị về Bình Long. Cầm những đồng tiền nhỏ bé của má trên tay, chị xúc động không nói nên lời. Đối với chị, "một miếng khi đói" ấy không chỉ đưa chị qua cơn bĩ cực, mà còn là động lực để chị vươn lên. Giờ đây, đối với chị, má Trúc như người mẹ thứ 2.

Về nhà chị gái ở Sông Bé, chị gửi con đi làm thuê kiếm sống. Người phụ nữ quen lao động như chị không ngại bất cứ công việc gì từ cắt cỏ tranh, đan lát, hái điều, hái tiêu... Chắt chiu mãi, chị cũng mua được 2 chỉ vàng và 1 mảnh đất để nương thân. Tưởng rằng cuộc sống cứ thế lần hồi qua ngày nhưng chỉ một thời gian ngắn, người chồng vũ phu phát hiện ra nơi ở của vợ con đã lần vào theo, tiếp tục rượu chè, gây gổ đánh đập vợ con.

Cực chẳng đã, chị đề nghị ly hôn. Anh ta đồng ý và cho chị nuôi 2 đứa nhỏ nhưng với 1 điều kiện là chị phải để lại cho anh ta toàn bộ nương rẫy, nhà cửa chị vừa tạo dựng. Xót mồ hôi, công sức nhưng biết rằng, ngoài cách đó ra, không biện pháp gì có thể khiến chị dứt hẳn được anh ta, chị đành chấp nhận ký đơn ly dị.

Ôm con trở lại TP Hồ Chí Minh, ngày ngày chị đi làm thuê ở quán phở lấy tiền nuôi con ăn học. Đúng lúc ấy, người bạn gái đã thương tình đưa mẹ con chị đến nhà bố mẹ đẻ mình ở TP Vũng Tàu để nương náu qua ngày. Cũng nhờ người bạn đó, chị xin được chân thu ngân cho một nhà hàng tại Vũng Tàu. Có chút vốn, cuối năm 1994, chị thuê lại cửa hàng ăn uống để kinh doanh và chị tranh thủ từng chút thời gian đi học thêm.

Doanh nhân Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Công ty Lan Anh, lần thứ ba nhận được giải thưởng Bông hồng vàng

Năm 1996, thấy việc lập mô hình VAC có thể đem lại hiệu quả lớn, chị về Hòa Long thuộc thị xã Bà Rịa, mua một mảnh đất với diện tích là 30.000m2 lập trang trại nuôi bò sinh sản, baba, cá, gà công nghiệp... Mô hình này đã đem lại thu nhập cao, có những tháng, chị kiếm hơn 400 triệu tiền lời.

Năm 2005, chị đã quyết định đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất nước uống tinh khiết thương hiệu Safety để kiếm thêm thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương. Thành công này giúp chị có vốn liếng để phát triển doanh nghiệp. Cũng năm đó, chị thành lập Công ty TNHH Lan Anh, mở rộng các lĩnh vực hoạt động: kinh doanh nhà hàng, bất động sản.

Theo đó, lần lượt các dự án khu dân cư mang tên Lan Anh ra đời và được dư luận đánh giá cao. Điển hình như dự án khu du lịch sinh thái Núi Dinh, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với diện tích 150ha, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Đây là khu du lịch phức hợp, cung cấp nhiều dịch vụ cao cấp cho du khách trong và ngoài nước.

Nhìn lại chặng đường mà chị đi ngày hôm qua, dẫu có nhiều đắng cay hơn vị ngọt bùi nhưng với chị, chính những tháng ngày khởi nghiệp gian nan đó đã cho chị biết giá trị của đồng tiền, biết vị mặn đắng của cảnh nghèo, biết phải kiên định vươn lên và biết cả niềm hạnh phúc khi được giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh...

Minh Dũng