Một số giải pháp để hạn chế bạo lực học đường hiện nay

Ngày đăng : 14:39, 07/10/2019

(Kiemsat.vn) - Trong thời gian từ ngày 01/12/2017 đến 31/3/2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xảy ra 02 vụ bạo hành mà đối tượng là học sinh (tại trường THPT Lê Trung Đình, thành phố Quảng Ngãi).

Tuy nhiên xét về tính chất và mức độ vi phạm thì những vụ việc này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và kết quả giải quyết đều là không khởi tố vụ án hình sự. Điển hình là vụ “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 12/12/2018 tại trường THPT Lê Trung Đình, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi do Phan Thanh P, Lê Hoàng V và một số đối tượng khác có hành vi đánh gây thương tích cho Nguyễn Cường Th, cụ thể: Phan Thanh P, Lê Hoàng V, Phan Đỗ Xuân H, Nguyễn Cường Th (đều là học sinh trường THPT Lê Trung Đình) có mâu thuẫn với nhau. Khoảng 17 giờ 15 phút ngày 12/12/2018, sau khi học xong; P, V và H thấy Th thì chạy đến dùng tay đánh trúng mặt Th, lúc này P nói với H là “đưa cây ba khúc cho tao” rồi P cầm cây ba khúc do H đưa, xông vào đánh Th. Sau khi sự việc xảy ra, đại diện gia đình của Nguyễn Cường Th có đơn yêu cầu giám định thương tích và khởi tố vụ án hình sự.

Qua quá trình xác minh nhận thấy Phan Thanh P, Lê Hoàng V, Phan Đỗ Xuân H đã thành khẩn khai báo, nhận thức được hành vi sai trái của mình, đã tích cực tác động gia đình bồi thường cho người bị hại; đồng thời đại diện gia đình người bị hại đã tự nguyện làm đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và từ chối giám định thương tật với Th nên không đủ cở sở xác định tỉ lệ thương tật của người bị hại. Do đó Cơ quan CSĐT Công an thành phố Quảng Ngãi đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án trên.

Dù tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua không nhiều, tính chất và mức độ không quá nghiêm trọng nhưng không thể phủ nhận bạo lực học đường đang ngày càng diễn ra thường xuyên và có tính chất ngày càng nghiêm trọng; đặc biệt trong thời gian qua, nhiều vụ việc xảy ra gây bức xúc cho dư luận điều đó cho thấy cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nói riêng và của toàn xã hội nói chung.

Tuy nhiên, việc cần có những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực học đường hiện nay là điều hết sức cần thiết.

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội; truyền thống gia đình, đạo đức gia đình và tấm gương của bố, mẹ ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức, suy nghĩ của những học sinh (thường là những người chưa thành niên). Vì thế bố, mẹ phải gương mẫu cả về đạo đức và lối sống, cách hành xử phải có chuẩn mực, và cần có thời gian hợp lý để chăm sóc, giáo dục con em mình, phải là chỗ dựa tinh thần cho con em mình đặc biệt là người chưa thành niên và phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ với nhà trường, đoàn thể, chính quyền, cơ quan pháp luật để kịp thời uốn nắn, giáo dục khi có hành vi vi phạm pháp luật do con em mình gây ra.

Còn đối với xã hội, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng là học sinh. Giáo dục pháp luật chính là quá trình cung cấp tri thức, tình cảm niềm tin pháp luật, từ đó tạo cho học sinh có thói quen sống và hành xử theo pháp luật. Đó là biện pháp cơ bản, thường xuyên có ý nghĩa quyết định trong các biện pháp bảo đảm quyền của người học sinh (người chưa thành niên). Đồng thời đây cũng là biện pháp cơ bản phòng ngừa hành vi có thể dẫn đến phạm tội trong các vụ bạo lực học đường hiện nay. 

Xây dựng cộng đồng văn hoá tạo môi trường lành mạnh, vững chắc, cơ hội sống tích cực: Chúng ta tạo các mối quan hệ xã hội tích cực cho người chưa thành niên nói chung và học sinh nói riêng bằng cách mở rộng các chương trình đào tạo kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động ngoài giờ, các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, tạo các sân chơi lành mạnh để thanh thiếu niên sống tích cực, không tham gia vào các hoạt động tiêu cực. Đồng thời cần chủ động đưa người chưa thành niên tham gia vào các hoạt động cộng đồng có ích, tránh để người chưa thành niên rơi vào tình trạng “nhàn cư vi bất thiện” hoặc trầm cảm, suy nghĩ lệch lạc và có hành vi tiêu cực.

Nhà trường ngoài việc dạy chữ, truyền đạt những kiến thức cơ bản cần hết sức quan tâm và giành nhiều thời lượng dạy về kỹ năng sống, kỹ năng làm người thông qua việc giáo dục về đạo đức truyền thống, lịch sử, pháp luật, giao tiếp trong gia đình và xã hội. Cần có sự liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, thông báo thường xuyên, kịp thời về kết quả học tập, thời gian học tập những thay đổi về tư cách đạo đức, những biểu hiện lệch lạc trong lối sống của các em với gia đình để có biện pháp kết hợp cùng giáo dục giữa nhà trường và gia đình.

Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và lực lượng Công an địa phương cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của mình trong phòng ngừa tình hình bạo lực học đường.Các cơ quan tố tụng cần tập trung thực hiện tốt việc giải quyết các tin báo, vụ án liên quan đến bạo lực học đường, đảm bảo quyền lợi của người bị hại lẫn người thực hiện hành vi phạm tội (thường là người chưa thành niên) theo đúng quy định của pháp luật. 

Phạm Thị Kim Liên -Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ngãi