Đừng để Việt Nam là nguyên nhân khiến động vật hoang dã tuyệt chủng

Ngày đăng : 11:26, 07/10/2019

(Kiemsat.vn) - Báo cáo của Liên Hợp Quốc trong năm 2019 cho thấy có tới 1 triệu loài trong số khoảng 8 triệu loài sinh vật trên thế giới đang bên bờ vực tuyệt chủng. Loài người chưa từng đứng trước mối đe doạ lớn như vậy. Việt Nam đã mất nhiều loài mang tính biểu tượng. Con tê giác cuối cùng ở Việt Nam bị giết năm 2010. Thêm vào đó, nhức nhối và buồn hơn khi Việt Nam không chỉ là điểm trung chuyển mà còn là điểm đến của nạn buôn bán động vật hoang dã.

Hà Nội bắt giữ hơn 125kg sừng tê giác nhập lậu qua đường hàng không, tháng 7.2019. Ảnh: AFP/Getty Images

Nhức nhối nạn buôn lậu động vật hoang dã

Tại buổi hội thảo hôm 2.10 về bảo tồn các loài hoang dã do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Mpetjane Kgaogelo Lekgoro thông tin, tội phạm về buôn bán động vật hoang dã mang lại lợi nhuận cao nhất trong 4 loại tội phạm trên toàn cầu. Nguy hiểm hơn, tội phạm buôn bán động vật hoang dã luôn luôn là tội phạm xuyên quốc gia, thủ đoạn tinh vi, phức tạp, liên quan đến cả các hoạt động buôn bán người, rửa tiền, khủng bố... Trong khi đó, Nam Phi là mảnh đất của voi, tê giác, nơi diễn ra nhiều hoạt động săn bắn trái phép và buôn lậu trên quy mô lớn. Đại sứ Lekgoro cho biết, Công viên Quốc gia Nam Phi đang có sự suy giảm đáng kể loài tê giác, trong khi tê giác đóng vai trò quan trọng trong đa dạng sinh học, là nguồn đóng góp nâng cao thu nhập về du lịch. Từ năm 2014, chính phủ Nam Phi đề ra chiến lược quản lý sừng tê giác và đứng đầu chiến tuyến chống nạn săn ngà voi và sừng tê giác.

Trong khi đó, một điều đáng buồn là Việt Nam vừa là điểm trung chuyển, vừa là điểm đến số 1 thế giới của sừng tê giác, các bộ phận của hổ, ngà voi, vẩy tê tê. Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) cho biết, năm 2015 đỉnh điểm 1.300 cá thể tê giác bị giết ở Nam Phi, Việt Nam cách xa hàng nghìn dặm nhưng là nguồn thúc đẩy sát hại tê giác ở Nam Phi và không thể phủ nhận vai trò của Việt Nam trong các hoạt động buôn bán trái phép sừng tê giác.

Còn theo bà Nguyễn Hương, Giám đốc truyền thông của Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS), Việt Nam ngoài việc là thị trường cuối và là quốc gia tiêu thụ, còn là quốc gia trung chuyển cho đường dây buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm động vật hoang dã khác từ Châu Phi sang các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Do thông thương thuận tiện, kết nối đường xuyên Á thuận lợi, nên các tổ chức tội phạm dễ dàng trung chuyển từ Nam Phi, Congo, Kenya bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không đến Singapore, Malaysia và Việt Nam, cụ thể là Đà Nẵng và Hải Phòng. Tội phạm buôn bán động vật hoang dã tăng lên hàng ngày, hàng giờ nhờ tận dụng toàn cầu hoá và công nghệ. Cuộc cách mạng 4.0 vô tình chắp cánh cho tội phạm với thực tế là mạng xã hội và Internet tràn ngập rao bán công khai các sản phẩm động vật hoang dã. Trong khi đó, tội phạm về buôn bán động vật hoang dã có độ rủi ro thấp vì không có nạn nhân trực tiếp là con người, trong khi lợi nhuận lại cao, ước tính từ 7-23 tỉ USD/năm, và hình phạt ở một số nước còn nhẹ. Tất cả những nguyên nhân này khiến cho các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã vẫn hoành hành.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho thấy, trong năm 2018 có 1.504 vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, thu giữ 41.328kg các cá thể và sản phẩm từ động vật hoang dã, thu về ngân sách 16 tỉ đồng tiền phạt. Các tỉnh có tỉ lệ cao các vụ vi phạm là Lạng Sơn 102 vụ, Quảng Ninh 69 vụ, Hà Nội 122 vụ, trong đó các điểm đặc biệt nóng là điểm giao tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Móng Cái, nơi giáp biên giới với Trung Quốc. WCS cũng tổng hợp số liệu từ báo chí cho biết, từ tháng 5 đến tháng 7.2019 ở Việt Nam đã ghi nhận 34 vụ buôn lậu động vật hoang dã, chủ yếu là ngà voi, vảy tê tê, tịch thu 51.370kg sản phẩm. Trong khi đó, theo số liệu của ENV, tổng số vụ vi phạm về buôn bán trái phép động vật hoang dã từ năm 2005-2018 là 43.849 vụ. Từ tháng 1-6.2019 có 729 vụ vi phạm liên quan đến các loài tiêu biểu là gấu, hổ, tê giác, ngà voi, vẩy tê tê và rùa biển.

Vì đâu?

Chưa thể triệt tiêu tội phạm buôn bán động vật hoang dã bởi nó vẫn có môi trường phát triển. Tâm lý sừng tê giác chữa ung thư, làm lành vết thương vẫn còn khá phổ biến nên chính con người hình thành những tổ chức tội phạm quốc tế để bằng mọi cách buôn bán các sản phẩm này. Theo Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam Steph Lysaght, bây giờ chúng ta đã có thuốc chữa bệnh chứ đừng lầm tưởng về tác dụng của các loài vật này, nên mỗi người cần phải lên tiếng nói rằng điều này là sai trái và thay đổi quan điểm. Nếu không, chính nhu cầu của con người giúp hình thành các tổ chức tội phạm quốc tế buôn bán động vật hoang dã. 

Ngoài ra, việc tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã diễn ra ở mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị. Nhà hàng bán mật gấu, người ta ăn cả trứng rùa biển để thể hiện đẳng cấp. ENV cho biết, gấu trong tự nhiên ở Việt Nam không có con số chính xác, nhưng số lượng gấu bị nuôi nhốt trên cả nước hiện có khoảng 700 con, lớn hơn nhiều so với tự nhiên. Ngoài ra, quần thể voi ở Việt Nam cũng giảm 99% trong 20 năm qua. Hổ trong tự nhiên ở Việt Nam còn khoảng 10 cá thể và đang giảm nhanh.

Đi tù vì buôn lậu động vật quý hiếm sẽ không còn “hiếm”

Năm 2018 đánh dấu một khởi đầu mới trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink hoan nghênh việc Việt Nam sửa đổi bộ luật hình sự, theo đó áp dụng án tù giam đến 15 năm và phạt tiền đến 15 tỉ đồng cho các hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Bà Nguyễn Phương Dung cho rằng, thành công lớn của Việt Nam trong năm 2018 là lần đầu tiên 2 bản án tù giam đã được tuyên với 2 đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn xuyên quốc gia, xét xử theo Bộ luật hình sự 1999 - sửa đổi bổ sung 2009. Trong đó, đối tượng Hoàng Tuấn Hải đã chịu án 4 năm 6 tháng tù giam cho hành vi buôn lậu trái phép rùa biển. Phải mất 2 năm để đối tượng này bị khởi tố. “Chúng tôi ở ENV nói đùa rằng chúng tôi dành cả tuổi thanh xuân để đưa Hoàng Tuấn Hải vào tù” - bà Dung nói. Đối tượng thứ hai là Nguyễn Mậu Chiến, cầm đầu đường dây buôn lậu động vật hoang dã lớn tại Việt Nam cũng nhận 16 tháng tù giam cho hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép sừng tê giác và các sản phẩm khác.

Trong cuộc chiến chống buôn lậu động vật hoang dã, Việt Nam không đơn độc, như Phó Đại sứ Anh Steph Lysaght khẳng định “không đổ tội cho Việt Nam” mà Việt Nam chỉ là một phần trong cuộc chiến chống buôn bán trái phép động vật hoang dã. Việt Nam có thể làm nhiều hơn nữa, và cộng đồng quốc tế như Anh, Mỹ, các tổ chức phi chính phủ sẵn sàng chung tay cùng Việt Nam trong cuộc chiến cam go này. 

Đại sứ Nam Phi nhấn mạnh đến nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế để xử lý tội phạm. Nam Phi có sở dữ liệu ADN lớn về tê giác, có thể hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc các sản phẩm bị bắt giữ để điều tra tội phạm và đưa ra xét xử.

Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink cho biết, tháng 4.2019, Cục Cá và Động vật Hoang dã Mỹ đã ký với Bộ Công an Việt Nam bản ghi nhớ về hợp tác chống buôn bán động vật hoang dã. Từ đầu năm 2020, Đại sứ quán Mỹ bắt đầu có tuỳ viên về buôn bán động vật hoang dã. Ngoài ra, Mỹ đã hợp tác với Việt Nam trong cuộc chiến này thông qua chương trình Saving Spices với các mục tiêu là cải thiện khuôn khổ pháp lý, hỗ trợ cho lực lượng thực thi pháp luật như công an, kiểm lâm, hải quan nâng cao năng lực, đồng thời làm việc với cộng đồng để nâng cao nhận thức giảm nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm phi pháp này. “Hãy cùng nhau nỗ lực hơn nữa để con cháu của tôi và quý vị được sống trong một thế giới mà cảnh quan hoang dã không chỉ có trong sách vở mà có trong đời thực. Tương lai tươi đẹp đó sẽ chỉ được đảm bảo nếu có nỗ lực chung” - Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh.

 

Vân Anh (báo Lao động)