Đọc lại những bài viết về “Một nghề đáng quý” của nhà báo Quang Đạm

Ngày đăng : 13:17, 03/10/2019

(Kiemsat.vn) - Đọc cuốn sách “Một nghề đáng quý”, càng thấy rõ ông là một “nhà báo uyên bác, trung thực, với một cái tâm trong sáng”.

Nhà báo Quang Đạm (1913-1999) tên thật là Tạ Quang Đệ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học truyền thống tại huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Cùng với người anh là Tạ Quang Bửu (nguyên thứ trưởng Quốc phòng, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà), ông đã sớm tham gia hoạt động cách mạng. Sau tháng 8/1945 ông được giao nhiệm vụ xây dựng ngành cơ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và sau đó, chuyển sang làm báo và trở thành một trong những cây bút có uy tín của báo Nhân Dân, và là một dịch giả có tên tuổi trong làng dịch thuật Việt Nam. Sau khi ông mất, gia đình và nhà xuất bản Chính trị quốc gia tập hợp một số bài viết, bài nghiên cứu…tiêu biểu của ông qua các thời kỳ, in thành tập sách khổ lớn dày hơn 800 trang, nhan đề “Một nghề đáng quý”.

doc lai nhung bai viet ve
Nhà báo Quang Đạm.

Trong trời thu hào sảng 2019, gợi nhớ những ngày “tháng Tám trời mạnh thu” năm 1945, nhớ rằng năm nay vừa đúng 20 năm ông đi xa, tôi trân trọng tìm đọc tập sách của ông. Cả một tuyển tập đồ sộ của một nhà báo lớn chứa chan lòng yêu nước, yêu nghề. Nhớ một dịp vào mùa hè năm 1986, được nghe ông giảng bài về “cách làm tin” trong lớp bồi dưỡng “phóng viên trẻ” của Hội nhà báo Việt Nam. Tập tài liệu chép tay hồi ấy của tôi, một “nhà báo trẻ” khác (kém tuổi tôi hai con giáp) đã mượn và không trả lại vì còn cần “giảng lại cho người khác”. Nay đọc bài “Cải tiến tin tức”(trang 210 đến 232 –sách đã dẫn) của ông trong tập sách, càng thấy ông đã có những chỉ dạy thật là cần thiết với những người bước chân vào nghề làm báo.

Ở tiểu luận này, nhà báo Quang Đạm chia thành từng mục: I- Khái niệm “TIN”. II- Tình hình chất lượng “Tin” của ta hiện nay. III- Nguyên nhân.

Đáng chú ý là ở phần đầu, ông đưa ra một cách hiểu về “Tin” cũng độc đáo, đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Theo ông, ở ta “tin” với “thật” là một. Làm cho người ta biết cái gì là”có thật”, đấy là đưa tin. Nghe một điều gì có thật, đó là nghe tin. Chúng ta đặt “cái thật” lên rất cao trong “cái tin”. Như vậy là đi vào khái niệm “tin”, trước hết là phải nghĩ tới “cái mới” và “cái thật”.

Từ cách hiểu như vậy, ông khái quát “Lao động của người làm báo cũng còn có thể gọi là một nghệ thuật, bởi vì đây là lao động tiếp xúc với con người, với cuộc sống xã hội… Có người làm công tác báo chí lâu năm, tổng kết công tác của mình bằng một câu đơn giản là “làm báo cuối cùng là hằng ngày phải giải quyết vấn đề: đưa hay không đưa? Chỉ có câu hỏi ấy mà ngày nào cũng phải giải quyết. Khi anh không hỏi câu đó trong công việc một ngày, trong khi viết một cái tin thì đấy là điều đáng buồn. Bởi vì như thế có nghĩa là anh không thấy cái gì mới cả. Anh càng phải hỏi nhiều thì càng hay cho báo. Anh phải tự hỏi trong 10 cái mới như thế này, 20 cái mới như thế này, đưa cái nào? Để trả lời được câu hỏi đó lao động của ta không giản đơn đâu. Đấy là cả một khoa học, cả một nghệ thuật. Người làm báo kiểm tra sự kiện bằng cả hai mặt ấy… bằng vốn sống thực tế của mình…”.

Thật là những “tâm sự chí tình” trong thời kỳ mạng xã hội bùng nổ như hiện nay. Trong bài “Một cuộc đời làm báo” (trang 158) được in trong tập sách này, nhà báo Quang Đạm nhớ lại lời dạy của Bác Hồ khi ông bước chân vào nghề báo. Bác Hồ nói rất đơn giản: “Trước chú làm mật mã tức là chú viết một cái gì mà ai không nắm được luật thì không hiểu được, không đọc được, không sử dụng được. Bây giờ làm báo Sự thật thì chú phải làm ngược lại. Chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được”.

Thấm sâu lời dạy của Bác Hồ, cả tuyển tập “Một nghề đáng quý” của nhà báo Quang Đạm là cả một tập hợp những lời lẽ giản dị, dễ hiểu và minh bạch. Ông kể về dòng họ Tạ (Nam Đàn Nghệ An) với truyền thống “gia học”(học tại nhà); không có vợ hai (vợ lẽ);không mê tín dị đoan. Ông kể về những ngày “được ở cùng và học Cụ Phan Bội Châu với lời lẽ khiêm tốn nhưng qua đó khái quát được cả một bối cảnh xã hội thời đó. Ông kể về việc đồng chí Trường Chinh đã hướng ông vào “nghề làm báo- một nghề đáng quý” như thế nào …

Nhưng cũng là từ lời dạy của Bác Hồ, mà ông nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề rất kỹ trước khi viết báo. Tôi - kẻ được đọc sách của ông cũng đã được học chuyên ngành Ngôn ngữ học. Khi đọc tiểu luận của ông: “Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với những người viết báo Việt Nam”, đăng trong tạp chí Văn học (hồi đó chưa có tạp chí Ngôn ngữ) số 4/1966, trộm nghĩ nếu ông đi theo con đường nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học, chắc cũng trở thành một giáo sư có uy tín của ngành này. Tiểu luận đi từ “Lịch sử vấn đề -thực tiễn sử dụng ngôn ngữ và ngôn ngữ báo chí của nước ta” để chỉ ra thực chất của việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là “vấn đề dùng Từ và đặt Câu” trong tiếng Việt hiện nay.

Một tiểu luận cách đây hơn nửa thế kỷ, nghe như đang nói về thời điểm Việt Nam 20 năm đầu của thế kỷ XXI. Khi mà các từ phiên âm và vay mượn tiếng nước ngoài, các cách đặt câu  “tréo ngoe” với cách nói thuần Việt, đầy rẫy trên các trang mạng xã hội và các tờ báo tiếng Việt  hiện nay.

Ở tiểu luận này, khi đề cập “Những mối quan hệ cần nắm vững”. ông nêu ra những khái niệm thật dễ hiểu như “quan hệ giữa cái quen dùng và cái hợp lý”, ông chỉ ra những đặc điểm của “từ tiếng Việt” mà quan trọng nhất là Không thay hình dạng; “trật tự xếp đặt các từ” có giá trị ngữ pháp; “tính nhạc” rất nổi, yếu tố âm thanh (thanh điệu) rất quan trọng…Và việc vay mượn tiếng nước ngoài được coi là “ngoại lệ” và theo ông, đã là ngọai lệ “thì không nhiều và không thể coi là mẫu mực cần noi theo”.

Như bạn bè đồng liêu đồng lứa nhận xét, kể từ khi nghỉ hưu, nhà báo Quang Đạm còn tiếp tục hăng say làm việc, nghiên cứu, biên khảo…Ông như muốn mang tất cả “sở học” của mình tham gia vào việc nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề thuộc về phạm trù lịch sử, văn hoá, triết học… Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, khi viết lời giới thiệu cho tập sách “Một nghề đáng quý” đã thống kê rằng, riêng phần “Tư tưởng - triết học” Quang Đạm có 14 bài. Bài dài nhất 45 trang, bài ngắn nhất chỉ 6 trang, lần lượt phân tích, nghiên cứu và giới thiệu sự ra đời và phát triển, ảnh hưởng của Nho giáo đến xã hội và lịch sử Việt Nam; đồng thời nêu lên một số vấn đề vô cùng quan trọng là tính Đảng và tính khoa học trong vấn đề biên soạn lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Đặc biệt, tác giả đã đi sâu phân tích làm rõ tinh hoa tư tưởng của Việt Nam qua các bản hùng văn của dân tộc, từ Chiếu dời đô, Đại cáo bình Ngô đến Tuyên ngôn độc lập. Cũng có bài đã đi sâu phân tích sự khác nhau giữa chủ nghĩa xã hội không tưởng của “thánh hiền” Nho giáo với chủ nghĩa xã hội khoa học của người cộng sản Hồ Chí Minh, một việc mà trước Quang Đạm chưa có ai làm”.

doc lai nhung bai viet ve

Điều đáng quý là ông đã lần lượt công bố những nghiên cứu của mình về Nho giáo trong những bài viết đăng trên các báo và tạp chí, như là những tác phẩm báo chí để “rộng đường dư luận” (những nghiên cứu này sau được in thành sách “Nho giáo xưa và nay” mà nhà xuất bản Văn hoá (1994) và nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin (1999) phát hành, dày trên dưới 500 trang).

Nhà báo Quang Đạm từ biệt chúng ta đã tròn 20 năm. Đọc cuốn sách “Một nghề đáng quý”, càng thấy rõ ông là một “nhà báo uyên bác, trung thực, với một cái tâm trong sáng”. Giáo sư Đinh Xuân Lâm khi nhận xét về “nghề làm báo” và nhà báo Quang Đạm, đã viết rất trân trọng: “Hoá ra danh hiệu “nhà báo” mới nói qua thì bình thường, nhưng nếu đúng là nhà báo chân chính thì vô cùng cao quý, rất xứng đáng được tôn vinh. Và anh Quang Đạm đáng kính của chúng ta đích thực là một nhà báo chân chính”./.

Thanh Vũ (VOV.VN)