Tổ chức Lễ hội Katê xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày đăng : 18:37, 18/09/2019
Lễ hội Katê của dân tộc Chăm là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Katê là một lễ hội dân gian đặc sắc và độc đáo, gắn liền với đời sống tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và lao động sản xuất của đồng bào Chăm, đặc biệt là người Chăm Bàlamôn. Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 27 đến 29/9/2019.
Đối tượng tôn vinh là các vị nam thần: Pô Inư Nưgar, Pô Klong Garai, Pô Rômê. Đây là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính - nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm mà còn gắn tới lĩnh vực khác của văn hoá: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân.
Lễ hội còn là dịp để những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian với phong cách độc đáo. Những người tham dự lễ hội được hoà cùng điệu múa của các cô thiếu nữ Chăm, say sưa cùng tiếng trống Gi năng, kèn Saranai. Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Nhằm đảm bảo việc tổ chức Lễ hội Katê xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Katê đúng quy mô và đảm bảo giữ gìn các giá trị di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá bản sắc văn hóa đặc sắc của Lễ hội Katê đến người dân trên địa bàn, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ và du khách, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh; chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch gắn với các hoạt động của lễ hội.
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo tỉnh), UBND thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, UBND huyện Ninh Phước giúp Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh tổ chức Lễ hội Katê ở 3 khu vực đền, tháp Chăm (Tháp Pô Klong Garai, Tháp Pô Rômê và Đền Pô Inư Nagar) long trọng, theo nghi lễ truyền thống.
UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, nhất là trong đồng bào Chăm trong việc bảo tồn giá trị bản sắc riêng có của Lễ hội Katê xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Minh Anh