Truyền hình KSND giành 01 Huy chương Vàng và 01 Huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND lần thứ XII - 2019

Ngày đăng : 06:01, 16/09/2019

(Kiemsat.vn) - Lần đầu tiên tham dự Liên hoan Truyền hình phát thanh CAND, Truyền hình Kiểm sát nhân dân đã xuất sắc giành Huy chương Vàng và Bạc ở 2 thể loại tác phẩm báo chí và chương trình chuyên biệt.

Liên hoan Truyền hình phát thanh CAND lần thứ XII diễn ra từ ngày 9 - 12/9/2019 tại TP. Huế. Đây là kỳ Liên hoan phim đạt kỷ lục về số lượng tác phẩm dự thi với 519 tác phẩm thuộc 5 thể loại (tác phẩm báo chí, chương trình nghệ thuật và chuyên biệt, chuyên mục an ninh trật tự, tác phẩm phát  thanh, người dẫn chương trình) của 77 đoàn tham dự Liên hoan phim. Ngoài các đơn vị làm báo thuộc lực lượng Công an nhân dân, Liên hoan Truyền hình phát thanh CAND lần này còn có sự tham gia của các cơ quan báo chí ngoài ngành như: Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình nhân dân, Điện ảnh Bộ đội Biên phòng, các đài phát thanh và truyền hình trong khu vực...

Với Truyền hình Kiểm sát nhân dân, đây là lần đầu tiên tham dự Liên hoan Truyền hình phát thanh CAND, song đã có 2 trong số 3 tác phẩm dự thi giành Huy chương Vàng và Bạc. Trong đó, tác phẩm “Khoảng trống pháp luật khiến tội phạm về vũ khí được “thả rông”” giành Huy chương Vàng ở thể loại tác phẩm báo chí; tác phẩm “Có hay không lợi ích nhóm phía sau một cuộc cưỡng chế” giành Huy chương Bạc ở thể loại chương trình chuyên biệt.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trao giải

cho các đoàn có Tác phẩm báo chí Truyền hình đoạt Huy chương Vàng

Đây là những tác phẩm mà nội dung đã phản ánh được những vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống hiện nay. Tác phẩm “Khoảng trống pháp luật khiến tội phạm về vũ khí được “thả rông”” phản ánh thực trạng hành vi chế tạo, tàng trữ vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép… các loại vũ  khí tương tự vũ khí quân dụng đang ngày một gia tăng, đặc biệt là trong nhóm tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, các băng nhóm xã hội đen, đòi nợ thuê…tuy nhiên hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp không thể xử lý hình sự đối với những hành vi này như trước đây do những thay đổi của pháp luật. Cụ thể, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 không còn xếp loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng vào loại vũ khí quân dụng, do đó không thuộc đối tượng phải bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự 2015 và cũng không được quy định trong bất cứ điều luật nào của Bộ luật này.

Trong thực tế, sau khi Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 có hiệu lực thi hành, đã có một số đối tượng phạm tội này tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng mà được tha tù trước thời hạn, hoặc miễn chấp hành án, được tuyên miễn trách nhiệm hình sư, hoặc chỉ bị xử phạt hành chính. Do vậy, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần sớm sửa đổi Luật  quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ  năm 2017 và Bộ luật hình sự 2015 nhằm đảm bảo cho mọi hành vi phạm tội đều được xử lý nghiêm minh trước pháp luật, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Đại tá Phạm Quang Khải, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Phó TBT Báo CAND và Đại tá Lê Văn Vũ, PGĐ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế trao Huy chương Bạc cho các tác phẩm đạt giải B Tác phẩm Nghệ thuật và Chương trình Chuyên biệt

Tác phẩm “Có hay không lợi ích nhóm phía sau một cuộc cưỡng chế” lại phản ánh một “ điểm nóng” khác của cuộc sống đó là tình trạng các cấp chính quyền có những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý đất đai dẫn đến những vụ khiếu kiện kéo dài.

Tác phẩm đã chạm đến một vấn đề nóng trong xã hội hiện nay đó là tình trạng lợi ích nhóm. Thông qua quá trình kiểm sát giải quyết một vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai xảy ra tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, nhóm tác giả cũng đã góp phần xây dựng hình ảnh người Kiểm sát viên công minh, chính trực, kiên quyết đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đặc biệt là người dân nghèo là đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đạt được thành tích xất sắc ngay trong kỳ tham dự Liên hoan phim đầu tiên chính là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của  lãnh đạo Tạp chí Kiểm sát, sự nỗ lực của đội ngũ phóng viên Biên tập viên của Truyền hình Kiểm sát nhân dân. Kết quả này sẽ tạo niềm tin và động lực để đội ngũ những người làm báo của ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục vươn lên khẳng định vị thế của mình và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, của ngành Kiểm sát nhân dân.

Thu Huyền