Quảng Ninh: Hiệu quả từ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Ngày đăng : 11:20, 31/08/2019
Làm việc với Viện kiểm sát thành phố Hạ Long |
Qua kết quả khảo sát tại Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Phòng 2) Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Ninh, VKSND thành phố Hạ Long và VKSND thành phố Móng Cái, Đoàn công tác nhận thấy:
Kể từ đầu năm 2018 đến tháng 6 năm 2019, VKSND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã thụ lý kiểm sát 2.164 tố giác, tin báo, kiểm sát việc giải quyết 1.866 tin, đạt tỉ lệ 86,22%, trong đó, khởi tố hình sự 814 tin, không khởi tố 940 tin, tạm đình chỉ 144 tin, ban hành 1.970 yêu cầu xác minh, tiến hành 29 cuộc kiểm sát trực tiếp (trong đó có 04 cuộc phối hợp với cơ quan Mặt trận Tổ quốc). Việc giải quyết luôn đảm bảo theo quy định tố tụng hình sự, không có trường hợp tin báo, tố giác chưa qua phân loại và 100% quyết định tố tụng được phê chuẩn đều có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Làm việc với Đồn biên phòng và Viện kiểm sát thành phố Móng Cái |
Để đạt được những kết quả này thì VKSND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã có những đổi mới trong cách làm, biện pháp thực hiện trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố như sau:
VKSND hai cấp ở tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt, thống nhất nhận thức các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư liên tịch số 06/2013, số 01/2017 và các quy chế nghiệp vụ của ngành về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Tiếp công dân và trực nghiệp vụ 24/24 giờ, kiểm sát khám nghiệm 100% các vụ được thông báo. Triển khai thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Chủ động mở rộng quản lý nguồn tin với cơ quan chức năng và Công an, UBND cấp xã.
Đoàn công tác của Tạp chí Kiểm sát |
Phân công cán bộ thực hiện việc theo dõi, thực hiện việc đối chiếu tin báo theo định kỳ hàng tuần với Cơ quan điều tra, hàng tháng với Công an, UBND cấp xã để quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác... Cụ thể như: Ngày 30/7/2019, VKSND tỉnh Quảng Ninh ký kết Quy chế phối hợp số 01/2019/QCPH-VKS-CA-BDBP-HQ-KL-TTr-CT-QLTT với 08 ngành trên địa bàn tỉnh với nội dung phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thay thế cho Quy chế số 01 ngày 01/7/2014 trước đây; qua đó, VKSND cấp huyện cũng đã triển khai các phương thức và cách thức thực hiện cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, điển hình như VKSND thành phố Hạ Long ký kết Quy chế phối hợp số 01/QCPH/BPC-VKSND với Ban pháp chế Hội đồng nhân dân của thành phố với mục đích giám sát công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm ở ngay cấp xã, phường, thị trấn...; hoặc như VKSND thành phố Móng Cái ký kết quy chế phối hợp với từng đồn biên phòng khu vực biên giới Việt - Trung, ký quy chế phối hợp với Chi cục Hải quan, cơ quan Thuế... trên địa bàn thành phố trong việc phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm... Các VKSND thị xã Quảng Yên, VKSND thị xã Đông Triều cũng đã ký kết các quy chế phối hợp cung cấp thông tin về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm với Công an phường, xã trên địa bàn...
Việc ký kết các quy chế với các cơ quan khác giúp cho Viện kiểm sát nắm được tố giác, tin báo về tội phạm ngay từ ban đầu, từ quần chúng nhân dân; qua đó đã kiểm sát, phát hiện các vi phạm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, theo đó, VKSND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu khởi tố 36 vụ, 04 bị can, trực tiếp khởi tố 02 vụ án, ban hành tổng số 111 kiến nghị yêu cầu các cơ quan Công an, Đồn biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm và cơ quan khác khắc phục các vi phạm như vi phạm về thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết tin báo; chậm ra quyết định khởi tố; không thông báo cho Viện kiểm sát; vi phạm về thu thập tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, định giá tài sản, khám nghiệm hiện trường...
Điển hình như VKSND thành phố Hạ Long trong năm 2018 đã yêu cầu cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hạ Long chuyển hồ sơ đối với tin báo có dấu hiệu của Tội trộm cắp tài sản trên địa bàn để trực tiếp thụ lý, giải quyết, theo đó, qua quá trình xác minh tin báo, Viện kiểm sát đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về Tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự (Quyết định khởi tố số 01/QĐ-VKSHL ngày 06/9/2018). Ngoài ra, VKSND thành phố Hạ Long đã yêu cầu khởi tố 02 vụ án hình sự (Quyết định số 02/YC-VKSHL và 03/YC-VKSHL ngày 07/3/2018)...
Đoàn công tác làm việc với VKSND thành phố Móng Cái |
Qua kiểm sát, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành tổng số 31 kiến nghị với các cơ quan chức năng về công tác phòng ngừa, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động; phòng, chống xâm hại trẻ em, tệ nạn mại dâm... và phòng ngừa các loại tội phạm khác. Các kiến nghị của Viện kiểm sát đều được các cơ quan chấp nhận.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, thực tế thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, cụ thể như:
Thứ nhất, do nhân lực của Ngành kiểm sát còn thiếu, nhiều đồng chí phải kiêm nhiệm nhiều khâu công tác khác trong khi khối lượng công việc lớn và và phải thường xuyên trực nghiệp vụ 24/24 giờ.
Thứ hai, trong qúa trình phối hợp giữa Viện kiểm sát và các cơ quan khác về việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo tội phạm còn chưa thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật, do đó một số tin báo về tội phạm xác minh không kịp thời, để kéo dài không cần thiết.
Thứ ba, Thông tư liên tịch số 01/2017 ban hành về quy chế phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã có hiệu lực nhưng vẫn còn một số bất cập trong việc phân loại giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, quy trình tiếp nhận còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Tại các buổi làm việc với Phòng nghiệp vụ và các Viện kiểm sát cấp huyện, thành phố tại VKSND tỉnh Quảng Ninh, Đoàn công tác cũng đã được nghe các đơn vị nêu lên những khó khăn, vướng mắc cụ thể (Tạp chí Kiểm sát sẽ có bài viết nghiên cứu đăng trên Tạp chí Kiểm sát in số ra tháng 9/2019), đồng thời, đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
Một là, các đơn vị, bộ phận nghiệp vụ của Viện kiểm sát phải nắm rõ tình hình và là đầu mối thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Hai là, VKSND hai cấp cần tích cực xây dựng các quy chế phối hợp, không chỉ với các cơ quan tiến hành tố tụng, mà còn với hệ thống các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm phối hợp trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Ba là, đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật sớm có những hướng dẫn cụ thể hơn để giúp cho VKSND nói chung và VKS tỉnh Quảng Ninh nói riêng thuận lợi trong công tác trên.