VKSND tỉnh Cà Mau: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hành chính...

Ngày đăng : 13:55, 28/08/2019

(Kiemsat.vn) - Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành, của Quốc hội giao. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau đã đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tốt công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự.

Hội đồng xét xử khai mạc phiên tòa dân sự

Thực hiện các quy Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, thời gian qua Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp, thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của VKS trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tại các phiên toà, phiên họp; tích cực phát hiện, tổng hợp các vi phạm để thực hiện tốt quyền kháng nghị, kiến nghị theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản của Viện kiểm sát hai cấp trong thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế như: Số vụ việc do Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm ở một số Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện còn thấp so với số bản án, quyết định cấp phúc thẩm xét xử tuyên huỷ án sơ thẩm có trách nhiệm của Viện kiểm sát; có vụ việc, Kiểm sát viên đã nghiên cứu hồ sơ, trực tiếp tham gia phiên toà nhưng không phát hiện được vi phạm để kiến, kháng nghị, dẫn đến Toà án cấp trên xét xử tuyên huỷ án.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và Chỉ thị công tác kiểm sát hàng năm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành, của Quốc hội giao. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Cà Mau cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp như sau:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và hướng dẫn, chỉ thị của Ngành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự. Thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa, phiên họp, khi tham gia phiên toà, phiên họp, Kiểm sát viên cần tập trung làm tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nhất là quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản và những vụ việc khác… Kiểm sát viên cũng phải bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, trên nguyên tắc quyền quyết định, tự định đoạt của đương sự. Khi thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm trong tố tụng dân sự, đặc biệt là quyền kháng nghị, Viện kiểm sát hai cấp phải xem xét thận trọng, bảo đảm căn cứ pháp lý, tôn trọng tối đa quyền quyết định, tự định đoạt của các đương sự, đảm bảo mọi hoạt động thực hiện thẩm quyền của Viện kiểm sát  đều xuất phát từ yêu cầu bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát hai cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng, đầy đủ vai trò trách nhiệm và quyền hạn theo quy định của BLTTDS, Luật tố tụng hành chính và các Luật, văn bản pháp luật khác có liên quan một cách hiệu quả. Kiểm sát viên khi tham gia kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, hành chính phải công tâm, khách quan, thận trọng trong nghiên cứu, đánh giá các tài liệu, chứng cứ và việc áp dụng pháp luật của Toà án; kiểm sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn tố tụng, khắc phục triệt để các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản, quá thời hạn xét xử hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng do lỗi chủ quan của Kiểm sát viên; thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên khi tham gia phiên toà, phiên họp theo luật định; kiên quyết và làm tốt việc thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị của VKS đã được quy định trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và BLTTDS, Luật TTHC cụ thể như sau:

+ Thứ nhất: Về vai trò trách nhiệm của kiểm sát viên tham gia phiên toà, phiên họp: Theo quy định của pháp luật, thì Kiểm sát viên phải phát biểu ý kiến về tố tụng và nội dung việc giải quyết vụ án. Do vậy, khi chuẩn bị tham gia phiên toà sơ, phúc thẩm xét xử vụ án dân sự, hành chính Kiểm sát viên phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án, kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Toà án và những người tham gia tố tụng; nắm chắc nội dung vụ án, đánh giá, phân tích, lập luận các chứng cứ đã thu thập và đề xuất quan điểm giải quyết vụ án. Đồng thời, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, hành chính phải lập hồ sơ kiểm sát theo đúng quy định của Ngành, nhằm giúp Kiểm sát viên nắm chắc quá trình tố tụng của vụ án cũng như việc thu thập chứng cứ của Toà án. Tại phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm Kiểm sát viên còn phải kiểm sát chặt chẽ quá trình tranh tụng giữa các bên đương sự, nắm vững các tình tiết khách quan của vụ án, phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án một cách toàn diện, đầy đủ và chính xác; kiểm sát việc áp dụng pháp luật nội dung để giải quyết vụ án, bảo đảm các quyết định của Toà án và Hội đồng xét xử phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án đã được làm sáng tỏ qua quá trình tranh luận giữa các bên đương sự tại phiên toà. Đồng thời Kiểm sát viên thực hiện tốt vai trò của mình trước, trong và sau phiên toà có như vậy mới nâng cao vai trò và chất lượng kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự.

+ Thứ hai: Về quyền yêu cầu: Thực tiễn công tác thời gian qua, một số Toà án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu của Viện kiểm sát trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có cả nguyên nhân là do yêu cầu của Viện kiểm sát còn chung chung, chưa cụ thể,… Để nâng cao hiệu quả thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát là phải nâng cao chất lượng nội dung yêu cầu; các yêu cầu phải sát với thực tiễn, cụ thể rõ ràng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

+ Thứ ba: Về quyền kiến nghị: Nội dung các kiến nghị bao gồm cả việc chỉ ra các vi phạm đơn lẻ của Toà án trong quá trình giải quyết từng vụ việc và cả việc tập hợp, phân loại các vi phạm có tính chất phổ biến, kéo dài,… Viện kiểm sát hai cấp cần phải chủ động phát hiện, tổng hợp đánh giá tình hình vi phạm trong việc giải quyết các vụ việc dân sự để ban hành kiến nghị với Toà án yêu cầu khắc phục vi phạm. Đồng thời, tham mưu, đề xuất Cấp uỷ có biện pháp chỉ đạo để phòng ngừa vi phạm.

 + Thứ tư: Về quyền kháng nghị: Để nâng cao chất lượng kháng nghị, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Cà Mau cần đề ra các giải pháp, kỹ năng phát hiện vi phạm của Toà án thông qua nghiên cứu các bản án, quyết định của Toà án; chủ động yêu cầu Toà án chuyển hồ sơ để nghiên cứu, phát hiện vi phạm, áp dụng các giải pháp mang tính chất tổng thể, có giá trị pháp lý cao nhằm thực hiện tốt thẩm quyền kháng nghị, bảo đảm việc kháng nghị có căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc kháng nghị tràn lan, thiếu căn cứ hoặc bỏ sót vi phạm, dẫn đến bản án, quyết định bị sửa, huỷ có liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát. Kháng nghị vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; khi kháng nghị các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản phải đảm tính có căn cứ chỉ ra được những vi phạm của bản án, quyết định về tố tụng và nội dung làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự, bảo đảm chất lượng, tránh hình thức,“việc kháng nghị phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật và kịp thời”. Có được như vậy là  đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên.

Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản là một trong những chức năng quan trọng của Ngành. Đây cũng là lĩnh vực công tác rất khó khăn và nhạy cảm, do đó đòi hỏi Viện kiểm sát hai cấp, Kiểm sát viên phải không ngừng đổi mới và phát huy vai trò, trách nhiệm của mình; Đồng thời mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải thường xuyên trao dồi kiến thức, tích luỹ kinh nghiệm, có bản lĩnh thực thi công vụ. Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản vừa là để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và của công dân, giữ vững kỷ cương pháp luật, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, phá sản trong Ngành kiểm sát nhân dân theo tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay./.                                                                         

Phạm Thanh Răng