Phân biệt tranh chấp hủy kết quả bán đấu giá tài sản và tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản
Ngày đăng : 14:07, 24/08/2019
Từ khi Luật thi hành án dân sự (THADS) năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi là Luật THADS năm 2008) có hiệu lực thi hành, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra tại các hội thảo, hội nghị, diễn đàn... trao đổi về trường hợp cơ quan THADS đã bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án (THA) để THA, nếu như người phải THA hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản bán đấu giá không đồng ý với kết quả bán đấu giá thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp “hủy kết quả bán đấu giá tài sản” không? Tòa án thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết có đúng quy định pháp luật không?
Để nhận định, đánh giá nội dung vấn đề đúng pháp luật và việc Tòa án quyết định thụ lý vụ án có đúng hay không, trước hết, cần phân biệt giữa hai khái niệm tranh chấp “hủy kết quả bán đấu giá tài sản” và tranh chấp “về kết quả bán đấu giá tài sản” theo quy định tại Điều 102 Luật THADS năm 2008 là khác nhau. Tuy luật không có khái niệm cụ thể như thế nào là “hủy kết quả bán đấu giá tài sản” và “về kết quả bán đấu giá tài sản” nhưng về nhận thức pháp luật, chúng ta cần hiểu “về kết quả bán đấu giá tài sản” có ngữ nghĩa khác với “hủy kết quả bán đấu giá tài sản”. Theo đó, tranh chấp “hủy kết quả bán đấu giá tài sản” là loại tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết có hàm chứa nội dung kết quả bán đấu giá tài sản không có giá trị (vô hiệu) do vi phạm Điều 72 Luật đấu giá tài sản năm 2016, còn tranh chấp “về kết quả bán đấu giá tài sản” là loại tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết hàm chứa nội dung về kết quả bán đấu giá thành hoặc không thành khi có tranh chấp... Chính vì vậy, tại Điều 102 Luật THADS năm 2008, nhà làm luật đã chia tách thành hai khoản khác nhau, tại khoản 1 của Điều luật quy định về hủy kết quả bán đấu giá tài sản, khoản 2 của Điều luật quy định về quyền khởi kiện của chủ thể là người mua được tài sản bán đấu giá và Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản.
Trên cơ sở đó, trước khi Tòa án thụ lý giải quyết, cần xem xét kỹ về nội dung yêu cầu giải quyết tranh chấp thuộc trường hợp nào để có căn cứ thụ lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và các luật khác có liên quan. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, nếu người phải THA hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản bán đấu giá khởi kiện yêu cầu “hủy kết quả bán đấu giá tài sản” thì Tòa án phải xem xét căn cứ theo khoản 1 Điều 102 Luật THADS năm 2008 và quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản, cụ thể là điểm đ khoản 1 Điều 47 Luật đấu giá tài sản năm 2016 về quyền, nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá để thụ lý giải quyết theo quy định.
Thứ hai, nếu người phải THA hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tài sản bán đấu giá có tranh chấp “về kết quả bán đấu giá tài sản” thì Tòa án căn cứ khoản 13 Điều 26 BLTTDS năm 2015 về "những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án" để thụ lý.
Thứ ba, người có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản là người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên theo quy định của khoản 2 Điều 102 Luật THADS năm 2008.
Như vậy, Tòa án nhân dân (TAND) sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với tất cả các tranh chấp gồm: Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, tranh chấp hủy kết quả bán đấu giá tài sản... Người có tài sản bán đấu giá, người bán đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản bán đấu giá... khi cho rằng kết quả bán đấu giá ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình đều có quyền khởi kiện tại TAND yêu cầu giải quyết các tranh chấp trên.
Thực tế, cách áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp tại nhiều địa phương chưa thống nhất với nhau trong vận dụng pháp luật chuyên ngành và các luật có liên quan để xem xét thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn theo thẩm quyền mà BLTTDS đã quy định.
Ví dụ: Tại TAND huyện C, tỉnh T, bà M là người có tài sản đấu giá, có đơn khởi kiện đến TAND huyện C yêu cầu giải quyết “hủy kết quả bán đấu giá tài sản” vì cho rằng trong quá trình THA, Chấp hành viên không tuân thủ đúng quy định về thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản và thủ tục bán đấu giá tài sản không đảm bảo, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà M. Sau đó, TAND huyện C đã thụ lý đơn khởi kiện của bà M để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện C đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đã thụ lý về việc “tranh chấp yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản” với lý do: “Xét thấy người khởi kiện bà M là người bị THA theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật THADS năm 2008 nên không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án, do đó nên không có quyền khởi kiện...”.
Theo quy định Điều 269 BLTTDS năm 2015 thì quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của TAND huyện C đã ban hành phải giao hoặc gửi cho Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện C. Quá trình kiểm sát quyết định đình chỉ của TAND huyện C, VKSND huyện C nhận thấy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của TAND huyện C là không đúng quy định pháp luật, bởi lẽ: Bà M khởi kiện yêu cầu giải quyết “hủy kết quả bán đấu giá tài sản”, chứ bà M không có tranh chấp “về kết quả bán đấu giá tài sản” theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật THADS năm 2008. Việc yêu cầu “hủy kết quả bán đấu giá tài sản” và tranh chấp “về kết quả bán đấu giá tài sản” là khác biệt nhau. Do đó, Tòa sơ thẩm áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật THADS năm 2008 để đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng pháp luật. Về bản chất, việc khởi kiện của bà M là yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vô hiệu, nên cấp sơ thẩm không thể áp dụng khoản 2 Điều 102 Luật THADS năm 2008 để đình chỉ vụ án, mà phải thụ lý giải quyết theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 47 Luật đấu giá tài sản năm 2016 như tại phần lập luận “thứ nhất” nêu trên./.