Hiệu quả từ những phiên tòa diễn án
Ngày đăng : 16:23, 21/08/2019
Thực hiện chủ trương đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân, trong thời gian qua, Trường Đại học kiểm sát Hà Nội đã lựa chọn, nghiên cứu áp dụng mô hình phiên tòa giả định trong hoạt động giảng dạy nhằm tạo môi trường thực hành, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cho học viên đang theo học đào tạo nghiệp vụ kiểm sát; góp phần đào tạo nguồn cán bộ, kiểm sát viên“vừa hồng vừa chuyên”.
Trong phiên tòa diễn án, các học viên sẽ đóng vai các chức danh của một phiên tòa theo nghiệp vụ chuyên môn đang được đào tạo. Các vai diễn: Chủ tọa phiên tòa; Hội thẩm nhân dân; Kiểm sát viên; Thư ký phiên tòa; Nguyên đơn; Bị đơn; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự; Người làm chứng… đều được các học viên chuẩn bị chu đáo, cẩn thận và “nhập vai” một cách xuất sắc. Những tình huống kịch tính phát sinh tại phiên tòa được Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên xử lý, giải quyết một cách chính xác theo đúng quy định.
Phiên tòa giả định kết thúc, để lại nhiều dấu ấn và những thông tin bổ ích cho cả học viên và các thành viên tham dự; việc giải quyết các tình huống phát sinh tại phiên tòa đã gián tiếp giúp các học viên hệ thống lại nội dung đã học.
Có thể nói, với phương pháp đào tạo lấy người học làm trung tâm đã phát huy được tính chủ động, tư duy độc lập, sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề chuyên môn. Các học viên không những được trau dồi kiến thức, được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, được ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, kỹ năng nghề nghiệp; qua đó khơi dậy cho các học viên nguồn cảm hứng, lòng yêu nghề và tự hào về Ngành kiểm sát nhân dân.
Một số hình ảnh diễn án của các học viên:
|