Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên đối với các tội phạm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm phụ nữ và trẻ em

Ngày đăng : 16:23, 10/08/2019

(Kiemsat.vn) - Ngày 07, 08/8/2019, VKSND tối cao phối hợp với Dự án JICA Nhật Bản và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc UNODC tổ chức Hội thảo quốc tế "Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên đối với các tội phạm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm phụ nữ và trẻ em"

Tham dự hội thảo có bà Ehara Ikumi, đại diện JICA tại Việt Nam; bà Nguyễn Nguyệt Minh, Quyền phụ trách UNODC tại Việt Nam; các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế; đại diện một số đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các phòng, khoa, trung tâm thuộc Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Tiến sĩ Lại Viết Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội dự, chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Lại Viết Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhấn mạnh, bảo vệ phụ nữ và trẻ em luôn là vấn đề được quan tâm và ưu tiên đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam; đây là đối tượng dễ bị tổn thương, là mục tiêu xâm hại của một số loại tội phạm. Những nỗ lực bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam đến nay tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng trong thời gian gần đây, tình trạng các loại tội phạm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em đang ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Với mục đích nâng cao công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến phụ nữa và trẻ em. Hội nghị có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ thảo luận, hướng dẫn các quy định pháp luật, và kiến nghị học hỏi những quy định mới nhằm mục đích bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em.

Tại hội thảo; đã có 10 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế như: PGS.TS. Trần Văn độ; TS. Đỗ Đức Hồng Hà; TS.Makiko NaKa TS. Phạm Minh Tuyên; Bà Yukari KOTANI; TS. Nguyễn Đức Hạnh; bà Santanee Ditsayabut..., về các nội dung: Nhận diện những quy định mới của BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của phụ nữ và trẻ em – Giải pháp quan trọng nhằm mục đích nâng cao chất lượng hoạt động tranh tung của kiểm sát viên đối với loại án này; phỏng vấn người dễ tổn thương – phỏng vấn hình sự (Forensic interview); tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm đối với các vụ án xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm mà người bị hại là phụ nữ và trẻ em gái; Kiểm sát viên cần nâng cao kỹ năng tranh tụng như thế nào trong các vụ án xâm hại sức khỏe, danh dự và nhân phẩm mà người bị hại là phụ nữ và trẻ em ở Thái Lan; khó khăn và giải pháp nâng cao kỹ năng tranh tụng trong các vụ án xâm hại danh dự, nhân phẩm mà người bị hại là phụ nữ và trẻ em…

Các chuyên gia quốc tế và Việt Nam tham dự Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, Tiến sĩ Mai Đắc Biên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã tổng hợp lại toàn bộ nội dung diễn ra trong hai ngày hội thảo theo các nhóm vấn đề sau: Tranh tụng tại phiên tòa là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trong của kiểm sát viên nhằm mục đích làm sang tỏ những tình tiết chưa rõ, công khai, minh bạch chứng cứ và là cơ sở để buộc tội bị can, bị cáo. Do đó khi tranh tụng tại phiên tòa, các kiểm sát viên phải thu thập đầy đủ và nắm rõ chứng cứ; có sự chuẩn bị trước những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa, dự thảo trước, trang bị kỹ năng hỏi bị hại là trẻ em, phụ nữ. Phải có cách hiểu thống nhất với các quy định của pháp luật về loại tội này nếu không sẽ dẫn đến việc áp dụng pháp luật tùy nghi, thiếu sự nhất quán; tiếp thu và áp dụng và thực tiễn giải quyết vụ án, học hỏi mô hình tranh tụng, cách thức tranh tụng, những kinh nghiệm hỏi bị hại, thu thập chứng cứ các loại án mà đối tượng phạm tội là phụ nữ và trẻ em từ các quốc gia Nhật Bản, Philip-pin. Đồng thời, tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, từ đó kiến nghị ban hành hướng dẫn hoặc sửa đổi quy định của pháp luật để việc áp dụng được thống nhất, bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em./.

Phạm Cường