Mỹ lần đầu tiên sinh sản thành công tê giác từ thụ tinh nhân tạo

Ngày đăng : 11:36, 08/08/2019

(Kiemsat.vn) - Sự kiện một cá thể tê giác trắng Nam Phi được sinh ra từ thụ tinh nhân tại tại vườn thú San Diego, California, Mỹ cuối tháng 7 vừa qua đánh dấu một bước quan trọng trong việc cứu các quần thể tê giác hoang dã khỏi bờ vực tuyệt chủng

Cá thể mới sinh là trường hợp đầu tiên ở Bắc Mỹ và thứ ba trên thế giới, được sinh ra do thụ tinh nhân tạo.

Cá thể tê giác trắng mới sinh đứng cạnh mẹ ở vườn thú San Diego, California. (Ảnh: Ken Bohn/AP)

Barbara Durrant, Giám đốc khoa học sinh sản thuộc San Diego Zoo Global, Tổ chức phi lợi nhuận điều hành vườn thú cho rằng sự ra đời của cá thể tê giác trắng này là một phần trong kế hoạch cứu tê giác trắng Bắc Phi – một phân loài có liên quan nhưng quần thể giảm xuống chỉ còn hai cá thể.

Trong khi đó, quần thể tê giác trắng Nam Phi đã phục hồi và ổn định sau cả thế kỷ bảo vệ và quản lý chặt chẽ. Tê giác trắng Bắc Phi bị săn bắn tràn lan trong thời kỳ thuộc địa và bị săn trộm trong những năm gần đây. Cá thể đực cuối cùng của phân loài này đã chết vào tháng 3 và hiện chỉ còn hai cá thể cái.

Nhóm của Durrant hy vọng rằng sáu cá thể tê giác trắng Nam Phi do họ chăm sóc sẽ đóng vai trò thay thế cho phôi tê giác trắng Bắc Phi để hồi sinh quần thể.

Năm nay, các nhà khoa học tại vườn thú Chorzow, Ba Lan đã chuyển thành công phôi tê giác lai – được tạo ra trong ống nghiệm với tinh trùng tê giác Bắc Phi đông lạnh và trứng tê giác Nam Phi – vào một cá thể tê giác Nam Phi. Nhưng không rõ liệu việc mang thai có thành công hay không.

Các nhà khoa học đã bảo quản các mẫu tinh trùng từ nhiều cá thể tê giác Bắc Phi đực mặc dù họ vẫn chưa xin phép chính phủ Kenya để lấy trứng từ hai thể cái còn sống.

Nhóm của Durrant đang nỗ lực để không phải lấy trứng bằng cách chuyển đổi các tế bào tê giác trắng Bắc Phi đông lạnh được bảo quản từ thành tế bào gốc có thể phát triển thành tinh trùng và trứng”.

“Mục tiêu tột đỉnh của chúng tôi là có một đàn tê giác trắng thuần Bắc Phi có thể tự duy trì”, Durrant nói.

Hiện nhóm nghiên cứu đang làm việc để cải thiện các quy trình thụ tinh nhân tạo và thử nghiệm xem mỗi cá thể tê giác Nam Phi có khỏe mạnh, có khả năng sinh con và nuôi con hay không.

Một cá thể tê giác khác tại Trung tâm cứu hộ tê giác Nikita Kahn thuộc vườn thú có tên là Amani đang mang thai từ thụ tinh nhân tạo, dự kiến sẽ sinh vào tháng 9 hoặc tháng 10.

 

Theo Nhật Anh (The Giuardian)