Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra nhằm chống oan sai và bỏ lọt tội phạm

Ngày đăng : 05:34, 18/07/2019

(Kiemsat.vn) - Sáng 17/7/2019 VKSND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 06/CT- ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm” trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Toàn cảnh Hội nghị 

Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện Ban Nội chính Thành ủy; các đồng chí đại diện Cơ quan CSĐT, Cơ quan ANĐT Công an thành phố Hà Nội; Lãnh đạo vụ nghiệp vụ VKSND tối cao. Hội nghị được truyền hình trực tuyến tới 31 điểm cầu của VKSND cấp quận huyện với sự tham dự của các cán bộ, Kiểm sát viên trực tiếp làm công tác Điều tra và Kiểm sát điều tra của hai ngành Công an và Viện kiểm sát.

Phát biểu khai mạc Hội nghị đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Viện trưởng VKSND thành phố nhấn mạnh: Thực tiễn cho thấy các vụ án oan sai thì có một nguyên nhân sâu xa xuất phát từ hoạt động điều tra và hoạt động thực hành quyền công tố  kiểm sát điều tra có những thiếu sót, vì vậy Đảng đã có chủ trương: “ Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm” mục đích là khắc phục những yếu kém nói trên và đó là giải pháp quan trọng nhất để khắc phục hạn chế việc xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm và chủ trương đó đã được thể chế hóa trong tố tụng hình sự, đặc biệt là BLTTHS năm 2015. 

Tại Hội nghị, đồng chí Đào Văn Cường, Phó Viện trưởng VKSND thành phố  đã trình trình bày tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Viện kiểm sát hai cấp thành phố. Báo cáo đã đánh giá cụ thể, đầy đủ, chính xác những kết quả đã đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm và các giải pháp trong việc triển khai thực hiện những nội dung của Chỉ thị 06 trên thực tiễn với một số kết quả nổi bật đó là: 

Đã kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết đối với toàn bộ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra ngay từ đầu; quản lý, giám sát chặt chẽ việc thụ lý, tiến độ, kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm nhằm chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; kiên quyết yêu cầu khởi tố ra quyết định khởi tố, hủy bỏ quyết định khởi tố, không khởi tố có căn cứ trái quy định của pháp luật của CQĐT; chủ động phối hợp, yêu cầu CQĐT thụ lý, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm phát hiện qua phương tiện thông tin đại chúng, qua các kênh mạng thông tin xã hội gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tình hình chính trị địa phương;

Đề cao trách nhiệm, bám sát, nắm chắc quá trình điều tra; chủ động, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra có chất lượng để CQĐT tiến hành điều tra theo đúng hướng, toàn diện;

Tăng cường kiểm sát việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhằm tránh oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; phối hợp với CQĐT đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm;

Nâng cao trách nhiệm của VKS trong việc kiểm sát và phê chuẩn các lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam của CQĐT;

Chú trọng phổ biến tăng cường nâng cao trách nhiệm, ý thức của từng cán bộ, KSV trong công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát lập hồ sơ vụ án.

Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị đồng chí Nguyễn Duy Giảng khẳng định: Cần tiếp tục quán triệt tốt chủ trương tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, coi đây là giải pháp cơ bản trong việc chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; VKSND 2 cấp phải nắm bắt đầy đủ tình hình tin báo về tội phạm từ CQĐT; nâng cao chất lượng yêu cầu điều tra trong các vụ án; tăng cường vai trò trách nhiệm của lãnh đạo VKS hai cấp; Thanh tra của VKSND thành phố cũng như Thủ trưởng các đơn vị cần tăng cường hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện kịp thời các thiếu sót, các sai phạm; Cần tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ  cho cán bộ trực tiếp làm công tác Điều tra và Kiểm sát điều tra Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra hai cấp./.

TH