Lần đầu tiên Việt Nam được tiếp nhận công nghệ sản xuất pin Vanadium để phục vụ lưu trữ điện năng

Ngày đăng : 16:50, 09/07/2019

(Kiemsat.vn) - Công nghệ Pin Vanadium lưu trữ năng lượng tái tạo ổn định, phù hợp phục vụ canh tác cây Thanh long về đêm.

Chiều ngày 9/7/2019, tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, số 10 Chu Văn An, quận Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ pin oxy hóa – khử Vanadium trong lưu trữ điện năng phục vụ sản xuất nông nghiệp, an ninh năng lượng và phát triển bền vững tại Việt Nam”.

Tham gia buổi Tọa đàm có diễn giả Nguyễn Duy Tâm, Tiến sĩ, trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, thành viên Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM và ngài Gilliam Colin Neil, Giám đốc Quản lý Chi nhánh Australia, Tập đoàn RedT Energy; ông Nguyễn Thanh Tuấn, tác giả Chương trình 240; ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm tổng Thư ký Liên hiệp, đại diện Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Tô Quốc Trụ, đại diện Hiệp hội năng lượng Việt Nam VEA; ông Trần Minh Mạnh đại diện Bộ Nông nghiệp phát triển Nông Thôn; đại diện của EVN và Bộ Công thương;...

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Hệ thống pin Vanadium hoàn chỉnh đầu tiên được nhóm nghiên cứu của giáo sư Maria Skyllas-Kazacos thiết kế, phát triển và vận hành. Dù có chung nguyên lý lưu trữ bằng chuyển đổi điện năng thành hóa năng, những khác với các loại pin truyền thống lưu trữ năng lượng trong điện cực, pin Vanadium lưu trữ năng lượng vào trong 2 chất điện giải âm và dương dạng lỏng. Trong quá trình xả, hai chất điện này được bơm vào trong tế bào pin để chuyển hóa trở lại thành năng lượng điện.

Diễn giả Nguyễn Duy Tâm, Tiến sĩ trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, thành viên Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM giới thiệu công nghệ sản xuất pin Vanadium

Pin Vanadium có đặc tính kỹ thuật phù hợp để tương thích với các hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo, vốn mang tính phi ổn định và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết như: khả năng nâng cấp một cách độc lập dung lượng lưu trữ cũng như công suất đầu ra của hệ thống tuổi thọ trung bình cao (>20 năm), chi phí bảo dưỡng thấp, có thể thay thế từng phần (modun) mà không ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống; có khả năng sạc với nguồn không ổn định, chúng có khả năng sử dụng năng lượng Mặt trời, gió, thủy triều, sóng biển, địa nhiệt làm nguồn năng lượng không liên tục, do đó công nghệ này rất linh hoạt đối với năng lượng có sẵn tại địa phương; vận hành ổn định, không gây tiếng ồn, an toàn (không gây cháy, nổ,…), có khả năng tái chế cao, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững khi việc tái chế pin lithium-ion đang rất tốn kém và khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, tác giả Chương trình 240

Đối với Việt Nam, trong canh tác nông nghiệp, pin Vanadium được dùng làm hệ thống cung cấp năng lượng ổn định và đáng tin cậy dùng cho chiếu sáng, tưới tiêu, chế biến, tích hợp với hệ thống 240, cung cấp điện năng vào ban đêm tại Bình Thuận và một số địa phương trong cả nước. (Ví dụ trong canh tác cây thanh long vào ban đêm ở tỉnh Bình Thuận).

Đặc biệt, đối với các vùng biên giới, hải đảo xa xôi không thể kết nối với lưới điện quốc gia hay các khu vực đặc thù như sân bay, các cơ sở dữ liệu,… nơi mà đòi hỏi hệ thống điện phải hoạt động 24/24 thì pin Vanadium có thể hoàn toàn đảm bảo năng lượng điện trong trường hợp khẩn cấp, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Diễn giả Gilliam Colin Neil, Giám đốc Quản lý Chi nhánh Australia, Tập đoàn RedT Energy

Thực hiện Chương trình hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ sản xuất pin Vanadium giữa Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM và Tập đoàn Công nghệ năng lượng tái tạo RedT Energy. Ltd (Anh quốc), nhằm mục tiêu cung cấp và lắp đặt thiết bị Pin Vanadium tại Việt Nam. Với 20 năm kinh nghiệm trong thị trường công nghệ sạch và công nghệ Pin Vanadium, Công ty RedT Energy sẽ hợp tác với Viện VIPTAM để chuyển giao công nghệ này tới Việt Nam thông qua hình thức liên doanh.

Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm:

 

 

 

 

Thùy Linh