Đối tượng, điều kiện được đặc xá theo quy định mới của pháp luật về đặc xá

Ngày đăng : 10:07, 25/06/2019

(Kiemsat.vn) - Luật Đặc xá năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với người phạm tội bị kết án phạt tù nhằm khuyến khích họ cải tạo tốt, sớm được trở lại với cộng đồng để phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội

Luật Đặc xá năm 2018 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và khắc phục những tồn tại, bất cập sau hơn 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện pháp luật về đặc xá; đồng thời, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. 

So với quy định của Luật Đặc xá năm 2007, Luật Đặc xá năm 2018 có nhiều nội dung mới, thay đổi về điều kiện của người được đề nghị đặc xá, trường hợp không đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; về hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị đặc xá, thực hiện quyết định đặc xá; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá. 

Nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đặc xá năm 2018, ngày 14/06/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2019/NĐ - CP. Theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội thì Nghị định quy định có 7 điều kiện để có thể được xem xét đặc xá, gồm:

1. Người bị kết án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người đã chấp hành nghiêm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động, cải tạo và các quý đã đủ thời gian xếp loại trong quá trình chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt.

2. Người bị kết án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người thuộc một trong các trường hợp sau: a- Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án; b- Có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; c- Có văn bản đề nghị của người được thi hành án hoặc đại diện hợp pháp của người được thi hành án về việc không phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án đối với tài sản không thuộc sở hữu nhà nước.

3. Người bị kết án phạt tù đã thi hành được một phần nghĩa vụ tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại là trường hợp người đó và gia đình không còn tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án và không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng.

4. Người bị kết án phạt tù đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người thuộc một trong các trường hợp sau: a- Đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; b- Cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn (có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên) của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; c- Có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận.

Người đã có quyết định thi hành án phạt tù lập công lớn trong thời gian chờ đưa đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để chấp hành án phạt tù cũng được coi là lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù.

5. Người bị kết án phạt tù đang mắc bệnh hiểm nghèo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người mắc một trong các bệnh: Ung thư giai đoạn cuối; liệt; lao nặng kháng thuốc; xơ gan cổ chướng; suy tim độ III trở lên; suy thận độ IV trở lên; bệnh HIV giai đoạn lâm sàng IV đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc bệnh khác mà được Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là không tự phục vụ bản thân, nguy cơ tử vong cao.

6. Người bị kết án phạt tù đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người đang phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục từ 03 tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng phải nằm điều trị tại bệnh viện từ ba lần trở lên, mỗi lần từ 01 tháng trở lên, không tự phục vụ bản thân, có kết luận bằng văn bản của Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên.

7. Người bị kết án phạt tù có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại điểm e khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là trường hợp gia đình của người bị kết án phạt tù đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác dẫn đến không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc thu nhập dưới mức chuẩn hộ nghèo hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng.

So với Nghị định 76/2008/NĐ-CP ngày 04/7/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá năm 2007, Nghị định mới đã bổ sung thêm 3 trường hợp người bị kết án phạt tù có nhiều tiến bộ có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt, người bị kết án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác, người bị kết án phạt tù đã thi hành được một phần nghĩa vụ tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại./.

Ls. Phạm Thị Bích Hảo