Cần thống nhất cách hiểu thời điểm xác định “người dưới 18 tuổi bị kết án” theo quy định tại Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015
Ngày đăng : 18:49, 15/06/2019
Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015 về xóa án tích quy định:
"1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.".
Điều luật có quy định cụm từ người dưới 18 tuổi bị kết án, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án hay người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án, vậy cần xác định tuổi (dưới 18 tuổi, đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) vào thời điểm nào khi xét xử bị kết án hay thời điểm khi người đó phạm tội? Trong thực tế, có một số vụ án do hiểu quy định này khác nhau nên áp dụng quan điểm giải quyết khác nhau khi tính toán để xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất:
Thời điểm xác định độ tuổi dưới 18 tuổi theo Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 là vào thời điểm người đó bị kết án, tức là vào thời điểm bị xét xử, vì:
Theo cấu trúc từ ngữ trong câu tại Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ: “Người dưới 18 tuổi bị kết án” ở đây quy định là kết án chứ không phải là phạm tội khác với các quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ “người dưới 18 tuổi phạm tội”. Kết án nói lên một trình tự thủ tục tố tụng, còn phạm tội là thời điểm thực hiện hành vi trái pháp luật, bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều từ ngữ ở các điều luật xác định thời điểm tính tuổi người dưới 18 tuổi khác nhau. Độ tuổi theo từ, ngữ quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 là tính thời điểm phạm tội, còn độ tuổi theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 là tính đến thời điểm người bị kết án.
Mặt khác, tại Khoản 7 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”. Quy định này bao hàm cả quy định tại điểm a khoản 1 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 vì: “không tính để xác định tái phạm”, “đương nhiên xóa án tích”, “coi như không có án tích” đều có thể hiểu giống nhau.
Như vậy, chỉ khi bị kết án mà người đó dưới 18 tuổi mới được hưởng các quy định theo Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015; Quy định tại Điều 107 này không áp dụng đối với trường hợp người khi phạm tội dưới 18 tuổi nhưng khi bị kết án đã trên 18 tuổi (người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng các quy định tại Điều 91). Quy định này chỉ nhằm xem xét giảm nhẹ tội đối với người khi bị kết án là người dưới 18 tuổi.
Quan điểm thứ hai:
Thời điểm xác định độ tuổi dưới 18 tuổi là vào thời điểm phạm tội bởi vì:
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì “người chưa thành niên phạm tội” tức vào thời điểm phạm tội chưa thành niên, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “người dưới 18 tuổi bị kết án” tuy không nêu rõ thời điểm xác định độ tuổi dưới dưới 18 là vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội hay thời điểm bị kết án, nhưng theo hướng có lợi cho người phạm tội, đồng thời để đảm bảo sự công bằng trong xử lý thì cần coi thời điểm để xác định độ tuổi dưới 18 là vào thời điểm người đó thực hiện hành vi phạm tội (ngày phạm tội), khi kết án họ cần được hưởng các quy định nhân đạo của Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quan điểm thứ hai này cũng đồng thời là quan điểm của tác giả bài viết, bởi:
Người dưới 18 tuổi khi phạm tội có những hạn chế về nhận thức, về mặt tâm sinh lý cũng chưa phát triển hoàn thiện ổn định;, họ phải chịu trách nhiệm theo pháp luật về hành vi phạm tội của mình nhưng cũng cần có những quy định khác với người đã thành niên phạm tội để họ có thể dễ dàng hòa nhập với cộng đồng sau khi chấp hành xong bản án về hành vi họ gây ra khi dưới 18 tuổi.
Với từ ngữ dùng trong quy định Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 thể hiện dưới 18 tuổi tính đến thời điểm người đó bị kết án; như vậy phải đến thời điểm bị kết án mà chưa 18 tuổi mới được hưởng quy định tại Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì pháp luật được áp dụng hay không sẽ phụ thuộc vào các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh hay chậm vụ án, phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, chủ quan khác, từ đó tạo nên sự không công bằng, thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Đồng thời, khoản 2 Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định thời hạn đương nhiên xóa án tích đối với người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (ngắn hơn người đã thành niên). Nếu là hiểu chỉ khi bị kết án dưới 18 tuổi mới được hưởng quy định này, thì người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi ở thời điểm phạm tội không được hưởng chính sách gì về xóa án tích (như vậy sẽ bất lợi so với quy định đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, chưa đúng với chủ trương, đường lối của Bộ luật Hình sự năm 2015 là sửa đổi quy định có lợi hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với người chưa thành niên phạm tội).
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, hướng dẫn thống nhất cách hiểu để áp dụng phù hợp; đồng thời sửa đổi từ, ngữ dùng trong Điều 107 Bộ luật Hình sự thay cụm từ “người dưới 18 tuổi bị kết án" bằng "người dưới 18 tuổi phạm tội” đảm bảo thực hiện quy định của pháp luật được rõ ràng, cụ thể.