Những vấn đề cần lưu ý trong việc giải quyết các vụ án ma túy

Ngày đăng : 10:56, 03/06/2019

(Kiemsat.vn) - Ma túy là hiểm họa của toàn xã hội, gây suy giảm sức khỏe con người, suy thoái nòi giống, phá vỡ hạnh phúc gia đình, băng hoại đạo đức và kéo theo nhiều tệ nạn xã hội khác làm ảnh hưởng đến trật tự trị an. 

VKSND quận Thanh Xuân đã khởi tố 64 bị can phạm tội ma túy trong quý 1/2019

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán ma túy ngày càng tinh vi, sảo quyệt khiến các cơ quan pháp luật gặp nhiều khó khăn trong việc đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy. Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật để đấu tranh với loại tội phạm này cũng gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định cần phải có sự thống nhất nhận thức để thi hành. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trao đổi về những khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm thực tế trong việc giải quyết các vụ án ma túy.

Khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy 

Khó khăn, vướng mắc về việc định tội danh:

Thực tế cho thấy, công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy hiện nay gặp khó khăn chủ yếu từ việc định tội danh nhất là đối với tội Mua bán trái phép chất ma túy. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp việc xác định hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy và mua bán trái phép chất ma túy cũng có những khó khăn trong nhận thức. Đối với những vụ án mua bán trái phép chất ma túy mà xác định được rõ kẻ mua, người bán thì việc xử lý không quá khó khăn. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được đối tượng mua và việc chứng minh hành vi mua bán trái phép chất ma túy chủ yếu chỉ dựa và lời khai của người bị bắt. Mục 3.3 Thông tư 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC- BTP ngày 24 tháng 12 năm 2007 liệt kê các hành vi được coi là mua bán trái phép chất ma túy trong đó có hành vi: … e) Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác; g) Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác. Tuy nhiên, việc chứng minh được ý thức chủ quan của một người là rất khó khăn dẫn đến tình trạng thường gặp là trong quá trình điều tra vụ án lúc đầu đối tượng khai nhận mục đích cất giấu hoặc vận chuyển ma túy nhằm mục đích bán nhưng sau đó lại thay đổi lời khai là để sử dụng dẫn đến việc phải thay đổi quyết định khởi tố về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy. Cũng như vậy, tại phiên tòa xét xử vụ án Mua bán trái phép chất ma túy khi bị cáo phản cung, thay đổi lời khai mục đích cất giấu hoặc vận chuyển ma túy chỉ nhằm mục đích sử dụng dẫn đến việc Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn:
Để đảm bảo quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS) đã có những quy định chặt chẽ nhằm hạn chế việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam. Cụ thể tại các khoản 2, 3, 4 Điều 119 BLTTHS quy định: có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và đối với một số đối tượng yếu thế như: phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng trong một số trường hợp cụ thể mà luật nêu. 

Hiện nay, đa phần các vụ án về tội phạm ma túy ở tuyến cơ sở (quận, huyện) đều thuộc trường hợp tội nghiêm trọng vì vậy việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam cần phải được xem xét một cách tỉ mỉ, cẩn trọng, áp dụng đúng các quy định tại khoản 2, 3 Điều 119 BLTTHS. Tại các VKS cấp quận  huyện tỷ lệ bị can, bị cáo không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú là tương đối cao. Ví dụ: tại VKSND quận Thanh Xuân trong quý I năm 2019 có tổng số: 64 bị can đã khởi tố về các tội phạm ma túy; trong đó: Số bị can bị tạm giam là: 38 bị can (tỷ lệ: 59,375 %); số bị can được tại ngoại là 26 bị can (tỷ lệ: 40,625%). Điều này thể hiện các cơ quan tiến hành tố tụng tại cơ sở đã được quán triệt tốt tinh thần nhân đạo và bảo vệ quyền con người mà BLTTHS đã quy định. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú cũng gây ra không ít khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự như: 

Việc triệu tập bị can để hỏi cung trong giai đoạn điều tra, truy tố gặp khó khăn do bị can vì nhiều nguyên nhân không đến đúng hẹn gây chậm trễ, ảnh hưởng đến thời hạn tố tụng.

Một số trường hợp khi được tại ngoại đã bỏ trốn hoặc tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.

Các đối tượng được tại ngoại thường tìm đến sự tư vấn của người có kinh nghiệm dẫn đến việc có thái độ không hợp tác và thay đổi lời khai khiến việc giải quyết vụ án gặp khó khăn. 

Việc triệu tập bị cáo đến tòa để phục vụ công tác xét xử cũng không đảm bảo do bị cáo cố tình lần lữa với nhiều lý do khác nhau dẫn đến việc phải hoãn phiên tòa.

Việc đảm bảo thi hành án cũng không đảm bảo do bị án cố tình không hợp tác, lẩn trốn.

Những khó khăn kể trên khiến cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án không liền mạch, không đảm bảo thời hạn tố tụng.  

Một số kinh nghiệm trong đấu tranh xử lý tội phạm ma túy

Trước những khó khăn, vướng mắc đã nêu trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, Viện kiểm sát các cấp cần thường xuyên tổ chức các cuộc họp chuyên đề để đúc rút kinh nghiệm thực tế nhằm nâng cao chất lượng của cán bộ, kiểm tra viên, kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án ma túy.

Về vấn đề định tội danh:

Đối với các vụ án về ma túy, lãnh đạo Viện kiểm sát cần yêu cầu Kiểm sát viên phải chủ động tham gia vào quá trình điều tra ngay từ đầu khi Cơ quan điều tra phát hiện tội phạm. Việc này giúp cho Kiểm sát viên nắm bắt tình hình vụ án ngay từ đầu, lấy lời khai của đối tượng thực hiện hành vi phạm tội để có căn cứ tham mưu cho lãnh đạo viện ban hành các quyết định phê chuyển quyết định gia hạn tạm giữ hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giữ…

Việc ghi lời khai, hỏi cung bị can ở giai đoạn điều tra, truy tố có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hành vi phạm tội của đối tượng. Từ đó, Kiểm sát viên có thể đề xuất lãnh đạo viện phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, duyệt cáo trạng đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Như phần trên đã nói đối với trường hợp không xác định được đối tượng mua và việc chứng minh hành vi mua bán trái phép chất ma túy chủ yếu chỉ dựa vào lời khai của người bị bắt để làm rõ ý thức chủ quan của đối tượng là nhằm bán trái phép chất ma túy cho người khác. Do đó, việc Kiểm sát viên lấy lời khai và hỏi cung bị can trước khi đề xuất lãnh đạo viện ban hành một quyết định tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp Kiểm sát viên có thể kiểm tra lại tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan điều tra cung cấp; kiểm tra lại tính khách quan của các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can của Điều tra viên; củng cố niềm tin nội tâm của Kiểm sát viên khi đề xuất lãnh đạo viện ra các quyết định tố tụng. Bên cạnh đó, việc Kiểm sát viên lấy lời khai, hỏi cung bị can cũng là vũ khí để đấu tranh với đối tượng phạm tội tại tòa án. Trường hợp tại tòa án, bị cáo thay đổi lời khai việc cất giấu ma túy trong người là nhằm mục đích sử dụng chứ không phải mục đích bán kiếm lời thì Kiểm sát viên cần dựa vào những lời khai của bị cáo khi làm việc với Kiểm sát viên để đấu tranh thuyết phục bị cáo nhận tội. Câu hỏi mà Kiểm sát viên có thể đặt ra để hỏi bị cáo như: Khi Kiểm sát viên lấy lời khai của bị cáo bị cáo khai tình trạng sức khỏe tốt, đủ minh mẫn để làm việc với Kiểm sát viên; bị cáo khai không bị đánh đập, bức cung, dùng nhục hình; bị cáo đã khai nhận cất giấu ma túy trong người để đi bán kiếm lời và cam đoan lời khai của mình là đúng thì lý do tại sao tại phiên tòa ngày hôm nay bị cáo lại thay đổi lời khai? Đối với những câu hỏi dạng này bị cáo thường có thái độ bối rối và không trả lời được câu hỏi của Kiểm sát viên. 

Chính vì vậy, khi lấy lời khai, hỏi cung bị can, Kiểm sát viên bên cạnh việc hỏi rõ các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội thì cần có những câu hỏi khác mang tính đấu tranh để thể hiện sự minh bạch và khách quan của quá trình làm việc với đối tượng như: hỏi về tình trạng sức khỏe, tinh thần của đối tượng; hỏi đối tượng trong quá trình làm việc với Cơ quan điều tra có bị đánh đập, bức cung, dùng nhục hình không? (kết hợp với việc quan sát thái độ của đối tượng khi trả lời những câu hỏi này, quan sát thân thể đối tượng có thương tích gì không); hỏi đối tượng có khiếu nại gì về quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên và cán bộ điều tra không? hỏi đối tượng có muốn khai báo thêm gì không? Yêu cầu đối tượng cam đoan về lời khai của mình… Khi lấy lời khai và hỏi cung bị can, Kiểm sát viên cần yêu cầu Điều tra viên, cán bộ điều tra rời khỏi phòng hỏi cung để đảm bảo tính khách quan của quá trình làm việc. Sau khi kết thúc việc lấy lời khai Kiểm sát viên phải yêu cầu bị can đọc lại biên bản và ký xác nhận vào từng trang của biên bản.

Vấn đề áp dụng biện pháp ngăn chặn:

Bên cạnh việc đảm bảo quyền con người trong tố tụng hình sự thì việc đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng là cần thiết. Mặc dù, BLTTHS với tinh thần hạn chế áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nhưng thực tế đấu tranh với tội phạm ma túy đòi hỏi cần phải áp dụng các biện pháp cứng rắn. 

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với tội phạm ma túy cũng giúp giảm đi những khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đã được nêu ở phần trên; giúp quá trình tố tụng diễn ra thuận lợi và đảm bảo thời hạn tố tụng. 

Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa những khó khăn vướng mắc như đã nêu khi áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú thì việc sàng lọc đối tượng để áp dụng biện pháp này là rất cần thiết. Quá trình sàng lọc phải hết sức khách quan, thấu đáo, đánh giá đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 119 BLTTHS. Tránh tình trạng áp dụng một cách máy móc các quy định của điều luật này dẫn đến việc cho tại ngoại một cách tràn lan, tùy tiện.

Trương Văn Tiến – Nguyễn Hữu Tùng Lâm/VKSND quận Thanh Xuân