Quy định viện dẫn và việc xác định cấu thành tội phạm của Bộ luật Hình sự: Còn có nhiều bất cập

Ngày đăng : 00:31, 27/05/2019

(Kiemsat.vn) - Khi xác định cấu thành của tội phạm trong Bộ luật Hình sự thường có các quy định viện dẫn; tuy nhiên trong thực tiễn thi hành, có những điều luật viện dẫn nhưng không có văn bản quy phạm pháp luật để viện dẫn, gây khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như chúng ta đã biết, các điều luật ở Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự bao gồm hai phần: Phần quy địnhPhần chế tài; trong đó Phần quy định là phần của điều luật xác định những dấu hiệu của hành vi phạm tội với 04 loại quy định là: Quy định giản đơn, Quy định mô tả, Quy định chỉ dẫn và Quy định viện dẫn.

Quy định viện dẫn là loại quy định không trực tiếp chỉ ra những dấu hiệu của hành vi phạm tội mà viện dẫn đến những văn bản quy phạm pháp luật luật khác. Trong tổng số trên 300 điều luật ở Phần các tội phạm, có hơn một chục điều luật có quy định viện dẫn, được thể hiện cụ thể như: “Người nào vi phạm quy định về…..thuộc một trong các trường hợp sau đây…” hoặc: “Người nào vi phạm quy định về… gây thiệt hại cho…”.

Để xác định cấu thành tội phạm đối với những tội phạm này thì cần phải xem các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Nghị định, Thông tư; ví dụ: Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ chỉ xác định: “Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho…mà không chỉ ra thế nào là vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ; do đó, để xác định cấu thành của tội này thì phải xem quy định của Luật giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Chỉ khi xác định rõ người tham gia giao thông đã vi phạm các quy định mà Luật và Nghị định đã quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại như quy định tại Điều 260 thì mới khẳng định được là người đó đã phạm tội.

Như vậy, để xác định cấu thành tội phạm của những tội được quy định ở những điều luật có quy định viện dẫn, cần phải xác định được văn bản quy phạm pháp luật và sự vi phạm quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đó đến mức bị xử lý về hình sự.

Nếu không có sự tồn tại của văn bản quy phạm pháp luật, thì không thể có một hành vi vi phạm quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự; như với trường hợp, trong một đêm ca nhạc ngoài trời, có một số thanh niên hít bóng cười dẫn đến có người tử vong. Có ý kiến cho rằng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự người tổ chức đêm nhạc về tội “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.

Trong thực tế, về an toàn lao động, vệ sinh lao động đã được quy định cụ thể tại Luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động và các Nghị định của Chính phủ; tuy nhiên, an toàn ở nơi đông người thì chưa được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật nào; như vậy, vô hình chung, tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người mới chỉ được nhắc đến trong Bộ luật Hình sự chứ chưa thể giải quyết được trong thực tế.

Từ những bất cập nêu trên, thiết nghĩ trong thời gian tới, các ngành có liên quan cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là đối với những tội phạm được quy định tại những điều luật có quy định viện dẫn; góp phần đưa luật vào cuộc sống; giúp cho việc điều tra, truy tố và xét xử được chính xác; tránh xử lý oan, sai và bỏ lọt tội phạm./.

Ngô Cường-Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT, TAND tối cao