Sự thật đằng sau “ngành công nghiệp sư tử” tại Nam Phi

Ngày đăng : 09:13, 07/05/2020

(Kiemsat.vn) - Sư tử con bị tách khỏi mẹ khi vừa sinh, bị bỏ đói, bệnh tật, hay phải sống trong môi trường thiếu vệ sinh... là sự thật gây sốc đằng sau những hình ảnh dễ thương tại một trại nuôi nhốt sư tử ở Nam Phi.

Mới đây, Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế đã chia sẻ những bức ảnh gây sốc từ một nguồn tin giấu tên, phơi bày sự thật về những con sư tử bị bỏ mặc đến đói lả, gầy trơ xương và toàn thân bị lở loét tại một trại phối giống ở Nam Phi. Những bức ảnh này đã đem đến một cái nhìn chân thực về một nền công nghiệp nuôi nhốt và phối giống hơn 12.000 cá thể sư tử tại hơn 200 trang trại trên khắp đất nước này. 

Các trang trại nuôi sư tử ở Nam Phi được các nhà vận động gọi là... trò lừa đảo. Những con sư tử con được sử dụng để mua vui cho khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Họ không hề biết về những gì mà chúng phải chịu đựng đằng sau vẻ ngoài dễ thương thường thấy. Trước đó, khi điều tra tại trang trại Pienika ở Nam Phi vào ngày 11 tháng 4, nhân viên Hiệp hội guốc gia Phòng chống ngược đãi động vật đã phát hiện 108 con sư tử, cũng như linh miêu, hổ và báo đang sinh sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ; thậm chí chúng không thể đi lại bình thường. "Rất nhiều vấn đề tại các trang trại nuôi nhốt sư tử: chuồng nhỏ, chật chội, quá tải, không được cung cấp nước và điều kiện vệ sinh kém, đầy rẫy mầm bệnh", người này nói.

Những kẻ săn mồi lại trông thật thảm hại vì gầy trơ xương. 

Đây là nơi nhân giống để cung cấp sư tử con mỗi năm cho các điểm du lịch. Chính phủ Nam Phi đã phê chuẩn và hợp pháp hóa ngành công nghiệp nuôi nhốt sư tử, và đề ra một hạn ngạch cho hoạt động thương mại xương sư tử với nước ngoài, bất chấp phản đối gay gắt từ quốc tế.

Thông thường, những con sư tử cần ở với mẹ trong 18 tháng đầu, và con sư tử cái phải nghỉ ít nhất 15-24 tháng giữa các đợt sinh nở. Nhưng trong các trang trại nuôi sư tử, những con non bị tách khỏi mẹ ngay sau khi chúng vừa chào đời hoặc thậm chí là vài giờ để làm “đạo cụ” chụp ảnh cho du khách. Sư tử mẹ cũng phải bắt đầu chu kỳ sinh nở tiếp theo ngay sau đó. Chúng bị khai thác đến kiệt sức trong điều kiện giam cầm thiếu thốn, đói khát, chuồng trại bẩn thỉu. Thậm chí, chúng mất cả khả năng thể hiện hành vi tự nhiên.

Những con sư tử này sau đó được nuôi lớn để trở thành "bia đạn sống" trong những chuyến săn sư tử đầy tàn nhẫn tại khu vực có rào chắn để chúng không thể trốn thoát, Delsink cho biết thêm.Audrey Delsink, Giám đốc phụ trách mảng Động vật hoang dã tại Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế tại Châu Phi, cho biết: "Ngành công nghiệp sư tử ở Nam Phi đã thực hiện một chu kỳ bóc lột man rợ. Những con sư tử bị tách khỏi mẹ khi chỉ mới vài ngày tuổi. Chúng được nuôi lớn bởi trợ cấp của những tình nguyện viên từ các quốc gia trên thế giới như Anh - những người lầm tưởng chúng là những con sư tử mồ côi".

Trong một thập niên qua, Nam Phi đã xuất khẩu xương sư tử sang Lào, Thái Lan, Việt Nam và các thị trường Đông Nam Á khác. Người ta dùng nó để làm đồ trang sức và thuốc chữa bệnh.

Ngày 2 tháng 5, Hiệp hội Quốc gia Phòng chống ngược đãi động vật đã đưa ra các cáo buộc đối với thành viên Hiệp hội Động vật ăn thịt Nam Phi và Ủy viên hội đồng Jan Steinman.

Giám đốc Động vật hoang dã tại Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế tại Châu Phi, ông Audrey Delsink khẳng định: “Trước rất nhiều bằng chứng tố cáo các hành động tàn bạo này và các tiêu chuẩn không có thật do ngành công nghiệp đưa ra, chính phủ Nam Phi không thể ngồi yên mãi được. Chúng tôi yêu cầu chính phủ đóng cửa ngành công nghiệp này vĩnh viễn, đó là cách duy nhất giúp danh tiếng của Nam Phi có thể khôi phục sau tai họa này.” 

Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế đang kêu gọi cộng đồng ký tên yêu cầu Cơ quan bảo tồn của chính phủ Nam Phi ngừng hoạt động nuôi nhốt động vật ăn thịt.

Những điều kinh hoàng tại trang trại Peinika đang cho thấy một thực tế rằng chính quyền điạ phương không thể điều chỉnh ngành công nghiệp này dưới bất kỳ hình thức nào.

Đến Nam Phi, muốn chụp ảnh với sư tử rất đơn giản. Tính đến nay, có khoảng từ 6.000 đến 8.000 con sư tử bị nuôi nhốt trong khoảng 260 cơ sở trên toàn Nam Phi, để phục vụ cho mục đích thương mại dưới hình thức thu phí của du khách khi muốn trải nghiệm cảm giác tương tác, chơi đùa cùng sư tử.

Theo thống kê từ Liên Hợp Quốc, số cá thể sư tử hoang dã tại châu Phi đã giảm từ 450.000 con xuống còn 20.000 con trong 50 năm qua. Các chiến dịch vận động phản đối nuôi nhốt sư tử vì mục đích thương mại ngày càng mạnh mẽ ở các nước như Úc, Pháp, Hà Lan và Mỹ những năm gần đây./.

 

Cáp Tuấn Ba (Theo vegannews)