Nam Phi: Nhân rộng công nghệ chống săn trộm động vật hoang dã

Ngày đăng : 09:27, 12/05/2020

(Kiemsat.vn) - Thông qua việc ngăn chặn các đối tượng săn trộm tiếp cận động vật hoang dã, một công nghệ đang làm giảm đáng kể nạn săn trộm tê giác trong một khu bảo tồn ở Nam Phi có thể được sử dụng để cứu các loài bị đe dọa trên toàn cầu.

Năm 2015, lần đầu tiên, Công ty công nghệ Cisco and Dimension Data giới thiệu công cụ Connected Conversation – sử dụng hỗn hợp cảm biến nhiệt, camera an ninh, camera tầm xa và wi-fi để phát hiện nhanh nhất, chủ động nhất các đối tượng săn trộm tại một khu vực hẻo lánh ở phía Tây Bắc Nam Phi, nơi thông tin liên lạc điện tử còn rất hạn chế.

Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn các hoạt động săn bắt động vật hoang dã, khi việc tuần tra hàng ngày không thể kiểm soát hết và vẫn để lọt những kẻ buôn bán động vật trái phép.

Hệ thống camera và cảm biến được thiết kế có thể quan sát mọi ngóc ngách nhằm thu thập dữ liệu về những người lọt vào khoảng cách nghi vấn và gửi cảnh báo đến lực lượng kiểm lâm khi phát hiện những hành vi xâm nhập trái phép. Thông tin dữ liệu từ các camera an ninh và cảm biến nhiệt đều được thu thập và gửi về phòng điều khiển trung tâm 24 giờ.

Tê giác đen có nguy cơ tuyệt chủng cao

Theo Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (WWF), loài tê giác trắng hiện đang bị đe dọa, trong khi tê giác đen được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng cao khi chỉ còn lại hơn 5.000 con.

Nam Phi, nơi sinh sống của phần lớn tê giác trên thế giới đang bị đe dọa liên tục bởi những kẻ săn trộm với mục đích lấy sừng tê giác bán cho thị trường chợ đen với giá cao hơn vàng. Sừng tê giác được nhiều người phương Đông săn lùng vì niềm tin mù quáng và không có cơ sở vào khả năng chữa bệnh ung thư và chữa cả chứng say rượu, mặc dù thành phần chủ yếu của sừng tê giác là keratin – một loại protein cũng có trong tóc và móng tay.

Công nghệ này đã được áp dụng ở khu vực Zambia và cũng sẽ được triển khai ở Keny. Đồng thời, các nhà bảo tồn thiên nhiên thuộc dự án hiện đang tìm kiếm thêm một vài địa điểm với một số bên quan tâm từ Ấn Độ, New Zealand và nhiều khu vực khác.

Bruce Watson, Chuyên gia bảo tồn thiên nhiên và điều hành dự án này của Cisco and Dimension Data cho biết, mạng lưới theo dõi này đặc biệt phù hợp với châu Phi, nơi chúng ta đang thực hiện công cuộc cứu tê giác, voi, sư tử, tê tê và tất cả các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa hàng ngày hàng giờ.

Một trung tâm an ninh sử dụng camera quan sát, cảm biến nhiệt và bản đồ nhiệt để theo dõi và giám sát các mối đe dọa tiềm ẩn (Ảnh: Jamie Harris)

"Hiện có 7.000 loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu, và chúng tôi mong rằng mạng lưới theo dõi này sẽ được áp dụng tại nhiều nơi để chặn đứng tình trạng săn bắt động vật hoang dã trên toàn thế giới", ông Bruce Watson chia sẻ.

Chúng tôi đã có kế hoạch đưa giải pháp của mình đến Ấn Độ; trước mắt là hai yêu cầu hợp tác với Công viên hổ ở Ấn Độ, sau đó đến châu Á và xa hơn, chúng tôi sẽ tiến hành ứng dụng phát minh của mình ở một vịnh thuộc New Zealand, để chung tay bảo vệ đại dương, bảo vệ cá đuối, cá voi và cá mập.

Chúng tôi cũng đang xem xét lắp đặt công cụ Connected Conversation ở một công viên thuộc Montana. Đây là một thảo nguyên rộng lớn, có lẽ là một trong những khu bảo tồn lớn nhất trên thế giới. Và sau đó triển khai tại Nam Mỹ, với mục đích bảo vệ báo đốm và sư tử núi.

“Chúng tôi đã cố gắng đưa ra một giải pháp hiệu quả nhất. Kết quả, công nghệ này đã giúp giảm được nạn săn trộm tới 96% trong năm 2016 và kể từ tháng 1/2017 đến nay, không một con tê giác nào bị săn trộm”, ông Bruce Watson cho biết thêm.

Có thể nói, nạn săn trộm ở Nam Phi đã giảm đáng kể. Thống kê gần đây nhất cho thấy, 508 con tê giác bị giết trong 8 tháng đầu năm 2018, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với việc mở rộng để bảo vệ các loài khác, Connected Conservation cũng đang tìm tòi các giải pháp mới như sử dụng trí tuệ nhân tạo và các cảm biến tinh vi hơn để cải thiện hiệu quả./.

 

Cáp Tuấn Ba (Theo Techcentral.co.za)