6 vấn đề tiếp tục xin ý kiến của dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

Ngày đăng : 04:37, 03/05/2019

Chiều 2.5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các Bộ, ngành đã họp, cho ý kiến về việc sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012.

Chiều 2.5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các Bộ, ngành đã họp, cho ý kiến về việc sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012.

Dự án Bộ luật đang xin ý kiến để trình Quốc hội

Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 7 và thông qua dự án này vào Kỳ họp thứ 8.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Doãn Mậu Diệp, tới nay, Bộ đang hoàn thiện dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), xin ý kiến nhân dân, các bộ, ngành và chuyên gia để trình Quốc hội. Ông Diệp cho biết còn 6 vấn đề trong dự án này cần tiếp tục thảo luận sâu sắc hơn.

Thứ nhất là mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa. Sau khi tham khảo kinh nghiệm của các nước và nhu cầu của người lao động, chủ doanh nghiệp, Bộ LĐTBXH đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm (theo Bộ Luật hiện hành) lên 400 giờ/năm (nếu được người lao động đồng ý, chủ doanh nghiệp trả lương đãi ngộ làm thêm giờ lũy tiến, cao nhất tới 300% so với ngày thường và một số điều kiện bảo đảm sức khỏe cho người lao động).

Thứ 2, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐTBXH trình 2 phương án. Phương án 1 là từ 1.1.2021, tăng tuổi nghỉ hưu thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2 là từ 1.1.2021 tăng tuổi nghỉ hưu thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

Thứ 3, về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở để bảo đảm tuân thủ các quy định của quốc tế. Dự thảo có 3 Điều quy định 3 nội dung lớn về quyền của người lao động trong thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; điều kiện với Ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức và tôn chỉ, mục đích, điều lệ của tổ chức. Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể các nội dung trên bằng Nghị định.

Thứ 4, về thời gian nghỉ Tết âm lịch, ngoài phương án giữ nguyên như hiện hành (nghỉ 5 ngày, nếu ngày nghỉ Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào tuần kế tiếp), Bộ LĐTBXH bổ sung phương án nữa là nghỉ 5 ngày, nếu trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động không được nghỉ bù.

Thứ 5, Bộ LĐTBXH đề nghị bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27.7 Dương lịch) để nhân dân, người lao động dành thời gian tham gia, tổ chức các hoạt động thiết thực tri ân các anh hùng, liệt sỹ và thân nhân.

Thứ 6, Bộ LĐTBXH đề nghị bổ sung vào Bộ Luật Lao động giao Chính phủ quy định thống nhất thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước. Thời gian làm việc dự kiến là 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ các bộ phận đặc biệt liên quan tới liên thông công việc và tiếp dân).

Lý giải rõ hơn về tính phù hợp của khoảng cách tuổi hưu của nam và nữ

Tại buổi họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ LĐTBXH tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để bổ sung vào dự thảo, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, nhất là người lao động, các chuyên gia, nhà khoa học về các nội dung của Bộ luật mới.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTBXH có lập luận và lý giải rõ hơn về yêu cầu và tính phù hợp của khoảng cách tuổi hưu của nam và nữ theo phương án đã nêu đối với thị trường và tâm lý của xã hội; về cơ chế lương lũy tiến đối với trường hợp làm thêm giờ; nghiên cứu, bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự án về cơ chế giải quyết tranh chấp lao động,...

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH - Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ sẽ tiếp tục nhận góp ý của xã hội đối với dự thảo ngay cả khi hết hiệu lực xin ý kiến theo quy định của pháp luật và sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan của Quốc hội trong soạn thảo, thẩm tra dự án Bộ Luật.

Chung Hải/Laodong.vn